Bệnh quen ở trẻ khi Tết đến, xuân về

Ngày 08/02/2013 13:20 PM (GMT+7)

Cha mẹ cùng 'dắt lưng' mẹo hay để 'giải cứu' trẻ kịp thời nếu có mắc bệnh dịp tết nhé!

Tết đến, xuân về là thời gian cả gia đình nghỉ ngơi và thư giãn cùng nhau. Tuy nhiên, cha mẹ đừng 'mải vui' mà lơ là việc chăm sóc sức khỏe cho con nhé!

Dưới đây là một vài bệnh có số lượng trẻ mắc phải nhiều nhất trong dịp tết, cha mẹ cần biết và 'dắt lưng' mẹo hay để 'giải cứu' trẻ kịp thời nhé!

1. Bệnh cúm

Bệnh này rất thường gặp khi trời lạnh, khả năng trẻ em bị nhiễm chiếm 1/3 dân số người bị mắc cúm hàng năm, nếu không cẩn thận có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng

- Sốt, nhức đầu, đau khắp cơ thể, ớn lạnh, chảy nước mũi, ho, đau cổ họng.

Chăm sóc trẻ

- Trong thời gian trẻ bị cảm hoặc cúm, các mẹ hãy cố thuyết phục con nằm nghỉ trên giường, tránh vận động nhiều hay tiếp xúc với người khác.

- Các mẹ nên cho bé uống nhiều nước (vì bệnh cúm thường kèm theo sốt, khiến cơ thể bị mất nước).

- Hãy cho con mặc quần áo thoáng, mỏng và hút mồ hôi, cho con mặc nhiều lớp để có thể mặc thêm hoặc cởi ra tùy theo tình hình.

- Nên thận trọng đối với những loại thuốc các mẹ cho con sử dụng, nhất là đối với trẻ dưới 2 tuổi. Tất cả những loại thuốc này nên được dùng dưới sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

- Mọi người trong gia đình nên rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt sau khi chăm sóc bé.

Bệnh quen ở trẻ khi Tết đến, xuân về - 1

Trẻ thường hay bị cúm khi trời lạnh (Hình minh họa)

Một vài mẹo chữa cúm hiệu quả:

Cháo gà

Cháo gà nóng là một trong những món ăn “cổ điển” từ xưa tới nay rất tốt cho các bệnh cảm lạnh và viêm họng không chỉ đối với người lớn mà còn có công dụng với cả trẻ nhỏ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, cháo gà có đặc tính kháng viêm, giảm sự di chuyển của bạch cầu trung tính – các thế bào miễn dịch kích thích sự phát triển của chất nhầy không có lợi.

Hành tăm

Hành tăm hay còn gọi là củ ném hoặc hành tung, là một loại củ nhỏ trong trong như củ hành thường dùng để nấu ăn mà hằng ngày các mẹ vẫn dùng. Hành tăm có vị cay, mùi hăng nồng, tính ấm. Ngoài việc dùng để làm gia vị cho món ăn ra thì hành tăm còn có rất nhiều công dụng tốt trong việc trị một số bệnh như: cảm cúm, suyễn, ho, đau đầu, cảm lạnh,… rất tốt cho trẻ nhỏ.

Lấy một nắm hành tăm, sau đó rửa sạch sẽ, để ráo nước, cho vào bát giã nhỏ rồi đem chưng cách thủy với một chút đường phèn. Để khoảng 20 – 30 phút thì lấy ra, để nguội rồi cho bé uống, ngày khoảng từ 2 – 3 lần.

Kinh giới

Kinh giới có vị cay, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, chữa nóng sốt, cảm gió, cảm lạnh, chữa bệnh dị ứng, sao đen để cầm huyết. Kinh giới là thành phần không thể thiếu trong rất nhiều bài thuốc gia truyền trị cảm mạo, ho dai dẳng.

Mẹ có thể giã mấy lá kinh giới, thêm đường phèn hoặc mật ong đem hấp nồi cơm rồi cho bé ăn nóng. Tinh dầu kinh giới giúp bé thông mũi, dịu họng nhanh chóng.

2. Hóc dị vật

Dịp tết, những tai nạn do hóc dị vật ở trẻ cũng diễn ra khá phổ biến, trong đó kẹo là 'thủ phạm' gây hóc dị vật đường thở nhiều nhất. Khi trẻ vừa ăn, vừa đùa nghịch dễ khiến dị vật vào rơi đường thở làm tắc nghẽn gây tử vong hoặc viêm phổi kéo dài nếu không xử trí kịp thời. Dị vật đường thở thường xảy ra ở trẻ nhỏ, tuổi ăn dặm đến 3 tuổi do độ tuổi này trẻ thường tò mò, thích cho vào miệng những vật cầm chơi.

Biểu hiện khi bị hóc

- Ho sặc sụa, tím tái, vật vã, hoảng hốt (hội chứng xâm nhập). Nếu không bị tử vong, trẻ sẽ có triệu chứng như khó thở, thở rít, khò khè, hốt hoảng và sợ hãi.

Bệnh quen ở trẻ khi Tết đến, xuân về - 2

Vừa ăn vừa nô đùa trẻ rất hay bị hóc thức ăn (Hình minh họa)

Biện pháp xử lý

- Khi bé bị hóc dị vật, các mẹ cần đặt trẻ nằm sấp trên một cánh tay của mình, tay kia vỗ mạnh vào phần lưng gần cổ để tống dị vật ra.

- Đối với trẻ trên 2 tuổi, bố mẹ có thể dùng một tay giữ sau lưng, một tay ép vào bụng trẻ. Điều này tạo áp lực tăng đột ngột trong lồng ngực nhằm tống dị vật ra khỏi đường thở.

- Trường hợp trẻ tím tái, ngưng thở, bố mẹ cần sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất, dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật đi qua thanh môn. Thao tác này giúp bé dễ thở hơn. Sau đó, hãy đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất.

- Đối với các trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể ôm ngang bụng bé, ép phần bụng để dị vật vọt ra ngoài.

Tuyệt đối không được:

- Đưa tay vào miệng trẻ để móc, dị vật dễ chui sâu vào trong.

- Cho con chơi, tiếp xúc với các vật nhỏ (kích thước dưới 1cm).

- Để trẻ khóc khi đang ăn hay ngậm thức ăn. Luôn quan sát con, không để bé chơi một mình.

3. Ngộ độc thức ăn

Thức ăn ngày Tết thường được chế biến sẵn để dùng trong nhiều ngày như lạp xưởng, thịt kho trứng, cá kho, giò chả, bánh tét, bánh chưng. Thức ăn uống chứa nhiều đường như mứt, bánh kẹo, nước ngọt, sirô. Những thức ăn trên nếu không đảm bảo trong quá trình chế biến, bảo quản và sử dụng, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ngộ độc.

Biểu hiện

Trẻ bị ngộ độc thức ăn thường biểu hiện rối loạn tiêu hóa sau khi ăn từ một giờ trở đi. Bé nôn ói vài lần hoặc rất dữ dội, liên tục; đau bụng quặn từng cơn sau đó có thể đi tiêu chảy. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói nổi bật hay tiêu chảy nhiều hơn.

Đa số trẻ thường bị nôn ói rất nhiều do tác dụng của độc tố. Nếu không được chăm sóc thích hợp, nôn ói nhiều thường dẫn đến những biến chứng nặng như hít sặc, hạ đường huyết, rối loạn nước và điện giải đặc biệt ở trẻ em nhỏ. Sốt, tiêu đờm, tiêu máu là dấu hiệu nhiễm trùng gây tổn thương ruột. Một số ít trẻ bị ngộ độc thức ăn có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não.

Bệnh quen ở trẻ khi Tết đến, xuân về - 3

Ngộ độc thực phẩm khiến trẻ rất mệt mỏi (Hình minh họa)

Cách chăm sóc tại nhà

Nếu trẻ đang nằm, nghiêng đầu bé qua một bên để tránh hít sặc.

- Với trẻ nhỏ: bé còn bú mẹ thì cho bú ít hơn nhưng nhiều lần hơn, mỗi 30 phút đến 1 giờ. Sau 8 giờ, khi trẻ không ói nữa cho bú lại bình thường.

- Trẻ lớn cần cho uống nước biển khô, ăn thức ăn lỏng như nước cháo. Bắt đầu từng muỗng mỗi 5 phút hoặc 3-4 muỗng mỗi 15 phút đến khi hết khát thì cho ăn từng muỗng.

Không nên dùng nước ngọt, nước thường. Nếu trẻ vẫn nôn ói trong quá trình này, tạm ngưng ăn 1 giờ sau đó cho ăn lại với lượng thức ăn ít hơn. Sau 4 giờ mà trẻ không nôn ói thì nên cho ăn nhiều hơn bằng cách tăng gấp đôi lượng thức ăn. Thức ăn tiếp theo thường nhẹ, dễ tiêu như cháo, cơm, bánh mì, bánh tây lạt, súp nghiền và cho trẻ ăn lại bình thường trong vòng 24 giờ.

Lưu ý

- Trẻ bị ngộ độc thức ăn cần được theo dõi thường xuyên nhiệt độ, số lần, tính chất dịch ói, phân và nước tiểu.

- Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi có những dấu hiệu nặng như: nôn nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh, không thể uống được hoặc bỏ bú, mệt nhiều, sốt cao, phân có máu, khát nhiều, đau bụng nhiều, bụng sình, nhức đầu hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày.

4. Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là một căn bệnh rất dễ gặp trong những ngày Tết khi mà thói quen ăn uống của trẻ bị thay đổi.

Triệu chứng

Biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ở trẻ rất đa dạng, phụ thuộc vào lứa tuổi và nguyên nhân gây bệnh. Trẻ nhỏ có thể biểu hiện bằng quấy khóc, biếng ăn, nôn trớ, chướng bụng, tiêu chảy. Trẻ lớn có thể than đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói, táo bón hay tiêu chảy. Không có một triệu chứng nào là đặc trưng cho rối loạn tiêu hóa khi có sự kết hợp của nhiều triệu chứng.

Bệnh quen ở trẻ khi Tết đến, xuân về - 4

Đau bụng là một trong những triệu chứng của rối loạn tiêu hóa (Hình minh họa)

Cách chữa trị

Đau bụng

- Điều trị tại nhà: Cha mẹ có thể xoa nhẹ phần bụng trẻ để kích thích trẻ đi tiêu. Trẻ đi tiêu xong có thể hết đau. Hoặc có thể dùng một số thuốc hút hơi (như Babygaz) để giảm đau.

- Đi khám bác sĩ: Đau mỗi lúc nặng hơn. Tái nhợt, vã mồ hôi, đau gập cả người lại. Không cho sờ vào bụng vì đau. Đau kèm sốt, nôn mửa nhiều. Bỏ ăn, không chơi. Trẻ không đi tiêu trong mấy ngày, kèm theo nôn vọt.

Nôn trớ

- Điều trị tại nhà: Cha mẹ cần thay đổi chế độ ăn hợp lý cho con: ăn vừa đủ, đảm bảo các chất đạm, khoáng, vitamin, xơ...

- Đi khám bác sĩ: Nôn vọt, nôn kèm theo tiêu chảy, mất nước, nôn kèm sốt, nôn ra máu hoặc trẻ nôn mà không chịu uống nước. Đó là dấu hiệu của các bệnh đường tiêu hóa như nhiễm trùng dạ dày, ruột, ngộ độc thức ăn, viêm mũi, tai, viêm màng não, viêm ruột thừa, nhiễm vi khuẩn, virus...

Biếng ăn

- Điều trị tại nhà: Cha mẹ không nên ép trẻ ăn, mà hãy tìm cách giúp bé ăn ngon miệng hơn như: thay đổi thực đơn liên tục, cho ăn ít đi và chia làm nhiều bữa...

- Đi khám chuyên gia dinh dưỡng: nếu hiện tượng biếng ăn diễn ra thường xuyên và kéo dài, trẻ có nguy cơ bị suy nhược cơ thể và suy dinh dưỡng. Các chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn cho các mẹ một thực đơn ăn uống phù hợp với trẻ.

Táo bón

- Điều trị tại nhà: Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả để giúp cho cơ bụng và thành ruột co bóp tốt hơn. Các loại nước ép hoặc nước luộc củ cải cũng có tác dụng chống táo bón hiệu quả.

- Đi khám bác sĩ: Táo bón kéo dài trên một tuần, thay đổi chế độ ăn không có tác dụng. Táo bón sau khi trẻ mới sinh, bụng chướng. Táo bón ảnh hưởng đến sức khỏe: kém ăn, gầy sút, suy dinh dưỡng, kèm theo nôn. Nếu không được điều trị, rất có thể táo bón gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm ruột, thủng ruột...

Tiêu chảy

- Điều trị tại nhà: Phải bù nước, và cho trẻ uống men tiêu hóa. Hãy cho trẻ uống từng ít một, uống liên tục và rải rác trong ngày. Ngoài việc bù nước, điện giải tốt, cần cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, đầy đủ dinh dưỡng, ăn những thức ăn mềm và loãng, dễ tiêu hóa, không nên ăn những thức ăn có nhiều chất tanh, chua và mỡ.

- Đưa trẻ đi khám bác sĩ khi có những triệu chứng như:

  • Tiêu chảy kéo dài trên 2 ngày mà không thuyên giảm.
  • Phân bé có lẫn máu. Máu có thể màu đỏ tươi, hồng, hoặc nâu đen lẫn nhầy như mũi.
  • Bụng đau khi sờ ấn.
  • Nôn ói nhiều, không thể cho ăn uống được.
  • Có dấu hiệu mất nước nặng như da nhăn, mắt lõm, khóc không có nước mắt, thóp lõm, tiểu ít, bé lừ đừ, da nổi bông...
  • Trẻ kèm theo sốt cao.

Bệnh quen ở trẻ khi Tết đến, xuân về - 5

Phải bù nước ngay khi bé bị tiêu chảy (Hình minh họa)

Cách phòng tránh các loại bệnh trên

- Duy trì chế độ ăn của trẻ gần với ngày thường.

- Trước Tết, các mẹ nên mua dự trữ rau xanh, các loại củ quả, trái cây tốt cho sức khỏe của bé.

- Thức ăn nên chế biến đơn giản, không quá cầu kỳ, không nên cho nhiều gia vị và phải phù hợp với khẩu vị của trẻ.

- Phải kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ để tránh lạm dụng các thực phẩm ngày Tết, đặc biệt là bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhiều chất béo.

- Nên tăng cường trong bữa ăn rau xanh, các loại thủy hải sản thay vì chỉ sử dụng thịt để chế biến.

- Thời tiết ngày Tết ở Nam bộ thường nắng nóng dễ làm trẻ mất nước. Vì vậy việc cho trẻ uống nước thường xuyên là hết sức cần thiết.

- Đối với trẻ còn đang bú mẹ phải duy trì tối đa nguồn sữa mẹ giúp trẻ có sức đề kháng tốt hơn với các bệnh tật.

- Giữ vệ sinh môi trường sống tốt, trong lành, sạch sẽ và thoáng khí giúp trẻ phòng tránh hiệu quả các bệnh lý lây nhiễm qua đường hô hấp như: hạn chế việc sử dụng quạt máy, máy điều hòa nhiệt độ, tránh tình trạng bụi bẩn, khói thuốc lá, khói công nghiệp.

- Tạo cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ đúng cách thường xuyên hàng ngày, giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh nguy hiểm lây lan qua con đường tay - miệng.

- Giữ ấm cơ thể trẻ khi thời tiết chuyển lạnh nhất là những trẻ có tiền căn - tiền sử về dị ứng và hen suyễn bằng những biện pháp rất đơn giản như mặc thêm quần áo ấm, mang thêm vớ, đội thêm mũ hoặc quấn thêm chăn/mền ấm cho trẻ.

- Khi cho trẻ đi đường nhớ để trẻ ngồi thật chắc chắn hoặc có người ngồi phía sau giữ. Tránh để trẻ một mình chạy ra ngoài đường. Bố mẹ cần luôn luôn để mắt tới trẻ hoặc nhờ người trông hộ khi bận.

- Không cho trẻ ăn khi trẻ đang nô đùa hoặc khóc lóc vì rất dễ bị hóc hoặc sặc thức ăn.

- Tránh để trẻ ngậm những thức ăn cứng, dễ hóc, đặc biệt là trẻ nhỏ.

- Khi phát hiện trẻ bệnh nên sớm đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chữa trị kịp thời và có được những lời khuyên hữu ích giúp phụ huynh chăm sóc trẻ tốt hơn trong thời gian trẻ bệnh.

- Thực hiện tốt việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin cho trẻ theo lứa tuổi để có cách phòng ngừa bệnh chủ động nhất và hiệu quả nhất.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Người mẹ cần biết