Những bệnh nguy hiểm trẻ có thể gặp khi thời tiết chuyển lạnh

Ngày 18/10/2016 09:57 AM (GMT+7)

Thời tiết chuyển lạnh làm cho độ ẩm trong không khí hạ xuống thấp. Đây chính là điều kiện lý tưởng cho các mầm bệnh sinh sôi và tấn công trẻ nhỏ.

Vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mùa Thu - Đông”, Tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cảnh báo, thời tiết giao mùa có thể bùng phát nhiều dịch bệnh, nếu chủ quan, nhiều dịch bệnh có thể gây tử vong. Chúng ta không nên chủ quan với bất kỳ căn bệnh nào khi thời tiết giao mùa dễ bùng phát nhiều dịch bệnh. Kể cả bệnh cúm thường (H1N1) cũng rất nguy hiểm và dễ gây tử vong. Hiện, bệnh cúm mùa đang gia tăng ở một số tỉnh, bởi vậy chúng ta phải có biện pháp phòng chống bệnh kịp thời.

Thậm chí có những bệnh tưởng chừng chúng ta đã thanh toán được như sởi, bạch hầu, nhưng gần đây lại xuất hiện một số ổ dịch, bởi vậy nếu chủ quan là bệnh bùng phát.

Những bệnh nguy hiểm trẻ có thể gặp khi thời tiết chuyển lạnh - 1

Vào mùa lạnh, trẻ em là nhóm đối tượng rất dễ bị nhiễm bệnh vì sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, lại thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên khả năng chống chọi với bệnh tật của trẻ thật sự chưa hiệu quả.

Một số bệnh điển hình nhiều trẻ mắc khi thời tiết chuyển lạnh thường là sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa…

Bệnh sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 72.300 trường hợp bị sốt xuất huyết tại 52 tỉnh thành. Số mắc tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số mắc tăng cao tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Tại Hà Nội, tính từ đầu năm đến tháng 9, thành phố ghi nhận 1.223 trường hợp sốt xuất huyết nhưng không có tử vong, giảm 51%.

Theo các chuyên gia, đây là bệnh nguy hiểm do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể bùng phát thành dịch nếu không được xử lý kịp thời.

Bệnh nhân sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39- 40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt, kèm theo đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban... Do đó, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Những bệnh nguy hiểm trẻ có thể gặp khi thời tiết chuyển lạnh - 2

Bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng (TCM) là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi các virus khác nhau. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, bệnh bùng phát nhất vào giai đoạn chuyển mùa. Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã ghi nhận 27.224 ca mắc tại 62 tỉnh, thành, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có các biểu hiện như: Loét miệng, ban đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân. Một số triệu chứng cảnh báo sớm khác có thể xuất hiện kèm theo bao gồm: Sốt cao, chán ăn, ho, đau bụng, đau họng, gây nôn (nhất là nếu do chủng enterovirus 71 gây ra)... Những triệu chứng sớm này có thể kéo dài 12-48 giờ.

Hiện nay, chưa có vaccine cho bệnh TCM, vì vậy, cha mẹ cần hết sức phòng ngừa bệnh cho con.

Bệnh cúm mùa

Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính xuất hiện quanh năm và nhiều hơn khi thời tiết chuyển sang giao mùa đông-xuân. Bệnh cúm mùa do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C gây ra. Bệnh có thể lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng.

Đặc trưng của cúm mùa là khởi phát đột ngột với sốt cao, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và đau khớp, khó chịu, đau họng và chảy nước mũi. Cúm mùa lây lan rất nhanh và dễ dàng vì khi một người bị cúm ho các hạt nhỏ bị nhiễm bắn vào không khí và người khác hít chúng vào và trở nên phơi nhiễm. Cúm mùa xảy ra trên toàn cầu với tỷ lệ tấn công hàng năm ước tính khoảng 5-10% ở người lớn và 20-30% ở trẻ em. Còn ở Việt Nam cùm mùa chủ yếu A(H3N2) chiếm 44,4%, cúm B chiếm 43,4%, cúm A(H1N1) 12,2%.

Những bệnh nguy hiểm trẻ có thể gặp khi thời tiết chuyển lạnh - 3

Bệnh tiêu chảy

Theo thống kê của WHO thì có sự khác biệt theo mùa ở nhiều vùng khác nhau. Ở những vùng ôn đới, tiêu chảy do vi khuẩn thường xảy ra vào mùa nóng; ngược lại, tiêu chảy do virus, đặc biệt là Rotavirus lại xảy ra cao điểm vào mùa đông. Trẻ dưới 5 tuổi là nhóm đối tượng thường hay mắc bệnh này nhất.

Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ tiêu chảy kéo dài: Số lần đi ngoài khi giảm, khi tăng; Phân lỏng, lúc đặc, lổn nhổn, có mùi chua, khẳm, màu vàng hoặc xanh, có bọt, nhầy khi không dung nạp đường; Phân có thể nhầy hồng hoặc có máu, khi đi đại tiện phải rặn, khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài sau lỵ; Trẻ biếng ăn, khó tiêu, ăn thức ăn lạ dễ bị tiêu chảy trở lại...

Những bệnh nguy hiểm trẻ có thể gặp khi thời tiết chuyển lạnh - 4

Phòng ngừa bệnh khi thời tiết chuyển lạnh

Để phòng tránh bệnh cho trẻ khi thời tiết chuyển lạnh, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

- Luôn giữ ấm cho trẻ, mặc áo ấm, đi tất, đi giày dép, đội mũ, quàng khăn giữ ấm vùng họng, cổ, không cho trẻ ngủ nơi gió lùa.

- Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả có chứa khoáng chất Selenium,vitamin C… để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

- Giữ vệ sinh cho trẻ, dạy trẻ phải rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tránh để trẻ tiếp xúc với những trẻ có biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng và không đến những nơi có mầm bệnh. Nếu trẻ bị bệnh lây nhiễm như tay chân miệng thì cần cách ly để bệnh không lây lan ra cộng đồng.

- Giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng đãng. Làm sạch môi trường xung quanh, bao gồm cả đồ chơi, nhà cửa.

Theo PV
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ nhỏ và bệnh thường gặp