Ép con ăn là mẹ “bạo hành” con

Ngày 20/12/2013 09:00 AM (GMT+7)

Có lẽ tôi cũng đáng phải “đi tù” vì đã từng hành hạ con mình, từng quát,mắng, nhồi nhét con ăn thêm 1,2 thìa cơm.

Những ngày này, khi cả xã hội đang rầm rộ lên án những “cô giáo” mầm non tại trường tư thục Phương Anh, tôi lại chợt nhớ đến mình ngày xưa. Có lẽ tôi cũng đáng phải “đi tù” vì tôi đã từng hành hạ con mình, từng quát, từng mắng, từng nhồi nhét con để mong bé ăn thêm được 1,2 thìa cơm.

Tôi cũng lớn tuổi rồi. Gần 35 tuổi mới có đứa con đầu tiên. Tôi cưng chiều con lắm. Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Bao nhiêu của ngon vật lạ, bao nhiêu tôm hùm yến sào….cứ đâu mách ngon là tôi đến tận nơi mua cho con. Bất cứ món gì con thích, dù chỉ một tí thôi tôi cũng nấu cho con ăn, không nấu được thì tôi đi mua, tôi đi học cho nấu bằng được mới thôi. Ngày nào tôi cũng hỏi con “Hôm nay Tít thích ăn gì?...Gà rán, sườn xào, tôm rang, trứng tráng, phở bò hay là bún măng….” chỉ với một niềm hi vọng nhỏ nhoi là sẽ tìm ra món con thích. Vậy nhưng có lẽ con trai tôi là đứa khó nuôi khó ăn. Con chẳng thích bất cứ món nào.

Ép con ăn là mẹ “bạo hành” con - 1
 Cứ thế, con trệu trạo nhai cơm trong hai hàng nước mắt còn tôi đầu vẫn như bốc hỏa (ảnh minh họa)

Tôi ở nhà buôn bán nhỏ lẻ với có mỗi việc chăm con sao cho tốt thôi nên mỗi thìa cháo, thìa cơm của con đều trực tiếp ảnh hưởng tới tâm trạng và tâm lý của tôi hôm đó. Hôm nào con ăn được hết bát thì tôi vui phơi phới. Hôm nào con không ăn thì tôi u sầu thiểu não, tôi buồn bã chán nản.

Mỗi bữa ăn của Tít nhà tôi lúc nào cũng kéo dài lê thê 1,2 tiếng. Bát cơm mang ra thơm phức, nóng bỏng tay nhưng đến cuối bữa thì nguội tanh nguội ngắt, bao nhiêu thịt rau cơm canh trộn lẫn lung tung, lõng bõng toàn nước. Tôi cũng chịu khó nịnh nọt con, quát nạt, dọa dẫm, ăn rong, tivi, quảng cáo đủ cả. Những lúc bực mình vì con há miệng nhưng cứ ngậm cơm không nuốt, tôi lại bực, dùng tay đánh vào tay con mấy phát, bóp miệng bắt uống nước cho trôi cơm. Mỗi miếng ăn của con là một câu mắng chửi. Cứ thế, Tít trệu trạo nhai cơm trong hai hàng nước mắt còn tôi đầu vẫn như bốc hỏa, đứng đấy không cho con đi. Có những hôm bực bội, tôi ném đổ cả bát cơm của con, hét lên “Vứt, vứt hết. Không ăn thì vứt. Cho nhịn đói” trước hai con mắt kinh hoàng xen lẫn sợ hãi của con. Mỗi bữa ăn của hai mẹ con tôi đã từng là địa ngục như vậy.

Tôi đã lén chồng đưa Tít đi khám bác sĩ xem có thuốc gì giúp con thèm ăn không và ngày hôm đấy, tôi bị “ăn mắng” té tát. Bác sĩ đã mắng tôi rằng con tôi hoàn toàn bình thường, và người bị “bệnh” ở đây chính là tôi. “Ăn thêm 1,2 thìa cơm không giúp trẻ nhận thêm được là bao dinh dưỡng mà chỉ khiến chúng thêm khắc sâu nỗi sợ hãi và ám ảnh với thức ăn. Khi ngoài kia có bao nhiêu người phụ nữ chẳng thể có con. Chị lại đánh mắng, nhồi nhét con mình như vậy. Chị thấy có xứng đáng không? Không nuôi được để người khác nuôi.” lời của vị bác sĩ ngày đó cứ mãi ám ảnh tôi. Nhìn lại đứa con vẫn đang đứng ôm chân mẹ, ngước đôi mắt to tròn lên nhìn mẹ. Tôi lại thấy mình thật xấu xa. Tôi đã đánh nó, đã ép nó, đã mắng nó như vậy nhưng sau mỗi bữa cơm, nó vẫn chui vào chăn ôm tôi ngủ ngon lành, không sợ, không giận, không oán trách.

Tôi đã tự giải thoát mình và con khỏi nỗi ám ảnh về cái cân cùng những con số. Khi đừng ngoài cuộc rồi, tôi mới thấy được tác hại của việc chúng ta ép con ăn, mới thấy rụng rời đau xót khi nhìn nước mắt con trẻ rơi trên bát cháo – điều mà trước đây, khi đang trong cơn tức giận mù quáng tôi đã không nhìn ra. Xã hội ta ngày nào vẫn còn nhiều người nuôi con theo cân nặng thì ngày ấy vẫn còn những đứa trẻ ngây thơ bị bạo hành, coi bát cơm bát cháo là nỗi sợ hãi. Chính phụ huynh chúng ta đôi khi cũng là những người độc ác với trẻ và đẩy các cô giáo mầm non vào áp lực phải nuôi trẻ làm sao cho tăng cân. Tôi ngẫm nghĩ, nếu chúng ta đừng hỏi cô giáo “Hôm nay cháu ăn được mấy bát” mà chỉ hỏi “Hôm nay hai cô trò ăn uống vui không?” thì có lẽ mọi sự cũng đã không quá đau lòng như hôm nay.  

Mẹ Tít
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết trị trẻ biếng ăn