Con hư, mẹ tát liên tiếp 20 cái giữa đường

Ngày 31/03/2014 10:49 AM (GMT+7)

Đi học buổi trưa không về, một cậu bé bị mẹ túm tóc tát liên tiếp trước sự chứng kiến của bạn học và người đi đường.

“Thương cho roi cho vọt” không chỉ là quan niệm của các bậc cha mẹ ở Việt Nam mà ngay cả Trung Quốc, tư tưởng này vẫn còn rất nặng nề. Không ít phụ huynh ngày nay vẫn áp dụng đòn roi trong việc giáo dục con cái. Không những bộc phát trong lúc nóng giận, nhiều ông bố bà mẹ coi việc dùng đòn roi với con là biện pháp cần áp dụng mỗi lúc bảo con không nghe, hay ra tay với con bằng trận đòn “thiếu chết” để giúp con tiến bộ. Cách giáo dục con cái của một bà mẹ người Trung Quốc ở Trịnh Châu, Hà Nam vừa qua đã khiến nhiều người vô cùng bức xúc.

Tát con 20 phát liên tiếp để "giáo dục"

Trưa hôm qua 30/3, vào lúc 2 rưỡi chiều tại một ngã tư trên trục đường chính của khu đô thị Chịnh Trâu (Hà Nam, Trung Quốc), một bà mẹ chỉ vì con đi học buổi trưa 2 tiếng không về đã tát con điên cuồng ngay trước cổng trường tiểu học trước sự chứng kiến rất nhiều người. Sự việc đã thu hút rất nhiều người tò mò đứng lại xung quanh để xem cảnh “mẹ dạy con”. Một số phụ huynh không thể chịu được nên quyết định gọi cảnh sát đến để ngăn cản “bà mẹ điên” này.

Con hư, mẹ tát liên tiếp 20 cái giữa đường - 1
Cậu bé tiểu học còn đeo khăn quàng đỏ, hai má bị tát tím bầm đứng im trên đường.

Trong vòng chưa đầy 15 phút, khi phóng viên đến hiện trường, cậu bé tiểu học mặc một cái áo khoác xám, trên cổ còn đeo khăn quàng đỏ đang đứng yên, hai giọt nước mắt vẫn còn đọng lại trên má. Nhìn kỹ hơn, khuôn mặt của e bị một mảng tím bầm bao phủ, đặc biệt hai má sưng đỏ rất rõ nét. Cậu bé dứt khoát không nói lý do mình bị đánh, tuy nhiên, các bạn cùng lớp của cậu bé nói với phóng viên, “vì buổi trưa đi chơi 2 tiếng không về nên mẹ đánh bạn”. Nhiều nhân chứng cho biết mẹ của cậu bé đã túm tóc, tát “như điên” con mình, đánh đập không dưới 20 cái vào má.

Ở phía sau hàng ghế xe cảnh sát, mẹ của cậu bé đang ngồi đó, đôi mắt cũng đỏ hoe vì khóc và ân hận. Khi bố của cậu bé đi xe đạp điện đến hiện trường, ông cũng xác nhận vợ mình là người nóng tính, thường xuyên đánh đập con trai. Sự việc đã khiến rất nhiều người bất bình.

“Giáo dục con cái bằng đòn roi đã là đáng lên án. Thực hiện điều đó ngay trên đường phố, trước con mắt của bao nhiêu người và cả bạn bè của con mình lại càng độc ác hơn nữa. Đây là một hành động vi phạm nhân quyền”, một cư dân mạng cho biết.

Đừng chà đạp cái tôi của trẻ

Theo các chuyên gia tâm lý, việc cha mẹ đánh đòn hay áp dụng những cách giáo dục dục xúc phạm đến con thường không đem lại hiệu quả mong muốn, thậm chí còn phản tác dụng. Nguy cơ lớn nhất sẽ làm tổn thương về thể chất của con. Khi quá mạnh tay, cha mẹ có thể gây ra những chấn thương nặng như gãy xương, bầm tím và tổn hại về thần kinh. Thêm vào đó, trừng phạt về thể chất sẽ tạo khoảng cách về sự tin tưởng của con cái và cha mẹ.

Trẻ cũng có cái tôi, có lòng tự trọng như người lớn nên việc bị người thân đánh đập, xúc phạm - nhất là điều này lại diễn ra trước mặt mọi người - đồng nghĩa với việc lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương. Khi bị phạt, trẻ có thể sợ nhưng trong tâm lý vẫn ngấm ngầm chống đối.

Con hư, mẹ tát liên tiếp 20 cái giữa đường - 2
Đòn roi làm tổn thương sâu sắc đến sự phát triển của trẻ. Trong ảnh: Một đứa trẻ ở Đăk Lắc với những vết thương do cha đánh đập vì tội lấy trộm 10.000 đồng. (Ảnh: Mai Khôi)

Nếu người lớn làm cho trẻ đánh mất lòng tự trọng của mình thì trẻ sẽ trở nên bất cần không còn muốn cố gắng, vươn lên trong học hành, cuộc sống. Nó có thể dẫn tới các hành động như lừa dối, ăn cáp, bắt nạt hoặc hành hung anh chị em, bạn bè và trẻ không thể nhận biết được mình đã làm sai điều gì.

Cha mẹ nên nhớ, đánh trẻ chỉ có tác dụng chấm dứt hành động sai trái của trẻ ngay lúc đó. Nhưng cách giải quyết khác như trò chuyện, giảng giải cho trẻ hiểu… mới là cách tốt nhất để con học được cách cư xử sau này. Nỗi sợ hãi không có tác dụng dạy trẻ cư xử đúng đắn mà sẽ khiến trẻ chỉ vân lời khi người đánh trẻ ở gần bên. Thậm chí những ký ức giận và đau đớn trong tuổi thơ sẽ ám ảnh đến tận khi trẻ trưởng thành.

H.My/ cn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan