Lòng mẹ nặng trĩu chăm con nơi 'tâm sởi'

Ngày 16/04/2014 13:00 PM (GMT+7)

Ánh mắt lo âu và thấp thỏm đang hằn trên gương mặt của những bà mẹ đang cùng con vượt qua bệnh sởi.

Bùng phát đã được hơn 3 tháng, dịch sởi ở trẻ nhỏ vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Có mặt tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung Ương) sáng 16/4, không khí làm việc tại đây của các y, bác sĩ hết sức khẩn trương. Nhiều trẻ em vẫn đang chiến đấu với bệnh sởi. Ánh mắt lo âu, tâm trạng mệt mỏi, đôi mắt trũng sâu của nhiều phụ huynh thức trắng đêm chăm sóc con khiến nhiều người không khỏi xót xa. Không ai dám rời con một phút, thậm chí ngồi cả ngày bên con. Mỗi tiếng cựa mình của các bé làm cho tâm can của phụ huynh dường như thắt lại.

Lòng mẹ nặng trĩu chăm con nơi tâm sởi - 1

Hành lang khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung Ương)

Đứng hàng giờ đồng hồ bên giường chỉ để nhìn con, chị Lê Thị Thủy (TP Hòa Bình – Tỉnh Hòa Bình) không cầm được nước mắt khi chúng tôi hỏi về tình hình sức khỏe của con trai. Từ khi bé sinh ra, chị Thủy đã quen với những lần đi bệnh viện. Tuy nhiên, lần đồng hành cùng con vượt qua bệnh sởi này, khiến chị lao tâm khổ tứ nhiều nhất.

Lòng mẹ nặng trĩu chăm con nơi tâm sởi - 2

Chị Thủy không giấu được nước mắt khi được hỏi về tình hình của con trai

Đến nay con trai đã được gần 8 tháng nhưng bị viêm phổi liên tục. Hai vợ chồng thay nhau chăm con, vợ bên con thì chồng túc trực bên ngoài sảnh, không dám chợp mắt dù chỉ 10 phút.

Những lần viêm phổi liên tục trước đây chưa kịp lấy lại sức thì nay chứng kiến đứa con bé nhỏ đang vật lộn với những vết ban đỏ trên người, tâm trí của người mẹ không còn suy nghĩ gì ngoài mong muốn con sớm khỏe lại. Quệt vội dòng nước mắt đang lăn dài, chị vỗ về con mà lòng nặng trĩu.

Lòng mẹ nặng trĩu chăm con nơi tâm sởi - 3
Con trai chị Thủy mê man vì khó thở

Tính đến ngày 16/4, con trai chị Thủy đã điều trị sởi ở bệnh viện Nhi Trung Ương 3 ngày. Tuy nhiên, theo lời chị Thủy, tiên lượng của bác sĩ về tình hình của bé là khá nặng, ban đêm khó ngủ và chỉ ăn được qua đường xông.

“Sau khi trải qua đợt điều trị viêm phổi 29 ngày, vừa về nhà được 2 ngày thì bé bắt đầu sốt và mọc ban đỏ. Đưa con lên bệnh viện tỉnh khám thì được chẩn đoán bị sởi, sau đó cháu được bác sĩ chuyển lên bệnh viện Nhi Trung Ương. Hiện tại, bé vẫn khó thở, suy hô hấp do sởi vào phổi”, chị Thủy cho biết.

Lòng mẹ nặng trĩu chăm con nơi tâm sởi - 4
Một em bé 8 tháng tuổi nằm mê mệt trên giường bệnh do sởi

Trường hợp bị sởi của con trai chị Nguyễn Thị Nguyệt (Ứng Hòa – Hà Nội) cũng được tiên lượng khá nặng. Điều đáng nói là bé vốn dĩ đã bị tim bẩm sinh nên tình trạng khó thở đáng lo ngại hơn. Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng có nói nhiều về dịch sởi nhưng bản thân chị Nguyệt thừa nhận không để ý vì không thường xuyên theo dõi tivi.

Lòng mẹ nặng trĩu chăm con nơi tâm sởi - 5
Nhiều bà mẹ không dám rời con nửa bước vì lo lắng tình hình diễn biến của bệnh.

Ba ngày đầu bé sốt cao 38-39 độ C, chị Nguyệt tưởng chỉ là cảm cúm thông thường của trẻ con. Đến khi thấy bắt đầu mọc ban đỏ trên đầu, gia đình mới tá hỏa đưa đi khám bác sĩ thì được chẩn đoán nhiễm sởi.

Lòng mẹ nặng trĩu chăm con nơi tâm sởi - 6
Bên cạnh các bé bị sởi tấn công vào phổi thì có những trường hợp đang tiến triển tốt

Nhìn con trai mới 7 tháng đang phải chống chọi với bệnh sởi, chị Nguyệt cũng không giấu được vẻ mặt âu lo. Đôi mắt trũng sâu vì không thể chợp mắt mỗi tối. “Vì cháu vừa bị sởi vào phổi, bị tim bẩm sinh nên khó thở. Mỗi ngày cháu chỉ ăn được khoảng 30ml sữa”, chị Nguyệt chia sẻ.

Lòng mẹ nặng trĩu chăm con nơi tâm sởi - 7

Chị Nguyệt không giấu được lo lắng khi nghĩ về sức khỏe của con

Tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với BV Nhi Trung ương chiều ngày 15/4, vị Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu xác nhận đã có 108 trẻ tử vong do sởi và các bệnh biến chứng sau sởi.

Ông Phu cho biết, trong số 108 trẻ tử vong do sởi và các bệnh biến chứng sau sởi này có 103 ca tại BV Nhi Trung ương, 4 ca tại BV Bạch Mai và 1 ca tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Tại buổi làm việc với BV Nhi Trung ương, chiều ngày 15/4, phía BV Nhi Trung ương cho biết trong số 103 trẻ tử vong ở cơ sở này có 25 trẻ được xác định là tử vong do sởi, 78 trẻ nặng, xin về và tử vong là do mắc sởi kết hợp với mắc các bệnh nền khác như viêm phổi, viêm đường hô hấp, tim mạch, suy dinh dưỡng …

PGS.TS Phạm Nhật An, Phó giám đốc, BV Nhi Trung ương cho biết, tính từ tháng 12/2013 đến nay, BV Nhi Trung ương đã điều trị cho khoảng 1.250 trường hợp mắc sởi, trong đó có 103 ca tử vong do sởi và các bệnh biến chứng sau sởi.

Tại BV có tỉ lệ rất nhiều cháu bé bị lây sởi hoặc các bệnh khác trong quá trình điều trị vì bị nhiễm chéo do quá tải, nằm ghép. Có bệnh nhân mắc tiêu chảy do Rotavirus, sau khi chữa khỏi tiêu chảy được vài hôm thì phải nhập viện trở lại do mắc sởi. Có cháu vào Khoa Hô hấp sau 6 ngày điều trị khỏi bệnh hô hấp đã phải quay lại viện vì mắc sởi. 

PGS.TS An cảnh báo, sởi lây mạnh nhất ở thời điểm ủ bệnh nên bệnh nhi có thể lây bệnh ngay từ phòng khám. Bệnh sởi tuyến dưới vẫn có thể điều trị tốt. Do đó, PGS.TS An khuyên cha mẹ trong thời điểm hiện tại không nên đưa trẻ đến chỗ quá tải, đông người vì rất dễ lây nhiễm chéo.

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch sởi bùng phát