“Đau khổ” vì con nhà giàu lại thiếu sắt, thiếu máu

Ngày 22/02/2017 14:59 PM (GMT+7)

Không ít phụ huynh, thậm chí những người có điều kiện kinh tế, khi nhận kết quả xét nghiệm con bị thiếu máu, thiếu sắt lại giật mình, bởi nhiều người vẫn nghĩ: "Chỉ cần trẻ cứ ăn nhiều, bồi bổ tích cực, trông không còi lắm là đủ chất dinh dưỡng rồi ?!".

“Đau khổ” vì con nhà giàu lại thiếu sắt, thiếu máu - 1

Các chuyên gia y tế khuyên: Cần cân bằng chế độ dinh dưỡng của trẻ, thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn rất quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của bé. Ảnh :P.B

Cứ gần 3 đứa trẻ lại có 1 bé thiếu máu

Là gia đình có điều kiện nên vợ chồng anh Trần Văn Nam (ở khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) rất chăm chút cho bữa cơm của con. Cậu con trai thứ (8 tuổi, học lớp 3, nặng 24kg) thích ăn gì anh chị đều đáp ứng “ngay và luôn”. Nhưng bé lại rất kén ăn rau, bữa cơm nào bé cũng đánh sạch 2 bát cơm thịt đầy. Nghĩ con ăn no là được, lại ăn thêm ngoài nhiều, anh Nam yên tâm con đã đủ chất dinh dưỡng.

Nhưng mấy tháng gần đây, bé hay ốm vặt, trông xanh xao, lại thêm tiền sử bị viêm mũi dị ứng, anh đưa con đi viện khám thì mới giật mình thấy bác sĩ kết luận, con anh bị thiếu máu do thiếu sắt. “Về quê đón Tết, nói con thiếu máu, thiếu sắt không ai tin, họ hàng còn mắng cho là “con nhà giàu” lại bị thế!”, anh Nam tâm sự.

Cũng là con trai trong một gia đình có điều kiện, từ bé cháu Nguyễn Thanh Hải (5 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) đã được bố mẹ chăm bẵm, nâng niu, đầu tư rất nhiều chất dinh dưỡng, nhưng đợt khám hôm ra Tết vừa rồi khiến bố mẹ Hải tá hỏa vì bé bị thiếu sắt khá nặng. “Cháu tẩy giun theo định kỳ, ăn uống rất đầy đủ, trộm vía lại chăm ăn nữa chứ không ít, nhưng không hiểu sao vẫn thiếu máu, thiếu sắt”, bố bé Hải băn khoăn.

PGS.TS Nhi khoa Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ bị thiếu máu khá phổ biến tại nước ta. Theo số liệu điều tra Quốc gia về Vi chất dinh dưỡng mới nhất do Viện Dinh dưỡng công bố, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ Việt Nam trên toàn quốc là 27,8%, ở thành thị là 22,2%. Có nghĩa là cứ gần 3 đứa trẻ lại có 1 bé thiếu máu. Với trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ thiếu sắt còn lên tới 50,3, tỷ lệ trẻ thiếu máu do thiếu sắt là hơn 63%, một con số rất cao.

BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay, việc chủ động đi khám dinh dưỡng cho trẻ được nhiều phụ huynh quan tâm, thực hiện. Không chỉ phụ huynh ở thành phố mà ở các vùng quê cũng dần có ý thức này. Hàng tuần, Phòng khám và tư vấn dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng đón khoảng 600 - 700 lượt bệnh nhi trong giờ hành chính. Tuy nhiên, theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thực tế là nhiều trẻ chỉ được phát hiện bệnh khi đến bệnh viện khám do một bệnh khác.

Đơn cử, khi thấy con trai 5 tuổi bị sốt cao trên 39 độ, kèm theo ho, sổ mũi, chị Hương Giang ở Long Biên (Hà Nội) đưa con đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm họng mủ. Ngoài ra thấy bé da hơi xanh, bác sĩ chỉ định đi làm thêm công thức máu, kết quả bé bị thiếu huyết sắc tố, thiếu máu. “Tôi chỉ nghe trẻ con thiếu máu, thiếu sắt thường do giun, hay ăn ít, ăn không đầy đủ, hoặc ở những nơi điều kiện khó khăn. Hoặc cùng lắm như tôi ngày xưa có bầu nên phải bổ sung sắt thôi. Còn tôi thấy người lớn thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt, hoa mắt mới bị thiếu máu chứ bé con tôi vẫn chơi bình thường. Chỉ mỗi việc bé hay ốm vặt”, chị Giang nói.

Chỉ cần xét nghiệm công thức máu là biết

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, biểu hiện của bệnh thiếu máu, thiếu sắt khá chung chung, gặp ở nhiều bệnh khác nhau nên thường bị bỏ qua. Với những trẻ thiếu máu nhẹ, biểu hiện chỉ là da hơi xanh, niêm mạc, môi, vành mắt nhợt nhạt. Nặng thì da xanh nhiều, với trẻ lớn có thể thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt còn trẻ nhỏ thì không chịu chơi, quấy khóc kéo dài. Có trẻ bị nặng quá dẫn đến suy tim, khó thở, tim đập nhanh, một số trẻ bị phù. Trẻ bị thiếu máu kéo dài thường kém ăn, ăn không ngon, thậm chí gây chậm phát triển trí tuệ và thể lực. Một số trẻ đi học hay than phiền giảm trí nhớ, học hành sa sút, thiếu tập trung. Trong khi đó để phát hiện bệnh chỉ cần làm xét nghiệm máu đơn giản.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên nhân gây bệnh được chia thành 2 nhóm. Trước hết, trẻ thiếu máu có thể do cơ thể đang có bệnh, do giun. Ngoài ra, trẻ có thể bị bệnh về đường tiêu hóa như chảy máu dạ dày, chảy li ti, mỗi ngày một ít. Lý giải thêm về việc vì sao nhiều gia đình nghĩ rằng cho con ăn rất đầy đủ, con cũng ăn nhiều, tăng cân nhưng vẫn thiếu máu, thiếu sắt, BS Tiến cho hay, dù trẻ có ăn nhiều, nhưng có thể do sự hấp thu, tiêu hóa của cơ thể trẻ không tốt nên trẻ vẫn bị thiếu máu, thiếu sắt. Việc ăn đủ phải được tính toán theo nhu cầu của từng lứa tuổi, cân nặng, mùa thời tiết…

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cho rằng, nguyên nhân hay gặp nhất là thiếu máu dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu sắt. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hiện nay, lượng sắt từ bữa ăn của người Việt Nam chỉ thỏa mãn 30 - 50% nhu cầu về chất này. Trên thực tế khám chữa bệnh, BS Tiến cho rằng, nhiều bệnh nhi thiếu máu khi đến khám, chia sẻ với bác sĩ mới thấy, lượng sắt trong đạm rất ít, trứng thì một tuần cũng chỉ ăn một quả. Có trẻ thì ăn đủ lượng thịt nhưng lượng rau, củ quả lại quá nhiều, ảnh hưởng đến việc hấp thụ sắt. Trẻ đủ dinh dưỡng, chất xơ, vitamin... nhưng thiếu sắt. Do đó, cân bằng lại chế độ dinh dưỡng, thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn rất quan trọng. Song song chế độ ăn, thì cha mẹ có thể cho trẻ uống bổ sung sắt, ít nhất là một tháng và nhiều nhất là 3 tháng. Không nên uống trong thời gian dài vì nếu thừa sắt sẽ dẫn đến hiện tượng nhiễm sắt vào gan, lách, phổi.

Các chuyên gia cảnh báo, thiếu máu có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm. Khi trẻ không được tiêu thụ các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và thiếu một số chất dinh dưỡng thiết yếu, điều này sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ. Do đó, việc áp dụng một chế độ ăn cho trẻ là vô cùng quan trọng.

Theo Quỳnh An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực đơn dinh dưỡng cho bé