Giáo dục sớm “mê hoặc” cha mẹ Việt hiện đại (Kỳ 1)

Ngày 25/03/2015 11:17 AM (GMT+7)

Thời nay không ít ông bố, bà mẹ trẻ sẵn sàng chi ngàn đô rèn con thành tài từ 0 tuổi.

Chỉ một phép thử với cụm từ “phương pháp giáo dục sớm” trên trang tìm kiếm google hiện nay đã cho ra gần 1 triệu kết quả. Những bài viết chia sẻ cách dạy con từ khi còn là một bào thai, những tấm gương các bà mẹ đã thành công cùng những đứa con sơ sinh thông minh trước tuổi xuất hiện ngày càng nhiều trên các diễn đàn, hội nhóm dành cho phụ huynh trẻ. Hàng loạt những công ty giáo dục đã mở ra các khoá học, bán những dụng cụ, học liệu với mức giá không hề rẻ để dạy cha mẹ cách khai thác tiềm năng con trẻ.

Từ một phương pháp giáo dục sớm ban đầu, ngày nay đã có đến hàng chục phương pháp của Mỹ, Nhật, Do Thái..được giới thiệu, đủ sức khiến các bậc cha mẹ “hoa mắt chóng mặt” khi mới chớm có ý định “chạm ngõ” giáo dục sớm.

Có thể nói, mong muốn nuôi dạy con theo khoa học để trẻ thành tài ngay từ tấm bé là nguyên nhân giúp giáo dục sớm đang trở thành xu hướng bùng nổ ở Việt Nam. Không ít các ông bố, bà mẹ trẻ sẵn sàng chi ngàn đô rèn con thành tài từ 0 tuổi.

Nguồn gốc Giáo dục sớm ở Việt Nam

Các bà mẹ Việt bắt đầu biết đến khái niệm Giáo dục sớm từ cuốn sách nổi tiếng năm 2008 “Đưa con trở lại thiên đường” – tái hiện hành trình gian khổ của người mẹ đã mất gần 10 năm trời đi khắp nơi học hỏi, nỗ lực đưa đứa con trai  bị mắc chứng tự kỷ nặng trở lại cuộc sống bình thường. Người mẹ đó chính là chị Lê Thị Phương Nga – hiện đang sống tại TPHCM.

Sau khi câu chuyện đầy cảm hứng của bà mẹ nuôi con tự kỷ Lê Thị Phương Nga được nhiều người biết tới, phương pháp giáo dục mà chị đã dùng để nuôi dạy bé Cún - đứa con trai yêu quí bị bệnh tự kỷ - cũng trở thành chủ đề được rất nhiều cha mẹ trẻ quan tâm. Khái niệm Giáo dục sớm cũng đã bắt đầu nhen nhóm xuất hiện từ khi đó.

Giáo dục sớm “mê hoặc” cha mẹ Việt hiện đại (Kỳ 1) - 1
Chị Lê Thị Phương Nga

Giáo dục sớm “mê hoặc” cha mẹ Việt hiện đại (Kỳ 1) - 2
Nội dung của cuốn sách "Đưa con trở lại thiên đường" lần đầu tiên giúp các bà mẹ Việt biết đến khái niệm Giáo dục sớm

Các phương pháp giáo dục sớm phổ biến ở Việt Nam hiện nay

Sức lan toả của giáo dục sớm ngày càng rộng rãi nhờ vào sự giúp sức của internet và các công ty chuyên tổ chức khoá học đào tạo giáo dục sớm ở Việt Nam. Và đương nhiên, phương pháp giáo dục sớm của bác sỹ Glenn Doman – phương pháp chị Phương Nga từng lặn lội sang tận Mỹ để học cách điều trị cho con trai mắc chứng tự kỷ - là phương pháp trở nên nổi tiếng đầu tiên ở Việt Nam khi nhắc đến Giáo dục sớm.

Giáo dục sớm “mê hoặc” cha mẹ Việt hiện đại (Kỳ 1) - 3
Mong muốn nuôi dạy con theo khoa học để trẻ thành tài ngay từ tấm bé là nguyên nhân giúp giáo dục sớm bùng nổ ở Việt Nam.

Sau này, các tài liệu về Giáo dục sớm bắt đầu được các nhà xuất bản đề ý và biên tập, từ đó, phụ huynh được tiếp cận với rất nhiều phương pháp giáo dục sớm khác nhau có thể kể tên như:

Phương pháp Giáo dục sớm “Phương án 0 tuổi” của giáo sư Phùng Đức Toàn (Feng De Quan) – phương pháp giáo dục sớm nổi tiếng nhất và đang “làm mưa làm gió” trong cộng đồng các bậc cha mẹ ở Trung Quốc hiện đại ngày nay

Phương pháp Giáo dục sớm Montessori - một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870–1952)

Phương pháp Giáo dục sớm của người Do Thái – phương pháp giáo dục tập trung vào việc “phát huy tổ chất triệu phú của mỗi đứa trẻ”, do chuyên gia giáo dục Lại Thị Hải Lý là người đầu tiên khởi xướng của Việt Nam

Phương pháp giáo dục sớm Shichida – phương pháp giáo dục do  nhà giáo dục nổi tiếng người Nhật Bản Shichida Makoto khởi xướng.

Ngoài ra, còn rất nhiều cuốn sách thể hiện tư tưởng giáo dục sớm của các tác giả Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ…cũng góp phần làm phong phú cho Giáo dục sớm ở Việt Nam như cuốn Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn của tác giả Ibuka Masaru, cuốn Em phải đến Havard học kinh tế của tác giả Lưu Vệ Hoa, cuốn Vô cùng tàn nhẫn Vô cùng yêu thương của tác giả Sara Imas…

Giáo dục sớm “mê hoặc” cha mẹ Việt hiện đại (Kỳ 1) - 4
Những kiểu thẻ học này đã trở nên phổ biến khi nghĩ đến giáo dục sớm cho trẻ ở Việt Nam

Phần 2: Những lầm tưởng về giáo dục sớm và ý kiến của những cha mẹ đã áp dụng Giáo dục sớm cho con - mời độc giả đón đọc vào thứ năm 26/3 trên Làm mẹ, eva.vn

Ngọc Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con