Ông bố bóc mẽ ‘soái ca’ trên bàn nhậu, Facebook, nhà hộ sinh

Ngày 16/12/2015 09:59 AM (GMT+7)

Từ ngày có mạng xã hội Facebook, nó hình thành nên một "sân khấu" để nhiều phận làm cha có đất biểu diễn.

Chỉ một bức ảnh, một vài dòng status trên facebook ghi lại chuyện một ông bố (nếu đang xăm trổ thì càng tốt) đang tắm cho con, ru con ngủ hay thậm chí cho con ti (bình) thì ngay lập tức, nhân vật chính sẽ được hàng trăm chị em và cộng đồng mạng tung hô là "ông bố của năm". Liệu tất cả có đều là sự thật và xứng đáng với danh xưng đó?

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của nhà báo, ông bố trẻ Hoàng Minh Trí về cách thể hiện tình cảm và trách nhiệm của người làm bố trong xã hội hiện đai ngày nay hiện đang thu hút sự đồng tình của cư dân mạng. 

Thời đại này vẫn có 3 nơi đàn ông thể hiện xuất sắc danh phận làm bố: Quán rượu, trên Facebook và nhà hộ sinh. Đa số khi đã lè nhè say, các anh trong rưng rưng ký ức nhắc đi nhắc lại nhiều mẫu câu điển hình về triết lý sống trên cuộc đời này, ứng xử đời như thế nào là phải đạo.

Thế rồi mỗi khi tới gần lúc tính tiền, kết câu chuyện dài dòng sẽ là một vài kỷ niệm, tỉ dụ như chính xác trung thu năm ngoái đã mua cho con, cái gì, ở đâu và giá bao nhiêu tiền. Điều này ít bà mẹ nào có thể làm được, thứ nhất bởi họ không có thói quen lê la hàng quán hồi ức về gia đình. Thậm chí cũng hiếm bà mẹ nào đủ minh mẫn để nhớ được tỷ mỷ trong lẫn lộn hàng triệu lần đằng đẵng bên con. 

Họ thật quá vô tâm.

Ông bố bóc mẽ ‘soái ca’ trên bàn nhậu, Facebook, nhà hộ sinh - 1
Bàn nhậu là nơi các ông bố thể hiện vai trò làm cha?

Có lẽ tình cha con hình thành trong nền văn minh lúa từ hàng ngàn năm trước có gì đó rất khó lý giải. Nó lờ mờ tình cảm pha lẫn chút cực đoan gia trưởng và đôi khi sự quan tâm thái quá từ người cha với con cái trong những vụn vặt đời thường. Dù như thế nào đi nữa, mỗi đứa trẻ trong giai đoạn hình thành nhân cách thì lớn lên trong vòng tay gia đình đầy đủ cả cha lẫn mẹ luôn vô cùng quan trọng, cần thiết.

Bỗng đâu, từ ngày có mạng xã hội Facebook, nó hình thành nên một "sân khấu" để nhiều phận làm cha có đất biểu diễn. Tôi biết vô số trường hợp năm thì mười họa chăm bẵm con cái đúng nghĩa, mỗi đận vậy họ cẩn thận chụp ảnh xấp ngửa tươi cười ẵm bế, tay trong tay... đưa lên mạng với những dòng chữ nắn nót câu từ tràn trề tình phụ tử.

Bạn bè xa xôi nhao nhao vào ấn bình luận, để biểu tượng trái tim rồi ngưỡng mộ "ông bố của năm đây rồi". Tôi biết nếu có tham gia vào để bóc mẽ hay bình luận trái chiều đều có thể làm rớt cái mặt nạ và làm tổn thương họ nên tôi chỉ lặng lẽ ngắm nghía, nghĩ về cuộc sống.

Thời công nghệ họ có thể biểu diễn, đóng kịch, vào tròn vai bất kể ai và hiếm khi bị phán xét. Sự thật hiển hiện đây mà, nhìn đi. Phải chăng hình ảnh một người đàn ông biết yêu con thật lòng ngày càng hiếm hoi và dễ dao động con tim khán giả?

Ông bố bóc mẽ ‘soái ca’ trên bàn nhậu, Facebook, nhà hộ sinh - 2
"Từ ngày có mạng xã hội Facebook, nó hình thành nên một "sân khấu" để nhiều phận làm cha có đất biểu diễn." (ảnh AFP)

Một số ít trường hợp khác đang loay hoay lớn. Bị làm bố khi trứng cá vẫn mẩn hồng bên cánh mũi mà khảng khái buông lời quân tử, bế xốc con về cho bà nội nuôi để mẹ cháu tìm cơ hội tốt hơn. Những trường hợp hai bố con cùng lớn lên kiểu này, ưu điểm là rất đoàn kết theo dạng tình huynh đệ sòng phẳng, tôi nấu cơm thì anh rửa bát, tôi giặt quần áo thì anh phơi. Họ bận đến mức không có đủ thời gian lên Facebook "check-in".

Có câu chuyện cũ tôi từng kể: Ngày vợ tôi đi viện sinh em bé, tôi lẫn trong đám đàn ông ở cái độ tuổi nông nổi đợi có con rồi mới nghĩ đến trưởng thành tụ bạ một đám ngoài hành lang bệnh viện. Đủ thành phần, đa số đều cần mẫn, nghiêm chỉnh và ít nói. Đó có lẽ là khoảng lặng thời gian dài đằng đẵng nhưng rất cần thiết của bất kỳ nam giới nào tĩnh tại trong tâm thế đứng giữa mỏng manh biên giới thay đổi danh phận, được làm cha.

Có tiếng chửi đổng một người tên Thành vọng ra từ trong phòng chờ sinh. Ông em ngồi cạnh tên Thành lại sốt sắng chạy vào xoa chân xoa lưng vợ đang đau rịn cả mồ hôi.

Một lúc thằng cu lại ra ngồi bần thần, buồn tay mở cặp lấy ra một quyển gì đó đầy màu thời gian, bên trong nhằng nhịt chữ với gạch, tần ngần cầm vào chỗ vợ.

- Mang cho vợ đọc gì thế Thành?

- Gia phả nhà em anh ạ.

- Để làm gì, chọn tên cho con khỏi trùng à?

- Không anh ạ, chốc em cho vợ em nó xem qua để chửi cả họ nhà em cho đỡ đau thôi anh ạ.

Thế đấy, tôi nhớ như in cái câu chuyện đó không sai một chữ vì nó quá đặc biệt và lâu quá tôi mới thấy một sự chân thành trong vắt đến vậy. Đàn ông dù có nhiều vô duyên, đần đụt hay gì đi chăng nữa thì cũng có những khoảnh khắc đáng yêu đến vậy cơ mà. Bản năng lương thiện thì không "gương mặt" nào diễn được tròn trịa.

Tôi không bao giờ tin vào những bức tâm thư cha gửi con nhan nhản trên mạng Internet. Một người cha đàng hoàng họ đang bận với hành động cụ thể chứ ai lại đi mượn con mượn cái để tâm tư toàn câu chuyện sặc mùi sến cá nhân đến thế.

Nếu bạn không tin, hãy tìm đọc thử một bức như vậy.

Hoàng Minh Trí
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Gia đình và Xã Hội