Bực mình vì con "chậm như rùa"

Ngày 13/01/2013 05:04 AM (GMT+7)

Nhiều trẻ thích sử dụng vũ khí 'lề mề' khi muốn chống đối lại các mệnh lệnh từ cha mẹ.

Chậm chạp, lề mề có thể là đặc điểm bẩm sinh của trẻ nhưng phần lớn là do được hình thành trong cuộc sống của trẻ; do cách giáo dục chưa đúng cách của cha mẹ.

Sốt ruột vì con chậm

Nhìn cu Mít xỏ mãi chẳng xong đôi giầy, chị Thu Hằng (Đội Cấn, Hà Nội) sốt ruột, khó chịu quay ra trách móc con: “7 tuổi rồi mà như con rùa, đưa đây để mẹ xỏ cho nào, muộn hết cả giờ rồi”.

Lúc thì đôi giày, lúc là con đi “toilet” lâu, lúc thì do ăn chậm… nên ngày nào Mít cũng đi học muộn “vô địch”.

Mà thế đã xong đâu, chị ngán ngẩm nhất là lúc nhìn Mít ăn cơm. Nhìn thằng con 7 tuổi ngậm cơm như bé lên 2 khiến chị sốt cả ruột. Nhắc nhở nhẹ nhàng có, gay gắt có nhưng con vẫn thế, không xoay chuyển, có lúc khiến chị phải cáu lên: “Mít không khác gì con rùa, ăn mãi bát cơm chẳng xong là sao hả con?”

Bực mình vì con quot;chậm như rùaquot; - 1
Rất nhiều chị em chia sẻ lo lắng trên các diễn đàn về  chủ đề chậm chạp (Ảnh minh họa)

Chị bực bội tâm sự: “Ngay từ khi đi mẫu giáo, tôi cũng căng thẳng khi cô giáo ngày nào cũng than thở ‘cu Mít chậm lắm chị ạ, ăn thì ngậm, bô thì ngồi lâu’. Những mong nó dần lớn khôn thì nhanh nhẹn ra, nhưng chẳng tiến bộ hơn là mấy".

Cùng cảnh có con “chậm như rùa” là chị Bích Vân (Khương Thượng, Hà Nội). Cũng do cả nhà chiều chuộng, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa cô con gái rượu tên Hà Linh.

Giờ bé học lớp 2 nhưng sáng nào gia đình anh chị cũng như có “chiến tranh” vì: “Sáng nào đánh thức con dậy, mình cũng phải tốn kha khá thời gian. Réo mãi không nghe, lúc nào cũng gọi hơn 1 tiếng, Linh mới chịu lồm cồm bò dậy. Trống đã vào trường mà con bé cứ ngồi thừ mặt ra hết chọn ăn bánh mỳ kẹp đến chọn bánh cuốn…”

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thói quen lề mề, “con rùa” ở trẻ: Chậm bẩm sinh (Bé còn đang trong giai đoạn phát triển nên các đặc điểm thể chất chưa hoàn thiện dẫn đến việc lóng ngóng); do môi trường sống (Bé sinh ra và lớn lên trong môi trường mà  ai cũng đủng đỉnh chậm chạp thì bé cũng khó mà nhanh hơn); bố mẹ cưng chiều, bé không phải làm gì...

Lên kế hoạch tăng tốc cho bé chậm chạp

Để giúp bé từ bỏ thói quen chậm chạp, cha mẹ nên tìm hiểu rõ mấu chốt nguyên nhân của vấn đề để từ đó hướng bé tới việc thay đổi. Nếu bé chậm là do bản tính tự nhiên, đặc điểm sức khỏe thì cha mẹ nên tăng cường chất dinh dưỡng, vận động để bé phát triển thể chất một cách tốt nhất.

Nhiều đứa trẻ thích sử dụng vũ khí “lề mề” khi muốn chống đối lại các mệnh lệnh từ phía người lớn. Bé cứ ì ra, không chịu nhúc nhích, mặc kệ bố mẹ. Lâu dần, suy nghĩ này sẽ tạo thành thói quen cho bé.

Bực mình vì con quot;chậm như rùaquot; - 2
Chậm chạp, lề mề có thể là đặc điểm bẩm sinh của trẻ nhưng phần lớn là
do được hình thành trong cuộc sống của trẻ (Ảnh minh họa)

Hướng bé tập trung tới việc làm, tránh bị phân tâm. Đôi khi có thể do bé không hứng thú với việc bị người lớn “giao” cho thì cha mẹ cũng nên kịp thời phân tích, khuyên bảo thấu tình đạt lý với con. Bé rất dễ mất tập trung khi thực hiện một công việc (nhất là việc bé không thích). Tuy nhiên, có những trẻ không tập trung là do cách giáo dục của cha mẹ không dứt khoát, cũng chậm chạp. Ngoài giáo dục con, cha mẹ cũng nên chấn chỉnh lại bản thân.

Khi yêu cầu bé, tốt nhất, cha mẹ nên phát âm thật nhẹ nhàng, ngọt ngào để thông tin bé tiếp nhận được đơn giản nhất, dễ nghe nhất.

Tuyệt đối không so sánh con với người khác. Việc so sánh này đôi khi gây ảnh hưởng không tốt tới con, con có thể sẽ nghĩ rằng “cha mẹ không ghi nhận thì mình việc gì phải cố”.

Rủ bé làm việc nhà cùng cha mẹ bằng cách khoán việc chẳng hạn: “Mẹ làm bếp, còn con thu dọn đồ chơi nhé”. Sau khi “nghiệm thu” công việc mà thấy bé hoàn tất, bạn nên khen ngợi, còn ngược lại, bạn nên nhẹ nhàng, bình tĩnh hỏi xem bé có khó khăn gì để cùng tháo gỡ với con.

Tuyệt đối không nên trách móc, đánh con vì điều này sẽ khiến bé càng sợ và mất tập trung. Để sửa đổi thói quen xấu này ở bé thì cha mẹ nên cho con thời gian để từ từ thay đổi. Cha mẹ nên hiểu rằng sự thay đổi tính nết của bé không thể đạt được một sớm một chiều.

Theo Hoàng Linh (Maskonline)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Dạy con vâng lời