Gặp những bà mẹ “cắm chốt” chăm con trong viện ngày nắng

Ngày 12/06/2016 09:39 AM (GMT+7)

Trong những ngày miền Bắc nắng nóng đến mức nhiều người từng thốt lên “chỉ thở thôi đã mệt”, thì việc các ông bố, bà mẹ chạy đi chạy lại ở viện chăm con thật không hề đơn giản.

Chịu đựng cái nóng cháy da cháy thịt với người lớn đã là khổ, với trẻ nhỏ còn tội hơn gấp nhiều lần. Đã hàng tuần nay, khi nhiệt độ tăng cao cực điểm cũng là lúc ngày càng thêm nhiều bệnh nhân nhí nhập viện vì đủ các chứng bệnh. Tại cổng vào bệnh viện Nhi Trung ương, người và xe luôn chật kín lối đi.

Gặp những bà mẹ “cắm chốt” chăm con trong viện ngày nắng - 1

Người lớn, trẻ em đều mệt mỏi vì thời tiết quá nóng nực

Trong những ngày miền Bắc nắng nóng đến mức nhiều người từng thốt lên “chỉ thở thôi đã mệt”, thì việc các ông bố, bà mẹ chạy đi chạy lại ở viện chăm con thật không hề đơn giản, đặc biệt là những gia đình bệnh nhân ở xa về Hà Nội khám chữa.

Gặp những bà mẹ “cắm chốt” chăm con trong viện ngày nắng - 2

Người nhà bệnh nhân tranh thủ ngủ trưa ngoài hành lang bệnh viện

Gặp những bà mẹ “cắm chốt” chăm con trong viện ngày nắng - 3

Quạt giấy là một trong những mặt hàng đắt khách nhất ở cổng bệnh viện những ngày này

Gặp những bà mẹ “cắm chốt” chăm con trong viện ngày nắng - 4

Nắng nóng khiến việc đưa trẻ nhỏ đi lại khám chữa gặp rất nhiều khó khăn

Nắng nóng, con co giật liên hồi, mẹ “cắm chốt” điều trị cho con

Trong căn phòng trọ tập thể cạnh con dốc dẫn vào cổng bệnh viện Nhi Trung ương, chị Lê Thị Mây (xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đang thủ ăn trưa trong lúc con đang mê mệt ngủ. Chị đưa con trai 4 tuổi rưỡi nhập viện để điều trị bệnh não. Bữa cơm trưa hè của bà mẹ trẻ chỉ là suất cơm khô 25 ngàn đồng với vài miếng cá kho đơn giản.

Theo lời kể của chị, từ lúc mới 3 tháng tuổi đến giờ, cậu bé thường xuyên bị động kinh, co giật: “Cháu co giật nhiều lắm, trước đây cứ thay đổi thời tiết là ngày lại bị giật đến mấy chục cơn, một năm không biết mấy nghìn cơn. Tuy thế nhưng đến lúc 1 tuổi đã biết đi, biết nói như bình thường. Giờ đỡ hơn rồi, không còn giật nhiều như vậy nữa, mỗi tháng trên dưới 15 cơn thôi nhưng lại chẳng nói năng được gì”.

Chị cho biết, bệnh của cháu phải điều trị lâu dài, không phải ngày một ngày hai là khỏi nên gia đình đã xác định phải kiên trì và cố gắng. Tuy vậy, cũng không tránh khỏi những phút chán nản vì biết bệnh của con vẫn rất nặng và khó chữa, tương lai cũng rất “mù mờ”.

Gặp những bà mẹ “cắm chốt” chăm con trong viện ngày nắng - 5

Bà mẹ hai con Lê Thị Mây (30 tuổi) đã trở thành khách quen của khu nhà trọ ngay cổng bệnh viện

Giữa những ngày Hà Nội nóng như chảo lửa, chị một mình tay xách nách mang đưa con từ Tuyên Quang xuống bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Với chị, việc đưa con đi đi về về hơn trăm cây số để khám chữa đã là chuyện “cơm bữa”.

Chị kể, mỗi năm chắc chỉ có được 1, 2 tuần hai mẹ con được ở nhà trọn cả tuần mà không phải đến viện lần nào. Ở bệnh viện địa phương, các bác sĩ đã quá quen mặt chị và cháu bé, đến nỗi chị từng nợ tiền bệnh viện vài hôm khi chưa thu xếp kịp. Còn ở viện Nhi Trung ương, trong tháng 5 vừa rồi tuần nào hai mẹ con cũng phải xuống thuê trọ để khám chữa.

Chồng chị là công nhân, anh vẫn phải đi làm kiếm 4 – 5 triệu mỗi tháng để trang trải các khoản chi cho gia đình. Bố mẹ và các anh em cũng cùng cảnh làm nông nghiệp khó khăn, có những ngày túng thiếu quá anh chị phải đi vay lãi ngày lấy tiền mua thuốc cho con. Thậm chí, có thời gian chị từng phải cắm sổ đỏ lấy tiền để trả 20 triệu cho con trong đợt chiếu chụp, điều trị ở bệnh viện Việt Đức.

Gặp những bà mẹ “cắm chốt” chăm con trong viện ngày nắng - 6

Bà Nguyễn Thị Thịnh (Ân Thi, Hưng Yên) phụ cùng các con đưa cháu đi khám. Cháu lớn hơn 3 tuổi bị viêm họng chỉ sau 1 đêm nằm điều hòa, cháu bé cũng vừa viêm họng vừa tiêu chảy

Hàng tháng ròng ăn vội, ngủ tạm quanh cổng viện chờ con

Với nhiều gia đình tỉnh lẻ đưa con về Hà Nội khám chữa, việc người nhà phải thay phiên túc trực 24/24 hàng tháng trời cũng không phải chuyện hiếm gặp. Có cháu nội bị sinh non khi mới được 7 tháng, bà Lý Thị Xuân (Yên Bái) cũng thuê một chỗ trọ tập thể với giá 15 ngàn một ngày đêm để tiện trông cháu.

Theo lời kể của bà, cháu bé lúc sinh chỉ nặng hơn 900g, hiện đang được nuôi trong lồng kính. Suốt cả tháng nay, ông bà nội ngoại của bé thay phiên nhau xuống Hà Nội để chăm cháu. Hàng ngày, cứ khoảng 11 – 12h trưa các bác sĩ lại gọi bà vào thông báo tình hình và tư vấn.

Ngoài khoảng thời gian đó, bà Xuân cũng chỉ quanh quẩn trong khu trọ cho hết ngày, nửa vì ngại trời nắng nóng, nửa vì nghĩ ngợi, lo cho cháu nên cũng không muốn đi đâu. Tìm được nhà trọ giá rẻ và có sẵn đồ bếp, bà thường tự nấu ăn hàng ngày cho tiết kiệm và sạch sẽ.

Dù chưa biết chính xác là bao lâu, nhưng bà cùng mọi người trong nhà cũng xác định sẽ phải tiếp tục ở trọ như vậy dài ngày để chờ đến lúc cháu cứng cáp hơn.

Giường bên cạnh, vợ chồng chị Hương (Chí Linh, Hải Dương) cũng đang thuê trọ đợi khám bệnh tim cho con gái 7 tháng tuổi. Tạm thời chưa phải ở viện dài ngày, nhưng anh chị cũng phải đi lại nhiều lần theo lịch hẹn khám chữa. Hiện tại, bé gái vẫn đang được các bác sĩ theo dõi và chờ sắp xếp lịch phẫu thuật tùy theo tình hình sức khỏe của bé.  

Gặp những bà mẹ “cắm chốt” chăm con trong viện ngày nắng - 7

Chị Hương chỉ mong sớm hoàn thành các thủ tục và con có đủ điều kiện sức khỏe để được phẫu thuật cho sớm

Gặp những bà mẹ “cắm chốt” chăm con trong viện ngày nắng - 8

Các bé được bố mẹ đưa đi ăn trưa, ngủ trưa tránh nắng dưới tán cây râm mát

Gặp những bà mẹ “cắm chốt” chăm con trong viện ngày nắng - 9

Thời điểm hơn 11h trưa, nắng càng thêm gay gắt

Gặp những bà mẹ “cắm chốt” chăm con trong viện ngày nắng - 10

Cả người nhà và bệnh nhân đều khá khó chịu với thời tiết nắng nóng, oi bức

Gặp những bà mẹ “cắm chốt” chăm con trong viện ngày nắng - 11

Sau khi sốt cao những ngày đầu đợt nắng, bé gái 6 tháng tuổi được bố mẹ cho đi tránh nóng ở những siêu thị mát mẻ

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Mạnh Hùng - Trưởng phòng Truyền thông Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Trong thời gian này, bệnh viện cũng đã có nhiều biện pháp khắc phục như:
- Triển khai 3 phòng khám làm việc từ 6h sáng để bệnh nhân được khám sớm tránh nắng.
- Bổ sung thêm quạt, nước uống cho bệnh nhân và người nhà.
- Dự kiến thời gian tới sẽ chuyển khoa Khám bệnh vào khu nhà 16 tầng với điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, xây nhà trọ cho người nhà bệnh nhi, tăng cường nhân lực khám, tiếp đón và hướng dẫn; duy trì thường xuyên hoạt động "tiếp sức người bệnh" để cải tiến chất lượng phục vụ...
"

Hoài Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Gia đình và Xã Hội