Dạy con thành công, đôi khi phải 'tàn nhẫn'

Ngày 28/03/2014 15:42 PM (GMT+7)

Mềm mỏng là hại, tàn nhẫn là yêu. Người nào nuông chiều con ắt có ngày phải băng bó vết thương cho con.

Tôi tin rằng, làm cha mẹ chưa bao giờ là điều dễ dàng và tôi cũng tin chắc rằng tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái dù ở đâu, khi nào, sắc tộc nào và trong hoàn cảnh nào thì cũng là vô bờ bến, không thể đong đếm. Tình yêu thương đó có chăng chỉ khác nhau ở cách thể hiện.

Giáo dục con cái là một môn nghệ thuật mà bậc cha mẹ nào cũng phải học. Bởi nếu không học cách nuôi dạy con đúng đắn thì chắc chắn sẽ có ngày cha mẹ chuốc lấy hậu quả đáng hận. Không ai vốn sẵn có số phận là mẹ của triệu phú hay thiên tài, chính phương pháp giáo dục có liên quan mật thiết đến sự thành công hay thất bại của một con người và cũng như sự hưng thịnh hay suy thoái của cả một dân tộc.

Yêu có 'chất lượng' - Yêu thương chứ đừng nuông chiều

“Mềm mỏng là hại, tàn nhẫn là yêu. Người nào nuông chiều con ắt có ngày phải băng bó vết thương cho con”, Sara Imas - một bà mẹ gốc Do Thái nói thế và tôi ngẫm thấy thực sự rất rất đúng. Nhiều bà mẹ Việt Nam, ngoài 8 tiếng quần quật ở công sở thì về đến nhà lại như một “chiếc giẻ lau mâm”. Lúc nào cũng luôn chân luôn tay ‘hầu hạ’ và không có kỹ năng từ chối bất kỳ nhu cầu vật chất nào của con. Khi con bị chèn ép, bắt nạt… ngay lập tức cha mẹ rat ay ‘giải cứu’, quyết không để con phải chịu ấm ức. Và vô tình, cha mẹ đã trở thành ‘nô lệ’ của con.

Cha mẹ không nên quan niệm sai lầm rằng: cố gắng đáp ứng tất cả mọi nhu cầu vật chất của con, làm tất cả mọi việc cho con mới là yêu con. Thực ra, đó chỉ là nuông chiều vô lối. Cha mẹ khôn ngoan luôn ‘ra luật’ và có nguyên tắc dạy con nhất đinh. Nếu hành vi của trẻ vượt quá giới hạn, cha mẹ sẽ không nương tay mà nghiêm khắc phê bình khuyên bảo.

Dạy con thành công, đôi khi phải tàn nhẫn - 1
Cha mẹ khôn ngoan không vội ứng cứu khi con gặp khó khăn (Ảnh minh họa).

Khen đúng, đủ

Lời khen có thể là 'liều thuốc tăng lực' với trẻ nhưng trong một số trường hợp có thể là 'độc dược' nguy hại. Lời khen tuy có sức mạnh rất lớn nhưng cha mẹ tuyệt đối không được sử dụng tùy tiện. Khen ngợi, khích lệ trẻ phát huy thế mạnh là hành động đáng hoan nghênh. Song khi khen không nên dùng những câu nói quá như: "Con là số 1", "Con tuyệt nhất!"... bởi như thế trẻ sẽ đánh giá sai thực lực của bản thân.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ nhận ra khuyết điểm và sửa chữa lỗi sai để lần sau trẻ không mắc phải nữa. Chỉ cần cha mẹ không dùng lời lẽ hay hành động phủ định trẻ, mà phân tích xem trẻ sai ở đâu, cần sửa chữa những gì thì trẻ sẽ nghe theo. Nếu trẻ thực sự làm sai thì cha mẹ không nên “giả vờ” khen ngợi, như vậy trẻ sẽ tưởng mình làm đúng và lặp lại lần sau. Khắc phục khuyết điểm của bản thân sẽ giúp trẻ ngày càng tự tin hơn.

Dạy đối nhân xử thế

Sớm dạy con quy tắc ưng xử dù là nhỏ nhất cũng rất quan trọng, quyết định sự thành bại sau này của con. Con bạn có thể không phải là người giỏi nhất nhưng sẽ thành công nhất nếu biết linh hoạt và ứng xử đúng khi gặp khó khăn. Cung cấp cho con những trải nghiệm, dạy con cách xử lý vấn đề có giá trị hơn ngàn vạn lần nhà lầu, xe hơi... bạn vất vả làm lụng, tích cóp cả đời để dành cho con.

Tôn trọng quyết định của trẻ

Muốn con giỏi, ngoan… tuyệt đối không nói với trẻ những câu mang tính chất áp đặt, cấm đoán như: “Con còn nhỏ, phải nghe lời bố mẹ!”, “Con đừng làm như thế, như thế là sai!”, “Con không được làm thế này!”, “Suy nghĩ của con sai rồi!”… Bởi như thế sẽ khiến trẻ dần nhận thức được tình trạng không được tôn trọng và khi lớn lên, trẻ sẽ chống đối bằng lời nói hoặc biểu hiện, có khi phản kháng mạnh mẽ bằng hành động.

Nếu trẻ đưa ra yêu cầu không hợp lí, cha mẹ cũng không nên nổi giận đánh mắng mà đầu tiên nên nghĩ cách khuyên bảo uốn nắn suy nghĩ của trẻ, sau đó giảng cho trẻ hiểu nguyên nhân vì sao mình không đồng tình, cuối cùng cổ vũ trẻ nghĩ ra cách giải quyết hợp lí.

Rèn cho trẻ tự tin thể hiện bản thân nơi đông người

Hầu hết những đứa trẻ lớn lên đều thành công là do được rèn dũa tố chất của người lãnh đạo từ sớm. Trẻ con không phải đứa nào cũng bản lĩnh và cứng cỏi mà rất nhiều đứa nhút nhát, hay xấu hổ. Vì thế, cha mẹ nên dành thời gian đưa trẻ đến những môi trường giao tiếp đông người, tham gia vào những hoạt động xã hội để trẻ tăng cường hiểu biết và mạnh dạn hơn.

Ngoài ra, sớm dạy con một số tố chất như: tự tin, tự lập mục tiêu cá nhân, kỹ năng tổ chức, kỹ năng giải quyết vấn đề... thì rất có thể một ngày không xa, con bạn sẽ trở thành người lãnh đạo vô cùng xuất sắc.

Yêu con chân thành

Yêu con cũng là một môn học, các bậc phụ huynh chỉ có thân phận thôi là chưa đủ, họ cần phải có chức danh. Yêu thương con là một loại tình cảm đó là bản năng trời sinh của cha mẹ, đồng thời nó cũng là một loại khoa học. Giống như Y học, bạn không thể sinh ra đã là bác sĩ mà phải thông qua một quá trình học tập gian khổ mới có thể trở thành bác sĩ thực thụ. Mỗi người cha, người mẹ cũng phải học tập và nỗ lực hết mình mới mong nhận ra chân lý đó.

Trong giáo dục gia đình, yêu thương chân thành là nền tảng của giáo dục con cái. Những đứa trẻ không được hưởng đầy đủ tình yêu thương của cha mẹ khi lớn lên thường có khiếm khuyết ẩn hiện về mặt nhân cách. Vì vậy, yêu thương cũng là một thủ thuật giáo dục, mục đích và phương pháp không giống nhau sẽ dẫn đến hiệu quả hoàn toàn khác biệt.

Sara Imas là hậu duệ của những người Do Thái đã đến định cư lâu đời tại Thượng Hải. Sau khi quan hệ Trung Quốc – Israel được xác lập, trước tiếng gọi trở về cố hương, Sara đã từ bỏ cuộc sống phồn hoa ở Thượng Hải, mang theo 3 đứa con (2 trai, 1 gái) trở về Israel, nơi đồng bào của bà đang phải chịu khói lửa chiến tranh, bắt đầu một trải nghiệm giáo dục xuyên quốc gia của mình.

Với những điều mắt thấy tai nghe về những câu chuyện giáo dục con cái ở môi trường mới, bà đã quyết tâm từ bỏ hình ảnh của một bà mẹ Trung Quốc để trở thành một bà mẹ Do Thái chính cống. Hình ảnh của bà mẹ Do Thái này khiến không ít người cho rằng đó là cách giáo dục khá tàn nhẫn, thế nhưng những gì mà bà mang lại cho các con đã giúp chúng ta mở ra tầm nhìn mới về cách thể hiện tình yêu với con cái.

Sara Imas đã đúc kết, tình yêu với con cái của cha mẹ Trung Quốc giống như hình tử cung. Họ luôn muốn bao bọc lấy chúng trong khi tình yêu thương vô điều kiện của mình suốt cuộc đời. Còn tình yêu của mẹ Do Thái với con tựa như hình một đống lửa. Tình yêu đó được giấu sâu trong lòng dưới biểu hiện sắt đá và cứng cỏi. Họ chỉ là ngọn lửa rực sáng, soi đường cho con cái để chúng có thể tự học cách sinh tồn, vươn lên trong cuộc đời.

Sách tham khảo: Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương

N.Bích (TH)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con