Học mẹ khéo chiêu dạy con ăn vạ chẳng cần quát mắng

Ngày 05/06/2016 14:24 PM (GMT+7)

"Nếu chúng ta dùng vũ lực, con cũng học cách dùng nắm đấm. Nếu chúng ta hò hét, con bắt chước gắt gỏng."

Khi cha mẹ lớn tiếng với con cái, điều đó chỉ dạy cho bọn trẻ cách phản ứng tương tự khi giận dữ mà thôi. “Nếu chúng ta dùng vũ lực, con cũng học cách dùng nắm đấm. Nếu chúng ta hò hét, con bắt chước gắt gỏng. Nếu chúng ta bình tĩnh, con học cách làm thế nào để kiềm chế khi nóng giận.”

Bởi thế, thay vì giải quyết vấn đề một cách ầm ĩ, dưới đây là các tình huống phổ biến mà cha mẹ mất kiểm soát và những lời khuyên hữu ích cho từng trường hợp:

Tình huống 1:

Con gái nằng nặc đòi ăn bánh quy cho bữa sáng, trong đầu bé có thể nghĩ rằng : “Nếu mình khóc và gào thét, mẹ sẽ nhượng bộ”. Nhưng đòi hỏi của con ngày một cao hơn, đến một mức nào đó mẹ không chịu đựng được nữa , và kết cục : con bị ăn mắng.

Tại sao lại thế? Khi con cái không nghe lời, cha mẹ cảm thấy mình bất lực trước bọn trẻ. La hét, quát mắng như là một cách để cha mẹ lấy lại uy quyền trước mặt chúng.

Giải quyết bằng cách nào? Đừng xem đây như một trận đấu giữa cha mẹ và các con, khi đó, thắng hay thua không còn là vấn đề. Mẹ hãy khéo léo tìm ra những lí do, để con vừa phải nghe theo, vừa cảm thấy không bị ép buộc. Chẳng hạn, thay vì không cho con ăn bánh như bé muốn, hãy nói rằng: “ Nhà mình hết bánh rồi, con có muốn ăn sữa chua hay ngũ cốc không?” Điều này khiến bé cảm thấy như mình có thể kiểm soát tình hình, và căng thẳng tự nhiên sẽ biến mất.

Học mẹ khéo chiêu dạy con ăn vạ chẳng cần quát mắng - 1

 “Nếu chúng ta dùng vũ lực, con cũng học cách dùng nắm đấm. Nếu chúng ta hò hét, con bắt chước gắt gỏng. Nếu chúng ta bình tĩnh, con học cách làm thế nào để kiềm chế khi nóng giận.” (Ảnh minh họa)

Tình huống 2

Mẹ vất vả nhất mỗi lần giục bé đi học. Bạn có thể cuống quýt nào là mặc quần áo cho con, nào là đi giày, nào là sắp sách vở, đồ ăn,.. nhưng con thì vẫn ung dung tự tại, thậm chí còn chơi trò trốn tìm khi bạn đã chuẩn bị xong xuôi. Ai mà không cáu gắt những lúc như thế này chứ?

Tại sao lại thế? Dễ hiểu khi mẹ đang vội vàng, làm đủ thứ để kịp giờ mà con lại còn đùa nghịch. Bọn trẻ không có khái niệm hậu quả cho việc trễ giờ, nhưng người lớn thì có. Cũng giống như việc con cái không có gì phải lo nghĩ, nhưng người lớn thì có quá nhiều và điều này tạo nên áp lực rất lớn.

Giải quyết bằng cách nào? Thay vì quát mắng con mà vẫn phải ôm đồm hết mọi thứ, mẹ hãy tạo ra việc cho con làm, ít nhất là bằng việc tự mặc quần áo. Hãy đưa ra những lời yêu cầu có thời hạn, kiểu như: “ Mẹ muốn con mặc xong quần áo trong 10 phút nữa.” Sau 10 phút, khi bạn đã sẵn sàng, đưa bé đi học không cần biết con đang mặc gì trên người. Chỉ cần 1 lần đến trường với quần áo ngủ, con sẽ biết cách làm việc đúng giờ ngay.

Tình huống 3:

Bạn đang lái xe, 2 đứa trẻ của bạn đánh nhau chí chóe trên ô tô, và mẹ không thể làm gì khác ngoài việc mắng cả 2 đứa?

Tại sao lại thế? Trong một số trường hợp bất khả kháng như thế này, mẹ không thể tham gia vào khuyên giải bọn trẻ, vì sẽ làm mất tập trung và có thể gây nguy hiểm. Bởi thế, la hét như là một biện pháp duy nhất để bọn trẻ dừng đánh nhau.

Giải quyết bằng cách nào? Hãy dừng xe lại, thể hiện sự buồn rầu hoặc thất vọng về hành động của các bé, và nói cho chúng biết rằng nếu chúng không thôi chí chóe, mẹ sẽ không thể tiếp tục lái xe. Đây là cách để mẹ không phải đứng về phía nào, mà các con phải tự hòa giải. Không chỉ trường hợp này, mở rộng ra, con sẽ học được cách tự giải quyết vấn đề của mình mà không cần sự can thiệp của người khác.

Thu Hiền (parents)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con vâng lời