Gia tăng bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu vào viện điều trị

Ngày 17/01/2017 22:10 PM (GMT+7)

Thời tiết bắt đầu chuyển mùa cũng là lúc các dịch bệnh truyền nhiễm do virus như: Bệnh sởi, bệnh thủy đậu... bùng phát. Tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã xuất hiện các ổ dịch bệnh thủy đậu...

Ghi nhận của PV tại khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương, tại đây tiếp nhận rải rác bệnh nhân đến khám, điều trị. Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi (BV Bạch Mai) thời gian qua đều ghi nhận bệnh nhân thủy đậu tới khám.

Chị Nguyễn Thị Vân ( Ứng Hòa, Hà Nội) có con 6 tuổi bị thủy đậu đang khám điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương bày tỏ: “Cách đây 1 tuần bé vẫn chơi đùa bình thường có sốt nhẹ và sổ mũi... nhưng tôi nghĩ đó là những triệu chứng cảm cúm thông thường nên chủ quan không cho con đi khám. Sau đó, thấy xuất hiện một vài nốt đỏ ở đầu rồi chúng lan rất nhanh khắp cơ thể. Lúc này, bé sốt cao liên tục, kêu khóc nhiều. Khi đưa đến khám tại BV Nhi Trung ương, các bác sĩ kết luận cháu bị thủy đậu”.

Khi PV hỏi chị có tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh thủy đậu cho con không? Chị Vân thông tin: “Bé được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin theo quy định...”.

Gia tăng bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu vào viện điều trị - 1

Một trường hợp bệnh nhi bị mắc bệnh thủy đậu.

Chị Lê Thị Bình có con đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai bộc bạch: “Bé nhà tôi học lớp 2, vào nhập viện được 3 ngày. Lúc đầu ở nhà, cháu kêu người mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi... Tôi nghĩ bé cảm cúm thông thường. Đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bị thủy đậu”.

Bác sĩ Nguyễn Hải Sáu - BV Da liễu Trung Ương cho biết: Tại khoa khám bệnh theo yêu cầu mỗi ngày tiếp nhận 2 đến 4 trường hợp khám điều trị thủy đậu. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp này đều được tư vấn mua thuốc về điều trị tại nhà. Cũng có những trường hợp người lớn bị mắc thủy đậu đến khám điều trị.

Gia tăng bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu vào viện điều trị - 2

Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu duy nhất để phòng ngừa dịch bệnh.

Cùng thời điểm này, Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hồ Chí Minh cho biết vừa ghi nhận thêm một ổ dịch thủy đậu tại một cao ốc ở quận Tân Bình với 5 người mắc. Điều đáng nói, số ca mắc bệnh thủy đậu có dấu hiệu gia tăng kể cả những trường hợp trẻ đã tiêm phòng vắc-xin khiến cho người dân lo lắng về khả năng kháng vắc-xin?

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế), trước hết, cần phải đưa trẻ đi khám để xác định xem trẻ có đúng là mắc bệnh thủy đậu không, hay do chẩn đoán nhầm. TS. Phu cho biết: Khi tiêm vắc-xin phòng thủy đậu, hiệu lực cao cũng chỉ 90%, còn 10% là không miễn dịch với vắc-xin. Có thể trẻ được tiêm phòng mà vẫn bị thủy đậu là nằm trong số 10% này. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày.

Vi Hậu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Gia đình và Xã Hội