Ca nương nhí trong “Biệt tài tí hon” nổi danh nhờ nghe xẩm Hà Thị Cầu

Ngày 24/03/2017 14:07 PM (GMT+7)

Giữa thời điểm nhiều cuộc thi tài năng nhí đang khiến khán giả lo ngại chuyện trẻ em “già sớm”, bị tổn thương… thì “Biệt tài tí hon” được coi là một chương trình hiếm hoi giữ được nét hồn nhiên của tuổi thơ, không nặng về thi thố, áp lực.

Ca nương nhí Đặng Tú Thanh – thí sinh giành chiến thắng trong tập 10 vừa qua là một hiện tượng như thế.

Ca nương nhí trong “Biệt tài tí hon” nổi danh nhờ nghe xẩm Hà Thị Cầu - 1

“Ca nương nhí” Tú Thanh trong chương trình “Biệt tài tí hon”. Ảnh: TL

Nghe nhạc từ… trong bụng mẹ!

Tỏa sáng trong chương trình “Biệt tài tí hon nhưng thực tế, cô bé Đặng Tú Thanh (7 tuổi, người Hải Phòng) đã nổi danh từ một năm trước đó khi tham gia chương trình “Người hùng tí hon” và nhận kỷ lục Guiness “Nghệ sĩ hát dòng nhạc cổ truyền nhỏ tuổi nhất Việt Nam”.

Chia sẻ cùng chúng tôi, chị Bùi Thanh Huế (mẹ Tú Thanh) tiết lộ, ngay từ lúc mang thai con gái, chị đã thích nghe nhạc dân tộc qua các làn điệu dân ca, ca trù, chèo, quan họ.

Khác với những em bé cùng lứa, 9 tháng tuổi, bé Tú Thanh đã nói chuyện rõ ràng, bộc lộ sở thích nghe nhạc thiếu nhi vui nhộn và lên 3 tuổi, em bắt đầu say sưa nghe hát xẩm Hà Thị Cầu.

Tôi phát hiện ra điều đặc biệt này nhờ một lần vào kênh Youtube nghe nghệ nhân Hà Thị Cầu hát, cháu còn rất nhỏ nhưng nghe chăm chú. 5 tuổi, khi xem chương trình “Giọng hát Việt nhí”, thấy bé Thiện Nhân hát bài “Cô đôi thượng ngàn”, Tú Thanh rất thích thú, từ đó thường xuyên bảo mẹ tìm các video nhạc dân ca, truyền thống vừa xem vừa hát nhẩm thuộc lời, làn điệu”, chị Huế chia sẻ.

Năm 2016, qua câu chuyện của người lớn trong gia đình, biết có chương trình “Người hùng tí hon”, bé Tú Thanh tỏ ý muốn tham gia, gia đình chị Huế hết sức bất ngờ nhưng vẫn quyết cho con thử sức.

Nghĩ chỉ đăng kí cho con vui vẻ, được hát múa như niềm mong ước nên khi nhận Kỷ lục Guiness, gia đình Tú Thanh vẫn nghĩ đó là mơ. Mẹ “ca nương nhí” bày tỏ: “Gia đình tôi vốn làm kinh doanh chứ không ai theo nghệ thuật, vì vậy niềm bất ngờ càng nhân lên gấp bội. Cháu đi thi, nhận kỷ lục khiến cả họ ngạc nhiên, khấp khởi".

Trái với vẻ già dặn, nhập vai xuất thần trên sân khấu, ngoài đời, cô bé Tú Thanh khá lém lỉnh, tinh nghịch. Hỏi chị Huế về niềm băn khoăn khi con gái chọn một dòng nhạc khác hẳn với trẻ nhỏ cùng trang lứa, vừa già dặn vừa cần khổ luyện, khuôn thước… chị thừa nhận: “Nếu nói gia đình hoàn toàn vô lo thì không đúng, ngay khi cháu chỉ mới nghe nhạc và hát theo, tôi vẫn thường tự hỏi: Liệu điều này có làm con mình già trước tuổi hay không? Nhưng tôi quan niệm, mỗi đứa trẻ là một điều đặc biệt, nếu sự lựa chọn của con được bắt nguồn từ niềm đam mê, giúp con vui và mình vẫn kiểm soát được thì cần ủng hộ.

Điều khiến tôi yên tâm là Tú Thanh tuy có học hỏi phong cách diễn của các nghệ sĩ gạo cội nhưng cháu giữ được nét riêng, hồn nhiên, trong sáng của tuổi nhỏ. Nhưng đôi khi, sự trưởng thành trước tuổi cũng khó tránh lắm. Chẳng hạn, có lần diễn vở “Thị Mầu lên chùa” có một câu: “Nhà mày có mấy chị em?”, Tú Thanh chủ động hỏi tôi vì cháu muốn đổi từ “mày” thành từ “Mầu”. Qua cách sáng tạo của con, tôi nghĩ, con mình đã già trước tuổi”.

“Không để con mất đi tuổi thơ”

Cho đến bây giờ, khi đã hát được rất nhiều thể loại, bé Tú Thanh vẫn thừa nhận, em bắt đầu thích nhạc truyền thống sau những lần lắng nghe tiếng hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Ở nhà, cô bé cũng thường được bố mẹ đưa đến đình chùa, về thăm làng.

Không “cả thèm chóng chán” như nhiều bạn nhỏ khác, trước những tác phẩm âm nhạc dân gian, Tú Thanh có thể nghe đi nghe lại, hát đi hát lại một vài làn điệu mình thích từ ngày này qua ngày khác.

Con gái bộc lộ tài năng sớm, gia đình chị Huế xác định tập trung dạy dỗ, theo dõi quá trình phát triển của con. Chị bày tỏ, nếu sau này, niềm đam mê tiếp tục được Tú Thanh theo đuổi thì gia đình chị hết lòng ủng hộ để trở thành nghệ sĩ hát các dòng nhạc dân tộc dù con đường ấy là “lội ngược dòng” với truyền thống kinh doanh của gia đình, dòng họ.

Tuy vậy, chúng tôi cũng có cách cân đối sao cho cháu tập trung vào việc học tập, vui chơi nhiều hơn. Chẳng hạn, mỗi ngày Tú Thanh chỉ được xem Youtube khoảng 30 phút theo sở thích với sự kiểm soát từ gia đình về nội dung sao cho phù hợp với lứa tuổi. Cuối tuần, cháu sẽ được xem nhiều hơn là 1 tiếng và ngày nghỉ. Nếu có lời mời biểu diễn quy mô nhỏ như hội hè, hội nghị ở địa phương, chúng tôi cũng cân nhắc về ý kiến của cháu, sức khỏe, lịch học và tính chất sự kiện mới đưa ra quyết định”, chị Huế nói.

Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Huế bày tỏ, qua báo chí, truyền hình, chị ám ảnh và thấy thương nhiều “tài năng nhí” sớm bộc lộ năng khiếu nhưng gần như mất hết tuổi thơ. Mẹ ca nương đất cảng trải lòng: “Tuổi của các cháu bây giờ là vui chơi, đến trường cùng bạn bè chứ không phải chỉ lo biểu diễn, kiếm tiền cho bố mẹ. Tôi không muốn một lúc nào đó nhìn lại, sẽ hối hận vì con mình không kỷ niệm tuổi thơ.

Với Tú Thanh, chúng tôi sẽ không để cháu chạy show, nghỉ học hay dấn thân vào showbiz kiếm tiền. Bằng khen cháu nhận định chỉ mang giá trị tinh thần cho gia đình, chứ không phải là thứ đánh đổi lấy sự nổi tiếng hay đặt nặng vào danh hiệu “nghệ sĩ” ngay lúc còn nhỏ”.

Bé Tú Thanh là con út trong gia đình có hai chị em gái. Lâu nay, hầu hết những người dân ở khu phố chỉ biết con cái gia đình chị Bùi Thanh Huế ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, còn tài năng đặc biệt của cô út Tú Thanh là hát dân ca và chơi nhạc cụ dân tộc thì chỉ đến khi bé tham gia chương trình “Người hùng tí hon” mọi người mới vỡ lẽ. Hình ảnh cô bé nhỏ nhắn, cười tươi để lộ hàm răng sún say sưa kéo đàn nhị trên sân khấu với giọng hát truyền cảm khiến người nghe vỡ òa trong cảm xúc. 

Trong chương trình “Biệt tài tí hon”, Tú Thanh được đánh giá là nhân tố đầy hứa hẹn cho ngôi vị cao nhất, bởi lẽ ngoài tài năng đã được công nhận, nhiều khán giả còn phán đoán dựa vào “mốt” nhạc truyền thống “lên ngôi” trong vài năm trở lại đây được chứng minh qua vị trí Quán quân các cuộc thi tài năng âm nhạc nhí.

Theo Thành Nam
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thế giới Sao nhí