Nỗi ám ảnh của người điều dưỡng sau bão sởi

Ngày 14/05/2014 09:28 AM (GMT+7)

Hơn ba mươi năm làm việc tại bệnh viện, chứng kiến bao nhiêu dịch bệnh xảy ra nhưng chưa một đợt dịch nào lại làm cho điều dưỡng Đặng Thị Dung nhiều ám ảnh đến thế.

Điều dưỡng Đặng Thị Dung (Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương) chỉ còn 2 năm nữa là nghỉ hưu.

Những kỷ niệm không quên

Đến hôm nay, khi đặt chân đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, người ta không thể hình dung chỉ trước đó hơn 1 tháng, nơi đây la liệt các bệnh nhi và người nhà. Các bác sĩ đã phải nhường cả phòng làm việc cho bệnh nhi. Giờ các phòng đã không còn nhiều bệnh nhi như trước, mỗi cháu đã có một giường, không phải nằm chung.

Điều dưỡng Đặng Thị Dung nhớ lại: “Nhiều ca trực đêm, tôi phải tiễn hai đứa trẻ xin về hoặc tử vong... Đó là nỗi buồn chẳng bao giờ quên được. Thay quần áo cho các cháu xong, chạy vội ra hành lang mà khóc, không kìm nén được nên khóc to thành tiếng. Có bà mẹ đi qua thấy mình khóc thì dừng lại hỏi “Bác mệt quá hay sao?”. Nhiều người nhà bệnh nhân đồng cảm chia sẻ với mình lắm”.

Nỗi ám ảnh của người điều dưỡng sau bão sởi - 1

Niềm vui của người mẹ khi con bị sởi phải thở máy được chữa khỏi.

Nhớ lại những đêm trực trong đợt dịch sởi vừa qua, khuôn mặt điều dưỡng Đặng Thị Dung vẫn thấp thoáng nỗi buồn. Chị cho biết: “Điều dưỡng là người chăm sóc các cháu từ lúc vào viện tới lúc ra viện. Đối với cháu mất, các cô phải rửa mặt, thay quần áo cho. Nhiều cháu bị xuất huyết dạ dày, nên phải nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Tâm lý người Việt “dù chết cũng phải đủ ăn”, dù biết dạ dày các cháu không hấp thụ được nhưng vẫn phải cho các cháu ăn và hướng dẫn người nhà mọi việc trước khi đưa các cháu về…”.

Trong đợt dịch đó, với những y tá, bác sĩ của Khoa Truyền nhiễm có nhiều khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Bệnh nhi ngày càng đông, tình trạng lây chéo càng trầm trọng. Nhưng sau khi có sự vào cuộc của Bộ Y tế, các cấp, các ngành và truyền thông, tình trạng quá tải đã được giảm ngay. Song khó có thể kể hết những hy sinh, vất vả của nhân viên y tế trong đợt dịch vừa qua.

Khi bệnh nhân khỏi bệnh là chúng tôi vui nhất

Nỗi ám ảnh của người điều dưỡng sau bão sởi - 2

Điều dưỡng Đặng Thị Dung đang chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: T.G

Điều dưỡng Đặng Thị Dung kể: “Căng thẳng nhất là đợt cuối tháng 3, mỗi ngày có đến 12 cháu phải thở máy. Các y bác sĩ không có thời gian để nghỉ ngơi, bình thường 11h30 nghỉ trưa nhưng những hôm đó, hôm nào cũng 12h30 mới bước ra khỏi phòng. Đêm trực chỉ chợp mắt được một lúc thôi, có hôm làm cả ngày, lại còn trực đêm, 4h30 sáng mới được chợp mắt một lúc. Sáng ra lại phải làm sớm, tất cả tập trung sức lực để cứu chữa các cháu”.

“Công việc của các điều dưỡng rất nhiều. Chăm các cháu như chăm một cây non yếu ớt lại đang bệnh tật nên phải hết sức nhẹ nhàng, đúng cách. Chăm một đứa trẻ bình thường đã khó, chăm đứa trẻ bệnh còn khó trăm lần”, điều dưỡng Đặng Thị Dung cho biết.

Có những hôm có đến 15-16 cháu trong phòng cấp cứu. Công việc căng thẳng nên phải có các khoa khác cùng hỗ trợ. Trung bình một điều dưỡng chăm 2 bệnh nhân thở máy, chăm sóc khoảng 10 bệnh nhân 1 ngày. Có những khi hết máy thở cho các cháu, điều dưỡng phải bóp bóng mỏi cả tay.

Đến thời điểm này, công việc của các điều dưỡng viên Khoa Truyền nhiễm đã giảm gần một nửa so với đỉnh dịch sởi tháng 3 - 4 vừa rồi. Hiện tại các cháu phải thở máy đã được chuyển về Khoa Hồi sức cấp cứu, hồi sức ngoại. Nụ cười đã xuất hiện nhiều hơn trên gương mặt những đứa trẻ. Đó cũng là niềm vui của các điều dưỡng viên và bác sĩ nơi đây.

Chị Doãn Thúy Quỳnh, Điều dưỡng trưởng, Khoa Truyền nhiễm chia sẻ: “Công việc này không thể hài lòng tất cả mọi người, cuộc sống này là vậy nhưng mình cố gắng làm tốt. Nhiều lúc nhận được tin nhắn động viên của gia đình bệnh nhân mình cũng có cảm giác được an ủi phần nào…”.

Chị Doãn Thúy Quỳnh, Điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết: “Chị Dung đã ở tuổi gần nghỉ hưu nhưng vẫn không quản ngại khó khăn, làm việc hết sức mình. Nhiều bạn trẻ có con nhỏ, có bầu vẫn phải đi làm. Làm công việc này phải có tâm, phải có tình cảm với trẻ em, với người bệnh mới gắn bó lâu dài được”. Trong những lúc khó khăn , chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ đồng nghiệp cũng như của những tấm lòng hảo tâm. Nhiều tổ chức từ thiện đã góp tiền mua sữa, bỉm cho các cháu cũng như hỗ trợ các suất ăn từ thiện miễn phí cho người nhà”.

Theo Hoài Nam
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch sởi bùng phát