Cách luyện con ngủ riêng “tệ hại” của mẹ

Ngày 17/01/2014 11:22 AM (GMT+7)

Nhiều chị em đã, đang hoặc có dự định cho con ngủ cũi thường mắc phải những sai lầm này!

Khi mình nói mình cho con ngủ cũi thành công, nhiều chị em tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ. Hầu hết những lời thán phục mình được nghe thường sẽ là “Ôi mẹ Bi giỏi thế! Em không thể nghe con khóc hàng giờ được”, hay “Em cũng từng luyện cho con ngủ nhưng con chẳng chịu. mẹ Bi làm thế nào hay thế?”.

Vì thấy nhiều chị em hỏi thăm bí kíp của mình, nên mình muốn chia sẻ với các mẹ một vài thông tin về sự sai lầm trong cách dạy con có được từ quá trình tìm hiểu phương pháp và chính kinh nghiệm của bản thân.

Sai lầm 1: Quan niệm sai lầm

Rất nhiều bà mẹ thất bại trong việc luyện cho trẻ ngủ riêng, là vì những lý do sau:

- Chúng ta tin rằng cho con ngủ riêng, bố mẹ sẽ phải có “thần kinh thép” để chịu nghe bé khóc hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày.

- Đứa trẻ đầu mà luyện được cho con ngủ riêng thì đứa sau cũng thế.

- Một khi con đã từ biết ngủ, là việc dạy con đã thành công.

- Trẻ nhỏ có thể thực hiện theo một thời gian biểu do bố mẹ vạch ra

Thực tế thì sao?

Trừ những đứa trẻ bị mắc một căn bệnh nào đó, còn không, không đứa bé nào có thể khóc hàng tiếng đồng hồ. Và thời gian khóc của trẻ, chắc chắn sẽ giảm theo thời gian.

Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt. Bạn luyện được cho con đầu, không có nghĩa đứa sau cũng thế.

Việc dạy trẻ tự ngủ riêng là cả một nghệ thuật. Chúng ta thường sẽ phải mất 3-4 tháng để con tự ngủ đi vào khuôn khổ

Vì chúng ta cũng thường tỉnh và ngủ tiếp rất nhiều lần trong đêm, trẻ nhỏ cũng sẽ vậy. Trẻ sẽ học được cách tự ngủ tiếp, và chúng ta cũng thế.

Sai lầm 2: Sai qui trình cho con đi ngủ

Hầu hết các bà mẹ cho con tự ngủ bằng qui trình

- Không để con ngủ và chơi với con suốt buổi tối

- Mặc đồ ngủ cho con

- Hôn bé rồi đặt con vào cũi

- Tắt đèn

- Nằm nghe con khóc và “cầu nguyện” cho bé đột nhiên tự ngủ.

Qui trình này thực ra chỉ đúng với “vật nuôi”, không có tác dụng với con người. Chị em có ai có thể tự ngủ theo cách này được không? Mình nghĩ là không thế. Chúng ta cần được “ru ngủ”, bằng những bản nhạc hay, đèn ngủ ấm áp, chăn ấm đệm êm…và trẻ nhỏ cũng vậy.

Cách luyện con ngủ riêng “tệ hại” của mẹ - 1
Cho con tự ngủ sai phương pháp nên nhiều chị em không thành công (ảnh minh hoạ)

Nếu muốn bé tự đi ngủ, mẹ có thể tham khảo qui trình giúp não bộ trẻ nhận ra sự thay đổi như sau:

- Massage nhẹ nhàng cho bé trong một căn phòng ấm cúng

- Tắm nước ấm nhanh cho bé trước khi đi ngủ

- Bật đèn ngủ ấm áp hoặc một bản nhạc không lời nhẹ nhàng

- Cho con bú hoặc ti bình một ít sữa ấm

….Hãy làm những việc như vậy vào cùng một thời gian nhất định trong ngày. Trẻ sẽ dần nhận ra sự biến chuyển và biết rằng đã đến giờ đi ngủ.

Sai lầm 3: Nhầm lẫn giữa biểu hiện “buồn ngủ” và “kiệt sức”

Một em bé vì kiệt sức mà ngủ sẽ không bao giờ có được giấc ngủ ngon như những em bé vì đã phải qua một ngày hoạt động tích cực nên buồn ngủ mà ngủ. Hãy ghi nhớ những dấu hiệu này để tránh cho con phải ngủ thiếp vì kiệt sức:

Những dấu hiệu trẻ MUỐN ngủ:

- Ngáp

- Quay mặt đi, không muốn giao lưu với mẹ

- Mút ngón tay cái hoặc vuốt ve tấm chăn

- Chuyển từ chạy chơi ầm ĩ sang nằm chơi trong yên lặng

- Mi mắt bắt đầu nhắm lại và tròng mắt cũng lờ đờ, không tập trung

- Thường xuyên cau mày

Sai lầm 4: Không chú ý tới yếu tố bên ngoài

Có rất nhiều yếu tổ bên ngoài có thể làm hỏng mọi nỗ lực dạy con tự ngủ của mẹ. Ví dụ như: trẻ sinh non thường sẽ cần nhiều thời gian ngủ hơn. Trẻ bị trào ngược dạ dày hay mắc bệnh sẽ hay quấy khóc và khó tự ngủ. Hoặc yếu tố đơn giản nhất: đấy là do tính bé không thích tự ngủ.

Sai lầm 5: Chọn sai thời điểm

Đừng bắt đầu luyện cho con tập ngủ đúng lúc mẹ chồng qua chơi, hai ngày trước kỳ nghỉ lễ hay ngay khi quay trở lại đi làm. Hãy mở lịch và chọn đúng tuần chị em hoàn toàn rảnh rỗi và có thời gian thoải mái vào ban đêm cũng như sáng hôm sau. Cũng đừng mong sẽ luyện cho con ngủ riêng được ngay ngày đầu ở viện.

Khoảng thời gian hợp lý nhất để dạy trẻ là từ khi bé được 4-6 tuần tuổi.

Sai lầm 6: Cho con bú đêm, ăn đêm

Nếu em bé dưới 3 tháng tuổi, thì việc cho con bú đêm là hoàn toàn đúng đắn. Chị em nên cho con bú bất cứ khi nào bé đói, bất kể thời gian. Điều này sẽ giúp bé nhanh lớn, khỏe mạnh và tăng cường lượng sữa mẹ.

Mình chỉ muốn lưu ý rằng cho con bú, ăn trước khi ngủ là tốt vì nó cũng là một cách dỗ bé ngủ. Nhưng khi con đã ngủ giữa đêm rồi, thì không nên cho con ăn. Nếu mẹ tiếp tục duy trì bữa ăn đêm cho con, bé sẽ quen dạ và luôn tỉnh giấc giữa đêm để đòi ăn.

Tuy nhiên, đừng quá khắt khe. Nếu con đang ốm hoặc mọc răng và muốn bú đêm, mẹ cũng nên cho con ăn, thật nhanh và trong yên lặng.

Mẹ Bi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con