Làm gì để chặn bi kịch cho con khi có thêm em bé?

Ngày 06/10/2015 15:31 PM (GMT+7)

Một câu nói đùa tưởng chừng vô hại “Mẹ cháu có con trai rồi, giờ không cần cháu nữa!” đã cướp đi mạng sống non nớt của một bé trai mới 2 tháng tuổi ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Câu chuyện đang gây rúng động cộng đồng mạng vì sự thương tâm của nó. Và vì câu chuyện ấy giống như những gì chúng ta thường hàng ngày.

Làm gì để chặn bi kịch cho con khi có thêm em bé? - 1

Bé gái 8 tuổi gây cái chết đau lòng cho em trai vì hiểu lầm lời nói đùa. Ảnh: Zhierwang

Những câu nói đùa tương tự: "Con không phải mẹ sinh ra, mẹ xin về", "Em mới là con của mẹ", "Mẹ mày yêu em hơn, mày sẽ bị cho ra rìa!"... Những câu nói tưởng chừng vô hại, được thốt ra từ ông, bà, hàng xóm, giúp việc, họ hàng, hoặc từ chính cha mẹ đang "giết chết" những điều nhỏ bé từ tiềm thức của con trẻ mà đôi khi người lớn thốt ra một cách vô thức.

Đối với trẻ nhỏ, nhìn thấy bụng mẹ ngày càng to lên, ban đầu không ít trẻ ngạc nhiên, thích thú. Nhưng đến khi thấy bố mẹ ngày đêm mong ngóng em bé ra đời, rồi mua hết đồ này đồ kia cho em bé, trẻ bắt đầu ghen tị. Và chúng càng buồn hơn khi nhiều người lớn vô tình trêu chọc: "Mẹ sắp sinh em bé, cu Bin/ cái Bống sắp bị "ra rìa" nhé!". Sợ bị mất vị trí độc tôn trong gia đình, sợ cha mẹ không yêu mình nữa và lo lắng rồi cả ông bà, họ hàng... mọi người đều chỉ yêu em bé mới, không quan tâm đến mình, trẻ bỗng thấy em bé thật đáng ghét.

Ngay từ khi em bé còn trong bụng mẹ, trẻ đã dễ dàng nhận ra các nguy cơ bị "ra rìa" như: Không được ngủ cùng mẹ, không được mẹ bế nữa, không được đi chơi nhiều như trước, không được mẹ tắm và buồn nhất là không được "sờ ti" nữa... từng ấy điều càng làm cho trẻ củng cố niềm tin: em bé là kẻ sẽ chiếm mất "ngôi vị" của mình trong gia đình.

Vì thế với trẻ nhỏ, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con trước khi em của bé chào đời. Hãy nói với trẻ về em bé trong bụng, kể cho bé nghe về một "em bé mới" sẽ ra đời để cùng yêu thương em....

Sẽ có rất nhiều trẻ băn khoăn hỏi mẹ: Có em bé, mẹ có yêu con nữa không? Vì sao nhà mình lại có thêm em bé? Bố mẹ có con còn chưa đủ ạ? Trước những câu hỏi hóc búa này, bạn nên giải thích một cách nhẹ nhàng như: "Có em bé, mẹ vẫn yêu em chứ. Mẹ yêu cả hai con vì hai con là những thiên thần của cha mẹ mà". Hoặc: "Mẹ yêu con lắm nên mới sinh em bé để cùng chơi với con cho đỡ buồn khi mẹ vắng nhà...."

Khi mẹ tới bệnh viện sinh em bé, người cha nên đưa trẻ vào viện thăm mẹ và em để được cảm nhận tình yêu thương trong gia đình.

Đối với nhiều trẻ lớn, khi đứa trẻ đang là trung tâm của cả gia đình, khi có em bé mới mà thiếu đi sự yêu thương, quan tâm thì tự nhiên nó sẽ cảm thấy hụt hẫng, bị bỏ rơi. Đang từ một trẻ rất ngoan, dễ ăn dễ ngủ, con bạn trở nên khó bảo, ương bướng, không chịu nghe lời và quậy phá. Nếu bố mẹ không biết cân bằng, xử lý, hoặc hay đem bé lớn so với bé nhỏ thì dễ khiến trẻ chuyển sự ganh ghét sang em nhỏ.

Vì thế, trước tiên cần lôi kéo sự tham gia của trẻ vào công việc chăm em nhỏ để nó thấy mình có ích, không bị bỏ rơi. Ví như trong quá trình mang thai, các bà mẹ cũng hãy nhẹ nhàng nói bóng gió về chuyện trẻ sắp có em, tạo ra dây liên hệ giữa bé lớn với em sắp chào đời. Quan sát sự phản ứng của trẻ và dạy dỗ kịp thời. Cố gắng gợi về những trách nhiệm, niềm vui với thiên chức sắp được làm anh/chị của trẻ. Lúc em bé sinh ra hãy khuyến khích sự tham gia của trẻ vào công việc chăm em.

Đôi khi có những đứa trẻ rất thích sờ em bé, nựng em nhưng bố mẹ luôn sợ sẽ làm đau em. Các mẹ hãy nhẹ nhàng lấy tay bé lớn vuốt ve bé nhỏ. Làm như thế nhiều lần bé sẽ quen và gần gũi em hơn.

Cha mẹ phải nhận thấy rằng đứa lớn có quyền nghĩ không ai được san sẻ tình yêu của bố mẹ với nó. Vậy nên lúc mẹ chăm đứa nhỏ thì bố hãy chăm đứa lớn. Tuyệt đối không được so sánh bé lớn với bé nhỏ.

Điều cấm kỵ nhất với cha mẹ chính là so sánh trẻ với anh chị em trong gia đình. Cha mẹ không nên nói những câu như: “Tại sao con không học hành đàng hoàng như anh của con?”, “Tại sao chị của con ngoan ngoãn, mà con lại hư đốn như thế?”, “Tại sao em của con làm được mà con thì không?”… khiến trẻ gia tăng sự hằn học với anh chị em của mình.

Cha mẹ nên thường xuyên nhắc nhở con cái rằng mình là một gia đình và các con là anh chị em ruột với nhau. Cha mẹ có thể là cầu nối để giải tỏa những hiểu lầm của trẻ với nhau. Cha mẹ nên yêu cầu các anh chị em của trẻ không chê bai, nhạo báng khi bé bị phạt, giải thích rõ là ai cũng có thể có lúc phạm sai lầm, phải thông cảm và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Trong những công việc chung của gia đình, cha mẹ có thể phân công trẻ cùng nhau làm việc để tăng cường sự hợp tác với nhau.

Phương Nghi (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé