'Dại' mới cắt bao quy đầu cho con

Ngày 27/03/2013 12:11 PM (GMT+7)

Sau khi làm tiểu phẫu cắt bao quy đầu, cu con mình sợ đi tiểu, khóc đến phát sốt.

Quanh thắc mắc nên chăng cắt bao quy đầu cho con, em cũng muốn góp chuyện đôi lời.

Bin lớn nhà em hồi 30 tháng tuổi cũng bị chít hẹp bao quy đầu. Mỗi lần nhìn ‘cậu nhỏ’ của con phồng lên khi đi tiêu mà em vừa buồn cười lại vừa lo. Em có tìm hiểu trên một số sách, báo thì thấy khuyên nên đưa con đến bệnh viện khám và làm thủ thuật cắt bao quy đầu. Thế là hai vợ chồng sấp ngửa ‘tha lôi’ con lên bệnh viện tỉnh (cách nhà gần 50km) để làm các xét nghiệm cần thiết. Đến khi khám xong cho bé, bác sĩ nghiêm mặt nói gọn một câu: “Phải cắt bao quy đầu thôi. Để dễ gây viêm nhiễm”.

Sau khi cắt bao quy đầu, Bin lớn khóc ròng đến phát sốt và nửa tháng trời nhịn tiểu, ăn uống kém… nhìn mặt con hóp lại, xanh xao mà vợ chồng em xót vô cùng.

Dại mới cắt bao quy đầu cho con - 1
Sau khi cắt bao quy đầu, Bin lớn khóc ròng đến phát sốt và nửa tháng trời nhịn tiểu, ăn uống kém… nhìn mặt con hóp lại, xanh xao mà vợ chồng em xót vô cùng. (Ảnh minh họa)

Sinh Bin bé, em cũng rất chú ý vệ sinh cho con để tránh việc phải cắt bao quy đầu như anh. Nhưng đúng là người tính không bằng trời! Khi Bin bé được 10 tháng tuổi, thấy dòng nước tiểu của bé vọt cần câu mỗi lần đi vệ sinh, em chắc mẩn 'lại bị chít hẹp bao quy đầu rồi'. Nhớ lại cảnh Bin lớn xanh xao, khóc ròng vì đau… em ám ảnh hoảng hết cả loạn.

Em bàn với chồng không đưa Bin bé đi bệnh viện nữa vì ‘bác sĩ bệnh viện nhiều khi chỉ toàn quan trọng hóa vấn đề’, như lời bá chồng em nói.

Cuối tuần, em đưa Bin bé đi khám bác sĩ tư gần nhà và chị ấy cũng khuyên nên cho bé tiến hành tiểu phẫu sớm sẽ đỡ đau. Cắt bao quy đầu cũng có một số cái lợi là giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu… (Em nhớ ang áng lời bác sĩ nói thế). Nhưng khi cắt xong bé có thể sẽ quấy khóc vì đi tiêu bị xót, thậm chí, một số bé sợ quá còn ốm sốt…

Có Bin lớn là bài học nhãn tiền nên em băn khoăn khá nhiều. Em hỏi bác sĩ có cách nào khác không. Bác sĩ im lặng một chút rồi nói: “Một số bé chỉ cần nong, không cần cắt và gây mê gì hết… Nhưng làm tiểu phẫu vẫn tốt hơn". Em kiên quyết nài nỉ bác sĩ nong bao quy đầu cho con, cuối cùng chị cũng đồng ý.

Em mất 2 ngày phải đưa con đến bác sĩ nong bao quy đầu. Lần nào bác sĩ cũng lấy tay vuốt ngược da bao quy đầu về phía thân dương vật của bé, sau đó dặn em về nhà khi nào tắm cho con thì cũng làm tương tự. Lúc nhìn bác sĩ nong cho con mà em cứ thấy xót lòng xót dạ thế nào ấy.

Nong bao quy đầu, Bin em khó chịu nên mặt mày cứ xị hết cả ra. Bé cũng khóc nhưng không khóc dai dẳng như Bin anh (có lẽ là do đỡ đau hơn?). Sau khi đi thăm khám lại, bác sĩ bảo con em không cần thực hiện cắt bao quy đầu nữa và nói ‘chú chim nhỏ’ của con đã hoạt động bình thường. Bố mẹ không phải lo gì nữa’.

Từ kinh nghiệm nuôi con của mình, em thấy mẹ nào ‘dại’ mới đưa con đi cắt bao quy đầu bởi đó có thể là một thủ thuật không cần thiết nếu mẹ biết cách vệ sinh và nong 'cậu nhỏ' cho con hàng ngày.

Chia sẻ của độc giả có địa chỉ email: ngockt...@...

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Kinh nghiệm của mẹ