Con gái mù nuôi mẹ già 96 tuổi bại liệt

Ngày 16/05/2015 14:00 PM (GMT+7)

Chị Ba mùa lòa vì một trận oanh tạc của bom Mỹ. Lớn lên, chị bị “yêu râu xanh” hại và sinh hạ một cô con gái. Hiện tại, chị còn là chỗ dựa của người mẹ 96 bị bại liệt.

Tận cùng khó khăn

Căn nhà đã xuống cấp của cụ Phạm Thị Lại (96 tuổi, xã Quế Ninh, huyện Ninh Sơn, tỉnh Quảng Nam) đón chúng tôi một buổi trưa nắng gắt. Giọng thều thào, cụ cho biết, lấy chồng khá sớm và sinh hạ được bốn người con. Chẳng may, cậu con trai bị dị tật bẩm sinh, còn một cô con gái bị mù.

Chồng bà bệnh tật triền miên rồi qua đời khá sớm. Đôi vai bà gánh gồng nuôi nấng bốn đứa con khôn lớn. Đến nay, hai người con không bị dị tật đã cưới vợ, lấy chồng, chuyển đến nơi khác sống. Do khó khăn, họ hiếm khi về thăm mẹ và các em.

Đưa tay chỉ về phía con gái là chị Hồ Thị Ba bị mù lòa, bà Lại xót xa: “Trước đây, khi còn sức khỏe, tôi có thể dẫn Ba đi lại. Vài năm trở lại đây, chân bị liệt, tôi chỉ ngồi nằm và phải nhờ vào sự chăm sóc của Ba”.

Con gái mù nuôi mẹ già 96 tuổi bại liệt - 1

Chị Ba đang xoa bóp cho mẹ

Chị Ba kể, cách đây hơn 40 năm, gia đình sống bằng việc giữ bò cho người ta. Một hôm, khi đang giữ bò thì bom Mỹ oanh tạc. Lúc ấy, mọi người đều nhanh chóng chạy vào hầm trú tránh thương vong.

Chị cũng muốn trốn nhưng nghĩ đến việc tiếng bom rơi sẽ khiến đàn bò sợ, bỏ chạy tán loạn. Mà bò mất thì sẽ không có tiền để trả cho chủ. Chị quyết định ở lại. Hôm ấy, bom đã cướp đi đôi mắt của chị. “Đó là giây phút mãi mãi tôi không thể quên được. Từ đó, tôi phải sống trong bóng tối”, chị nghẹn đắng.

Chị Ba học cách định vị, làm mọi việc trong bóng tối. Dù cố gắng thế nào, không ít lần chị phải rơi vào cảnh cay đắng. Chị không thể nhớ mình đã ngã bao nhiêu lần bởi vấp phải các vật dụng trong nhà để lại nhiều dấu tích trên chân và tay. Có đêm, chị ra vườn đi vệ sinh, do không tìm được đường vào nên phải ở lại ngoài vườn suốt đêm…

Đau đớn hơn, cách đây 14 năm, thấy chị bị mù lòa, không thể chống cự, một “yêu râu xanh” hãm hại. Lần đó, chị mang thai và sinh hạ một đứa con. Dù khó khăn, nhiều người khuyên chị nên cho đứa trẻ. “Đó là con của mình, sao làm thế được. Nhờ vào người thân, hiện tại, cháu đang học lớp 6”, chị nói.

Chị cho hay, sở dĩ, con vẫn được đi học là nhờ vào giấy chứng nhận hộ nghèo. Cháu đến trường không phải mất học phí. Mặc dù vậy, chị vẫn lo lắng, trong tương lai, đường tìm kiếm chữ nghĩa của con có thể bị dừng bất cứ lúc nào.

Ước mơ nhỏ nhoi

Hiện tại, hàng ngày, chị Ba phải tự giặt giũ, cơm nước cho cả gia đình. Chừng 4 đến 5 ngày, chị lại xuống chợ để mua thức ăn. Mỗi khi con nghỉ học là lại dẫn chị đi. Nếu cháu đi học thì chị lần mò đi một mình. Mà, đường núi mấp mô, chị đi từ sáng sớm đến chiều mới về. Mỗi lần như thế, chị chỉ mua 20.000 đồng thực phẩm để ăn dần.

Bữa cơm trong gia đình chủ yếu chỉ là đĩa muối, nồi canh rau. Đối với gia đình chị, mỗi khi có miếng thịt, con cá là cả một bữa tiệc lớn. “Tôi thì sao cũng được, nhưng thấy con nhỏ và mẹ già cứ thiếu thốn như thế thì xót xa lắm”, chị chia sẻ.

Con gái mù nuôi mẹ già 96 tuổi bại liệt - 2

Chị Ba mong có chiếc giếng trong nhà và ngày đủ hai bữa ăn 

Ở quê chị đến nay vẫn còn dùng nước giếng. Nhà không có giếng nên hàng ngày, chị phải sang hàng xóm xách nước về sinh hoạt, nấu ăn... Chị là người khỏe mạnh nhất nên phải làm nhiệm vụ quan trọng này. Đôi lúc, để chia sẻ công việc, con gái cũng giúp chị.

Được biết, mỗi tháng, gia đình chị được hưởng mức trợ cấp 360 nghìn đồng. Số tiền này quá ít ỏi đối với cuộc sống của bốn người. Trong cuộc trò chuyện, cả cụ Lại lẫn chị Ba đều trăn trở: “Bao nhiêu năm qua, chúng tôi vẫn có thể chống chọi, sống qua ngày. Nhưng, nếu thời gian tới, có người đau yếu thì không biết phải làm thế nào”.

Trước khi chia tay, chúng tôi xin số điện thoại để tiện liên lạc, chị Ba ngại ngùng cho hay không có. Chúng tôi chuyển sang hỏi có mong ước gì nhất? Chị Ba chia sẻ: “Mơ ước thì nhiều lắm. Nhưng, điều mong nhất là trong nhà có một cái giếng để không phải lần mò đi xách ở hàng xóm nữa. Mong, mọi người trong gia đình có sức khỏe và đủ ngày hai bữa là thỏa nguyện rồi”.

Ngự Bình
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Việc tử tế