Bà giành quyền chăm cháu, em uất lắm!

Ngày 29/05/2013 09:34 AM (GMT+7)

Em thực sự nản lòng khi con em sinh ra nhưng lại không có quyền nuôi nấng, chăm bẵm...

Đọc tâm sự của người mẹ trong bài “Bất lực nhìn bà chăm cháu kiểu lạ đời” em vô cùng cảm thông với chị vì hoàn cảnh của em cũng gần như thế. Em đang phải trải qua những tháng ngày tuy không gay gắt như chị những cũng không kém phần uất ức.

Lấy chồng và sinh con khi vẫn đang còn ngồi ghế giảng đường, 20 tuổi -  em và chồng khi đó trong một lần “vượt rào” đã có Nhím. Tuy nhiên đối với em, cô công chúa đáng yêu này là sản phẩm của tình yêu thương chứ không phải là do lầm lỡ. Dù đã đồng ý cho chúng em cưới nhau, mẹ chồng vẫn luôn 'mặt nặng mày nhẹ' bởi trong suy nghĩ của bà em đã “phá hỏng tương lai” của chồng mình. Ghét em nhưng bà lại cực kỳ yêu quí cô công chúa nhỏ em sinh ra. Có lẽ đấy cũng là điểm chung duy nhất giữa hai mẹ con em – điểm chung mà từ đó, em đã phải chịu bao uất ức, tủi nhục.

Ngay ngày đầu tiên khi em sinh con trong viện, bà đã cố tình giữ rịt lấy Nhím không cho em bế một phút nào. Đón cháu từ tay nhân viên y tá xong, mẹ chồng em hồ hởi đem khoe nhà nội, mặc ông bà thông gia đứng đấy cũng chẳng được nhìn kỹ mặt cháu. Chỉ đến khi mọi người nhắc nhở “Sao không đưa con cho mẹ nó bế” thì bà mới phụng phịu trao bé cho em.

Làm mẹ lần đầu, ai chẳng có chút vụng về, lóng ngóng. Vậy mà, khi thấy em bế con không đúng cách, thay vì cầm tay chỉ dạy bà lại hét toáng lên rồi giật ngay cháu lại vì sợ “nó làm gãy xương con bé”. Cũng vì cái cớ này, bà nhất quyết không cho em được gần con nữa.

Bà giành quyền chăm cháu, em uất lắm! - 1
Dù mẹ có sữa, bà vẫn quyết vạch ti ra cho cháu bú (ảnh minh họa)

Những ngày đầu làm mẹ, em vô cùng bối rối và hoang mang. Em chỉ dám đợi những lúc bà ra ngoài đi ăn để nhờ chị y tá dạy cách bế con, cách thay tã, cách cho con ti... Nhím có vẻ cũng nhận ra hơi mẹ nên bện và ti chăm chỉ lắm. Khi những giọt sữa non đầu tiên về, em hồ hởi khoe mẹ chồng, tưởng sẽ được bà khen và ghi nhận những cố gắng của mình. Vậy mà tất cả em nhận được chỉ là cái bĩu môi khinh khỉnh. Mẹ chồng chê sữa em ít, lại loãng như nước vo gạo nên dù nói thế nào, bà cũng nhất quyết vạch ti mình ra cho cháu bú. Em tủi thân rơi nước mắt.

Đem nỗi lòng tâm sự với chồng, anh chỉ biết lúng túng rồi khuyên “hãy chờ khi nào sữa về nhiều, mẹ sẽ đưa con cho em nuôi thôi mà”. Nhưng vì không được cho con ti để kích thích nên sữa em ít dần rồi mất hẳn.

Rồi em cũng được ra viện về nhà. Cảm giác vui mừng háo hức vì sắp được chăm con như tắt ngấm hoàn toàn khi mẹ chồng em thản nhiên ôm chăn gối vào phòng hai vợ chồng. Bà quyết định ở đây “tạm vài tháng” để chăm cháu giúp em. Biết vợ buồn nhưng chồng em cũng chẳng dám ngăn cản gì. Anh bảo “sợ mẹ tủi thân”.

Mẹ chồng em rất thích bế cháu rung lắc, cứ lúc nào xong việc là bà lại ôm lấy Nhím rồi rung lắc, tung hứng bần bật. Thấy Nhím cười bà càng đắc chí lắm. Mặc em cố gắng khuyên mẹ không nên bế cháu nhiều sẽ tạo thói quen xấu, bà chỉ coi lời em như đứa trẻ con chẳng đáng quan tâm. Càng ngày, Nhím càng nghiện bế, có khi đến 4 - 5 giờ sáng vẫn thức chong chong đòi rung lắc. Cứ bế trên tay ru ngủ thì không sao, đặt xuống là Nhím tỉnh dậy rồi quấy khóc ngằn ngặt. Suốt một tuần liền Nhím chơi một mạch từ 9h tối đến 0h đêm mới chịu ngủ. Khi đã thấm mệt, mẹ chồng mới đẩy con qua cho em chăm. Uất ức nhưng em vẫn cố nén giận, nuốt nước mắt dạy con lại từ đầu.

Học theo kinh nghiệm của các mẹ trên mạng, em quyết tâm 'cai' bế cho Nhím. Lần đầu tiên dùng biện pháp cứng rắn, vừa nghe thấy tiếng Nhím ọ ẹ khóc nhè, mẹ chồng em đã lao ngay vào phòng rồi hét lên “mày định giết con mày à”. Sau đấy, bà tiếp tục bế cháu cưng nựng. Em vô cùng thất vọng và buồn lòng nhưng vẫn cố gắng kiên trì phương pháp dạy của mình.

Ông trời quả cũng vẫn còn thương em, sau những nỗ lực của cả một tháng trời trắng đêm trông con, Nhím cũng đã bắt đầu thay đổi giờ giấc đi ngủ. Nhưng niềm vui nào có được lâu, chờ lúc Nhím thiu thiu nhắm mắt, mẹ chồng em lại vào rung lắc cháu vài cái cho tỉnh để “chúc ngủ ngon” rồi hả hê bỏ đi.

Giờ đây, em thực sự nản lòng không biết làm thế nào. Con em sinh ra nhưng em không có được cái quyền nuôi nấng, chăm bẵm... như những người mẹ khác?!

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé