Chen chân tìm suất học trường tư ở Hà Nội

Ngày 13/06/2016 08:39 AM (GMT+7)

Mùa tuyển sinh năm nay, bên cạnh những trường công tên tuổi đứng ngôi đầu bảng về độ khó, một số trường dân lập cũng cao giá không kém. Nhiều phụ huynh sẵn sàng đầu tư cho con em mình được học các trường dân lập chất lượng cao…

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong mặc dù mức học phí khá cao so với trường công lập nhưng nhiều trường dân lập gần đây đã tạo ra sức nóng đáng kể trong tuyển sinh. Hằng năm, Trường Đoàn Thị Điểm tuyển sinh khoảng 600 em vào lớp 1 nhưng năm nào cũng cháy hồ sơ vì cung không đủ cầu. Tương tự, Trường tiểu học Marie Curie cũng chỉ tuyển khoảng 150 em lớp 1 thì lượng hồ sơ phát ra chưa đầy 1 ngày đã hết veo. 

Chen chân tìm suất học trường tư ở Hà Nội - 1

Nhiều phụ huynh sẵn sàng đầu tư cho con em mình được học các trường dân lập chất lượng cao. Ảnh: Ngọc Châu.

Mặc dù mới thành lập nhưng lượng hồ sơ nộp vào Trường phổ thông liên cấp Vinschool cũng trong tình trạng vượt quá nhu cầu tuyển sinh của trường khá nhiều. Ngay cả một số trường phổ thông quốc tế tại Việt Nam mặc dù học phí lên tới khoảng 500 triệu đồng/năm nhưng số học sinh Việt Nam theo học cũng tăng trong thời gian gần đây, chiếm khoảng 15-20% số lượng học sinh của trường.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Marie Curie Hà Nội cho rằng: “Các trường ngoài công lập, có mức học phí cao nhưng vẫn hút học sinh bởi nhiều yếu tố. Trong đó, phải kể đến chương trình dạy học, năng lực đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất tốt”…Theo thầy Khang, học phí có giá chục triệu đồng mỗi tháng nhưng học sinh được xe đưa đón tận nhà, học ngoại ngữ tuần 6 tiết, thường xuyên đi học trải nghiệm thực tế, đầu tư các phòng học sở thích như đàn, vẽ...

Bà Đào Thị Thủy, Hiệu phó Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết, ngoài chương trình đào tạo của Bộ GD&ĐT, trường luôn sáng tạo ra những phần học trải nghiệm, kỹ năng sống, học tăng cường ngoại ngữ, câu lạc bộ học tập…“Vì thế, học sinh sẽ tự tin, chủ động, hào hứng hơn trong học tập”, bà Thủy nói.

Ghi nhận của phóng viên tại Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành cho thấy, trường bắt đầu bán hồ sơ lớp 6 từ chiều 24/5. Dù trời mưa tầm tã nhưng rất đông phụ huynh đội mưa đến mua hồ sơ cho con. Số lượng phụ huynh mua hồ sơ lớn nên mọi người đều phải xếp hàng để đến lượt. Năm nay, tuy không được tổ chức thi tuyển như những năm trước 2015, nhưng trường Nguyễn Tất Thành đã đưa ra những tiêu chí để lựa chọn đầu vào đối với lớp 6. 

Cụ thể, trong thông báo gửi phụ huynh, trường chỉ tuyển thẳng đối với những học sinh được giải nhất nhì ba cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố với các môn văn hóa. Cấp quận huyện chỉ lấy một số cuộc thi như Giải Toán qua mạng Internet, Tiếng Anh qua mạng Internet, Olympic Tiếng Anh, Tin học trẻ... hoặc thí sinh có chứng chỉ TOEFL Primary từ 113 điểm trở lên trong đó phần nghe và phần nói phải đạt 5/5 điểm. Còn các giải thưởng khác sẽ được cộng điểm khuyến khích khi xét tuyển.

Vì sao phụ huynh chọn trường tư?

Trong khi đó, anh Nguyễn Xuân Hùng ở quận Ba Đình đang cho con theo học lớp 4 ở một trường quốc tế có mức giá khủng chia sẻ, ban đầu gia đình xác định cho con học trường quốc tế để sau này sang Mỹ du học. Nhưng khi vào học mới bộc lộ nhiều vấn đề, gia đình không hài lòng vẫn phải cắn răng để theo vì không còn cửa quay lại trường công. Theo anh Hùng, lý do để con đã học trường quốc tế khó quay lại trường công là vì phương pháp giáo dục của hai hệ thống trường này quá khác nhau. “Ngoại ngữ trường quốc tế rất ổn nhưng kiến thức các môn Văn, Toán con không đuổi kịp các bạn trường công”, anh Hùng nói.

Còn chị Nguyễn Thị Vân Anh, nhà ở Long Biên, Hà Nội cho biết, dù nhà ở xa nhưng chị quyết cho con thi lấy chứng chỉ tiếng Anh để xét tuyển vào Trường THCS Nguyễn Tất Thành. Cả nhà chị sẽ chuyển xuống nhà ngoại ở Nguyễn Phong Sắc để ở cho con đi học gần trường.

Lý do mà chị Vân Anh đưa ra là học ở trường công kiến thức tốt nhưng sĩ số học đông, học nặng. “Học phí ở Trường THCS Nguyễn Tất Thành có thể cao hơn rất nhiều so với trường công nhưng bù lại, con được học phương pháp mới. Các môn học sẽ được học theo chuyên đề nên các con sẽ có nhiều thời gian để tham gia học tập ngoài không gian trường học” – chị Vân Anh chia sẻ về lựa chọn của mình.

Đánh giá về chương trình giáo dục, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội)  cho rằng, ở trường quốc tế học sinh được học chương trình giáo dục tiên tiến, phương pháp giáo dục cũng áp dụng theo các nước như Mỹ, Anh, Pháp…Chưa kể, các trường quốc tế luôn đầu tư cơ sở vật chất tốt, quan tâm đến sự phát triển cá nhân. Mỗi lớp học ở các trường này thường bố trí rất ít học sinh để có điều kiện theo sát năng lực của từng em. Cũng theo ông Vũ, một tiêu chí mà phụ huynh rất thích khi cho con theo học ở các trường quốc tế chính là năng lực ngoại ngữ.

Học phí cao nhất 550 triệu đồng/năm

Trường UNIS có địa chỉ tại Khu đô thị Ciputra, Tây Hồ. Trường tuyển sinh từ mầm non đến hết lớp 12 với các mức học phí tăng dần. Năm học 2016 -2017, trường này thông báo mức học phí cao nhất dành cho khối lớp 11-12 là 25.860 USD (khoảng gần 550 triệu đồng). Trường THCS quốc tế Việt Nam - Singapore có mức học phí khoảng 140 triệu đồng/10 tháng chưa kể các khoản phụ thu. Trường Ha Noi International School (HIS) có mức học phí trung bình hằng năm khoảng 450 triệu đồng/học sinh. Trường phổ thông liên cấp Wellsping: có mức học phí từ gần 100 đến 207 triệu đồng tùy chương trình. Trường quốc tế BVIS Hà Nội cũng có mức giá học phí cao nhất gần 370 triệu đồng/ năm đối với cấp học phổ thông. Trường có mức giá trung bình trên dưới 100 triệu đồng/học sinh/ năm gồm: Đoàn Thị Điểm, Marie Curie, Trường Phổ thông liên cấp Olympia, Trường quốc tế Việt Úc…          

Nguyễn Hà

Theo Nguyễn Hà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h