Bé 3 tuổi trên lưng cha đi bới rác trong giá rét

Ngày 05/02/2015 00:06 AM (GMT+7)

Anh Hùng không dám ước điều gì to tát cho tương lai, anh chỉ mong mỗi ngày trời đừng mưa vì trời mưa hai bố con phải ở nhà, đồng nghĩa với việc nguồn sống sẽ bị cắt.

Cũng vì miếng cơm manh áo mà tết này anh Hùng quyết định 2 bố con không về quê mà ở lại Hà Nội. Anh Hùng lý giải: "Tết sẽ có nhiều rác hơn và hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn".

Người đàn ông bị tật và mối tình dang dở

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1981, quê Bắc Giang) sinh ra đã bị liệt nửa người bên phải. Cha mẹ anh đã chạy chữa khắp nơi nhưng tình trạng bệnh phục hồi không đáng kể. Anh Hùng vẫn bị khèo tay, ngoẹo cổ và không thể làm được việc nặng cho đến bây giờ.

Cách đây 5 năm, khi không biết làm gì để sống, anh Hùng bỏ quê hương lên Hà Nội tìm cách kiếm ăn qua ngày. Biết sức mình yếu kém, anh Hùng chọn cách đi nhặt phế liệu để bán lấy tiền. Cuộc sống hàng ngày cứ thế nhẹ nhàng trôi qua cho đến một ngày anh gặp một người phụ nữ và quyết định sống chung như vợ chồng.

Bé 3 tuổi trên lưng cha đi bới rác trong giá rét - 1

Anh Nguyễn Mạnh Hùng và con gái Nguyễn Thị Hương Mơ.

Không đám cưới, không có người chứng giám, anh chị vẫn hàng ngày bên nhau và sinh ra bé gái đặt tên là Nguyễn Thị Hương Mơ, cái tên anh thích từ lâu. Cũng tưởng rằng, hạnh phúc giản đơn với người đàn ông bị tật như anh như thế là quá đủ thì một thời gian sau, khi bé Hương Mơ chưa được 2 tuổi, vợ anh bị thần kinh bỏ nhà đi lang thang. Anh Hùng chính thức bước vào cảnh "gà trống nuôi con".

Bé 3 tuổi trên lưng cha đi bới rác trong giá rét - 2

Căn phòng trọ chưa đầy 6m2.

Hiện anh Hùng đang thuê trọ tại quận Long Biên, Hà Nội, cũng là khu trọ của những người lao động nghèo khó như anh. Gọi là nhà trọ nhưng thực ra đó chỉ là phòng nhỏ với diện tích chưa đầy 6m2 và thuê với giá 1 triệu đồng/tháng, tương đương với gần nửa số tiền anh kiếm được hàng tháng. Đồ dùng trong nhà chỉ đơn giản là một tấm phản kê thành giường, một chiếc rương đựng quần áo, quạt và một chiếc bàn cạnh chiếc ghế cáu bẩn.

Chật chội, nhếch nhác, ẩm thấp nhưng đối với anh Hùng đó lại là hạnh phúc đó là chốn dừng chân sau một ngày đi bới rác mệt nhọc và cũng là nơi hàng ngày anh được ở bên vui đùa cùng con.

Cuộc sống trên lưng cha

Từ ngày vợ bỏ đi, hành trình bới rác kiếm sống của anh Hùng phải có thêm bạn đồng hành là cô con gái được cõng trên lưng.

Buổi sáng anh đưa con đến trường rồi đi lang thang tìm... phế liệu hoặc có ai thuê gì thì làm. Do sức khỏe yếu nên anh Hùng cũng chỉ làm được việc nhẹ như xúc đất. Cả buổi làm mệt nhọc cũng kiếm được khoảng gần 100.000 đồng. 

Đến chiều, anh đón bé Hương Mơ đi học về và bắt đầu địu con trên lưng rong ruổi khắp con phố đi nhặt rác. Có lẽ đối với trẻ con vui nhất là được đi chơi nên bé Hương Mơ cứ líu lo như con chim non trên lưng cha. Anh Hùng vui vẻ kể: "Nó (bé Mơ - PV) hát suốt rồi múa nghiêng bên nọ, nghiêng bên kia nên có đi cả buổi cũng không lúc nào thấy buồn".

Thỉnh thoảng, anh Hùng mua cho con xiên thịt nướng để cho bé đỡ đói và cũng là phần thưởng cho con khi phải chịu thiệt thòi. "Nhiều người thương nó lắm, có người cho sữa, người cho tiền mặc dù lấy thì rất ngại", anh Hùng thổ lộ.

Bé 3 tuổi trên lưng cha đi bới rác trong giá rét - 3

Bé Mơ trên lưng cha đi bới rác.

Bé 3 tuổi trên lưng cha đi bới rác trong giá rét - 4

Những đồng bạc lẻ từ bán phế liệu nuôi sống 2 cha con qua ngày.

Thấy cảnh hai bố con anh Hùng thường xuyên đi lang thang nhặt rác, không đủ ăn, nhóm từ thiện Thiện Vi đã đến thăm hỏi và hỗ trợ anh Hùng một tháng tiền thuê nhà (700.000 đồng) và tìm nhà khác cho bố con anh Hùng thuê. Tuy nhiên, anh Hùng từ chối chuyển vì ở đây mọi người sẽ thuận tiện cho việc gọi nhau đi làm.

Hai cha con trở về phòng trọ khi đã 8-9 giờ tối, nhiều hôm mệt, bé Mơ ngủ gục từ lúc nào. Thế nhưng, khổ nhất là gặp những hôm mưa gió, cha con ướt hết cả người. "Nó suốt ngày bị sổ mũi. Biết làm thế nào bây giờ", thương con nhưng anh Hùng chỉ biết tặc lưỡi.

Trên chiếc xe đạp cũ rách, địu con nặng trên lưng, thế nhưng người cha khuyết tật ấy vẫn đạp xa hàng chục cây số đến làng Lệ Mật, khu Đức Giang... tìm từng thùng rác, bãi rác để nhặt phế liệu.

Anh Hùng hồ hởi chia sẻ: "Tôi nhặt sắt thép, nhựa, giấy và bán với giá khoảng 5.000 đồng/cân. Vỏ lon thì bán 300 đồng/chiếc. Hôm nào kiếm được nhiều hoặc có ai cho thì được 50.000-70.000 đồng/ngày. Mỗi tháng thu nhập từ việc nhặt phế liệu và làm thuê cũng được khoảng hơn 2 triệu".

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhưng anh Hùng không bao giờ nghĩ quẩn vì mình còn may mắn hơn nhiều người. Bởi vậy, cả khu trọ ai cũng thương 2 bố con. Chị Nguyễn Thị Loan, hàng xóm nhà anh Hùng chia sẻ: "Tội bố con nó lắm. Con thì nhỏ, bố thì yếu, tôi toàn phải sang giặt quần áo hộ cho. Cháu Mơ ngoan và lanh lợi, đặc biệt rất thương bố, không quấy khóc hay đòi hỏi gì bao giờ".

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Việc tử tế