Dị tật bàn chân khoèo ở trẻ: Không được chẩn đoán đúng bệnh, bé trai 6 tuổi bị liệt chân

Ngày 22/08/2017 15:52 PM (GMT+7)

Trường hợp bé trai 6 tuổi ở Thái Bình bị liệt chân và đơ 1 bên tay dưới đây do không được chẩn đoán chính xác dị tật bàn chân khoèo là lời cảnh tỉnh dành cho các bậc cha mẹ.

Theo tổng kết Tổ chức Y Tế Thế giới tỉ lệ trẻ mắc tật bàn chân khoèo chiếm 1/1000. Hiện nay, dị tật bàn chân khoèo chiếm tỉ lệ cao nhất trong những dị tật bẩm sinh của hệ vận động và bình quân mỗi tháng, khoa phục hồi chức năng của Bệnh viện Nhi Trung Ương tiếp nhận khoảng 12-15 bé đến điều trị bàn chân khoèo.

Bé 6 tuổi bị liệt chân vì được chẩn đoán nhầm bệnh, hạn chế đi lại

Theo TS. BS CKII Trịnh Quang Dũng – Trưởng khoa phục hồi chức năng, Phó tổng thư ký Hội Phục hồi chức năng cho biết, dị tật bàn chân khoèo ở trẻ gồm có dị tật bẩm sinh và dị tật thứ phát. Tuy nhiên, tỉ lệ trẻ bị bàn chân khoèo thứ phát vô cùng ít.

Dị tật bàn chân khoèo ở trẻ: Không được chẩn đoán đúng bệnh, bé trai 6 tuổi bị liệt chân - 1

Anh Phạm Văn Kiểm – bố bé Kiên cho biết trước khi được điều trị, bé không thể đi lại được. Ảnh Hồng Nhung

Mới đây, bệnh viện cũng đã tiếp nhận em Phạm Trung Kiên (6 tuổi, Vũ Thư, Thái Bình) đến điều trị bàn chân khoèo. Nếu như ngày đầu tiên đến điều trị, em Kiên không thể đi lại được thì chỉ sau 7- 8 ngày điều trị, tình trạng bệnh của em đã tiến triển hơn có thể vận động được.

Theo anh Phạm Văn Kiểm – bố bé Kiên cho biết trước đó, bé không thể đi lại được, chỉ 2-3 bước là ngã, còn tay liệt không thể cầm nắm và duỗi được. Bệnh xuất phát sau một lần Kiên bị ốm, chân yếu hơn.

“Từ 1-5 tuổi cháu không sao chỉ có duy nhất một lần ốm bình thường, con kêu mệt chân nhưng do gia đình có việc bận nên chủ quan không nghĩ đến. Cũng hôm đó, chân cháu yếu nên bị ngã xước xát, gia đình đã cẩn thận cho cháu đi chụp chiếu, bác sĩ bảo không sao.

Thế nhưng 1 tuần sau đó, cháu lại kêu đau hơn. Các bác sĩ bảo không phải do vết thương mà đau xương phát triển. Không yên tâm, gia đình tôi cũng cho cháu đi khám nhiều nơi nhưng không ra bệnh.

Các bác sĩ đều nhận định đau xương phát triển và cho về nhà hạn chế đi lại. Nghe lời bác sĩ, từ đó gia đình không cho cháu đi lại nhiều khiến cơ của cháu dần dần yếu đi. 7-8 tháng trước cháu bị liệt một chân và hơn một tháng vừa rồi tay cháu có hiện tượng đơ mất một bên.

Thấy bệnh cháu ngày càng trầm trọng hơn, tôi quyết định nghỉ việc để cho cháu đi lên Hà Nội khám. Lúc đến đây phải cõng cháu nhưng sau khi tìm ra bệnh của cháu và điều trị 15 ngày, cháu đã có những tiến triển tốt, phục hồi được 60%”, anh Kiểu phấn khởi cho biết.

Dị tật bàn chân khoèo ở trẻ: Không được chẩn đoán đúng bệnh, bé trai 6 tuổi bị liệt chân - 2

Hiện nay bé Kiên đã phục hồi được 60%. Ảnh Hồng Nhung

Dị tật bàn chân khoèo ở trẻ

Theo như bác sĩ Dũng điều trị cho bé Kiên cho biết, bé mắc bàn chân khèo thứ phát do biến dạng, kiễng và xoay chân nhiều. Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh cũng như bàn chân khoèo thứ phát ở trẻ, dưới đây bác sĩ Dũng sẽ có những chia sẻ chi tiết.

1. Biểu hiện và cách phát hiện

Biểu hiện Bàn chân khoèo bẩm sinh Bàn chân khoèo thứ phát
Giải thích

- Là khi đứa trẻ lọt lòng mẹ đã thấy 2 bàn chân xoay nghiêng vào trong và gập phía mặt lòng bàn chân.

Với tiến bộ khoa học, phát hiện ra từ tuần thứ 20 của bào thai.

- Trong quá trình phát triển, biến dạng bàn chân mới dần được rõ lên.

Trong nhóm bệnh thần kinh hay bại não có biến dạng bàn chân gần giống như bàn chân khoèo nhưng không ảnh hưởng cấu trúc của xương và trục tạo nên giữa các xương với nhau.

Nguyên nhân

Do các bệnh lý về cơ làm cho mất cân bằng, lực cơ dẫn đến tình trạng co kéo.

Thường trẻ ngoài 24 tháng hoặc 36 tháng từ từ xuất hiện do tình trạng co kéo cơ. Nó có thể tổn thương tại chỗ hoặc tổn thương dây thần kinh trung ương.

Phân loại

+Mũi bàn chân xoay trong

+Bàn chân gập phía mặt lòng

+Cạnh bàn chân nghiêng trong

Phát hiện

Qua quan sát, khám chuyên khoa phục hồi chức năng

Chụp XQuang để đánh giá các biến dạng xương

Bàn chân càng ngày càng xoay nhiều hơn, gập mặt lòng nhiều hơn. Quá trình đó xuất hiện từ từ theo xu thế nặng lên.

Ảnh hưởng

- Mất thẩm mỹ

- Dáng đi xấu

- Ảnh hưởng phát triển hệ xương, đặc biệt khung chậu. Với trẻ gái sẽ ảnh hưởng đến sinh đẻ sau này. 

Bàn chân khoèo thứ phát liên kết với mất khả năng vận động, giảm vận động.

2. Biện pháp can thiệp

Đối với dị tật bàn chân khoèo thứ phát khả năng chữa trị rất thấp, khó hơn rất nhiều so với bàn chân khoèo bẩm sinh. Trong đó, biến dạng bàn chân khớp cổ chân trong trường hợp bại não rất khó điều trị. Ngay cả can thiệp phẫu thuật không đạt được khả năng mong muốn.

Bàn chân khoèo bẩm sinh: 

+ Theo phương pháp cũ: Có thể gây căng thẳng, đau đớn khi bó bột. Bên cạnh đó, trưởng thành ở tuổi 40-50 sẽ xuất hiện tình trạng thoái hóa các đầu xương rõ.

+ Theo phương pháp Ponseti: Kéo dãn các gân của bàn chân để nắn chỉnh các biến dạng và sắp xếp các xương theo trật tự bình thường một cách nhẹ nhàng, không gây tì đè quá mức. Ưu điểm: nắn chỉnh không xâm nhập đảm bảo kết quả bền vững của phương pháp bó bột chỉnh hình bàn chân khoèo; Tránh những di chứng sau này; Duy trì tư thế bàn chân tốt; Tránh những căng thẳng đau đớn trong khi đang bó bột. Tuy nhiên cũng khiến trẻ khó chịu.

Duy trì bó bột 6-8 lần và kết thúc quá trình bó bột chuyển sang đeo nẹp Denis Brown có mũi bàn chân xoay ra ngoài và cạnh bàn chân nghiêng ngoài nhằm duy trì bàn chân của trẻ ở tư thế xoay ngoài và nghiêng ngoài.

Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ.

Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia. 

Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư vấn sức khỏe trẻ em