Game 'kinh điển' phát triển IQ cho bé

Ngày 26/02/2014 16:57 PM (GMT+7)

Chơi gì để bé 1-4 tuổi phát triển IQ tốt nhất? Chúng tôi sẽ mách bạn!

Thời điểm trẻ từ 1-4 tuổi là cơ hội vàng để cha mẹ giúp bé phát triển trí thông minh một cách tối ưu nhất, không chỉ bằng việc cho bé ăn đầy đủ dinh dưỡng mà còn bằng các trò chơi. Nhưng chơi gì với con để đạt IQ cao nhất? Chúng tôi sẽ mách bạn!

1. Trò chơi xuất hiện và biến mất

Đây là trò chơi cơ bản và nó phù hợp nhất với trẻ nhỏ khoảng 12 tháng. Cách chơi cực kỳ đơn giản nhưng hiệu quả kích thích trí thông minh và sự kiên nhẫn của trẻ thì vô cùng tuyệt vời.

Đầu tiên, mẹ lựa chọn một số đồ vật nho nhỏ mà con biết như: thìa, chai, quả bóng, cuốn sách nhỏ, gấu bông... và đặt chúng vào một giỏ. Sau đó tại một thời điểm, cho con nhìn đồ vật mẹ muốn con tìm giúp, tiếp theo đặt món đồ lại giỏ đồ chơi sau đó yêu cầu con tìm lại món đồ đó.

Lưu ý: Nếu trẻ có biểu hiện khó chịu, cáu kỉnh thì mẹ nên kết thúc trò chơi ngay lập tức. Bởi lúc này, trẻ không còn hứng thú với game của mẹ nữa rồi.

2. Thạch 'cầu vồng'

Thạch là món ăn vặt ‘khoái khẩu’ của nhiều bé. Vì vậy, thay vì những viên thạch đơn sắc, mẹ hãy thêm chút thời gian để làm thạch 7 sắc cầu vồng cho bé.

Vừa ăn bé sẽ vừa học được bài về màu sắc, về chất liệu mềm dẻo. Ngoài ra, khi ăn, mẹ đừng quên kể cho bé nghe câu chuyện về chiếc cầu vồng đẹp lung linh sẽ xuất hiện sau mỗi cơn mưa, bé sẽ thấy hứng thú hơn mỗi khi trời mưa để được đợi cầu vồng xuất hiện.

Lưu ý: Bé rất dễ bị hóc khi ăn thạch. Bởi vậy, mẹ hãy là 'cảnh sát' của con mỗi lần ăn món này nhé!

Game kinh điển phát triển IQ cho bé - 1
Món thạch thơm ngon giúp bé nhận biết màu sắc rất tuyệt (Ảnh minh họa).

3. Vẽ bằng ngón tay

Trò chơi này dành cho các bé từ 2 tuổi trở lên, khi bé cầm bút chưa thạo mà lại thích vẽ. Chỉ mỗi việc thấy các ngón tay mình tạo ra những hình dạng đủ sắc màu trên giấy là đã đủ cho bé vui lắm rồi. Mẹ hãy dùng sự sáng tạo của mình để tưởng tượng ra những hình dáng đồ vật, con vật quen thuộc từ các hình vẽ của bé để khen thưởng bé. Việc này giúp kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo của bé cực tốt.

Lưu ý: Mẹ cần chọn màu vẽ an toàn cho con (màu có nguồn gốc thực phẩm) và lót một tấm thảm trước khi cho con chơi để tránh dây màu ra nhà.

4. Xếp hình

Trò này sẽ giúp trẻ rèn luyện năng lực nhận thức không gian, xử lí thông tin, giải quyết vấn đề.

Mẹ có thể mua các hình khối nhiều màu, đủ hình dáng, kích cỡ bằng gỗ, hay bằng nhựa... về và để trẻ chơi bằng cách xếp chồng lên, hay xếp thành các hình như sách xếp hình hướng dẫn. Đây là một trò phổ biến nhất của con trẻ vì trẻ có thể thỏa sức sáng tạo với trò chơi này.

Lưu ý: Cho trẻ chơi xếp hình từ dễ đến khó sẽ kích thích tốt nhất hứng thú và sáng tạo của chúng. Tuyệt đối không 'khởi động' bằng bộ xếp hình có độ khó cao vì dễ gây chán nản.

Game kinh điển phát triển IQ cho bé - 2
Chơi xếp hình giúp bé tăng khả năng giải quyết vấn đề (Ảnh minh họa).

5. Xé và dán giấy

Trò chơi đơn giản, hiệu quả tuyệt vời nhưng ít bậc cha mẹ thực hành với con.

Không chỉ là trò chơi tốn ít chi phí, việc xé và dán giấy thành những hình khối khác nhau còn giúp trẻ luyện đôi tay thêm khéo léo, kết hợp màu sắc thêm hài hòa mà còn giúp bé luyện trí nhớ rất tốt.

Ví dụ: Mẹ có thể cùng bé xếp hình các loại cờ của các quốc gia, xếp đến đâu gọi tên nước đến đó, bé sẽ rất nhớ cờ nào của nước nào sau khi xếp được hình cờ đấy.

6. Xâu chuỗi hạt

Với trò chơi xâu chuỗi hạt mẹ giúp bé phối hợp các nhóm cơ tay và mắt, rèn luyện tính kiên trì, khả năng nghe hiểu ngôn từ và bắt chước động tác phức tạp.

Mẹ chỉ cần chuẩn bị dây thép và các hạt nhựa (hoặc gỗ) nhiều màu sắc và có lỗ tròn ở giữa, đựng hạt trong rổ hoặc hộp. Một tay cầm hạt, một tay cầm dây thép, từ từ xâu hạt vào dây. Chú ý làm đến bước nào phải giải thích và hướng dẫn từ từ cho bé kịp hiểu. Lần lượt xâu hạt cho kín dây rồi vặn xoắn hai đầu dây giấu vào bên trong. Vậy là được một chuỗi vòng tay hoặc vòng cổ cho mẹ và bé rồi.

Lưu ý: Giám sát bé khi chơi trò này vì trẻ nhỏ rất tò mò và nghịch, chúng có thể nuốt hạt gây hóc.

7. Nhận biết về cơ thể

Đối với một đứa trẻ để hiểu rằng cơ thể của mình có hai mặt đối xứng, bên phải và bên trái là một việc hết sức gian nan và phức tạp. Mỗi đứa trẻ phát hiện ra bên nào sẽ “thuận” hơn theo thời gian, có nghĩa là, sử dụng tay nào trong cùng 1 hành động trẻ cảm thấy thoải mái hơn (tùy thuộc việc thuận tay trái hoặc tay phải). Điều này sẽ giúp trẻ trở nên nhận thức sâu sắc hơn về từng bộ phận cũng như khả năng tiềm ẩn trong cơ thể mình.

N.Bích (TH)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết dạy con thông minh