Phòng bị "chuẩn" bé không bao giờ ốm

Ngày 13/11/2013 10:12 AM (GMT+7)

Không thể bỏ qua: Các bác sĩ đầu ngành phân tích bệnh giao mùa và cách tăng đề kháng cho trẻ.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Kim Thu (Trưởng khoa Khám bệnh Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết: “Hàng năm vào thời điểm giao mùa, số lượng trẻ vào khám có tăng lên, dao động hơn so với bình thường. Các bệnh mà trẻ vẫn hay gặp vào thời điểm giao mùa chủ yếu vẫn là nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu chảy do nhiễm virus hoặc nhiễm khuẩn, sốt virus…”

Để trẻ tránh mắc bệnh trong thời điểm giao mùa, vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm là tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Theo bác sĩ Thu, việc sử dụng các loại thuốc nói chung và kể cả thuốc tăng cường sức đề kháng cho trẻ phải có chỉ định của bác sĩ, không nên tự mua để uống. Bởi, có loại thuốc chỉ dùng cho trẻ bệnh này mà không dùng được cho trẻ bệnh khác.

“Việc dùng loại thuốc tăng sức đề kháng không dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc. Tuy nhiên, phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Thu khuyến cáo.

Vấn đề tăng sức đề kháng của trẻ là một chuyện, còn quan trọng nhất vẫn là sức đề kháng của bản thân trẻ. Nếu trẻ phát triển bình thường, sức khỏe tốt thì khả năng chống đỡ bệnh tật sẽ tốt hơn.

Bác sĩ Thu đưa ra lời khuyên: “Nếp sống sinh hoạt có ảnh hưởng đến sức đề kháng của trẻ. Với trẻ cần giờ giấc ngủ đều đặn, đảm bảo số giờ, ăn uống cân đối các chất dinh dưỡng, tiêm chủng đầy đủ”.Về bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng, theo bác sĩ Thu, cơ thể trẻ cần tất cả các vitamin và vi chất. Quan trọng là bổ sung cân đối, hợp lý, không thái quá".

Lưu ý bệnh đường hô hấp, ỉa chảy mùa đông

Phòng bị quot;chuẩnquot; bé không bao giờ ốm - 1
Mùa đông trẻ dễ mắc các bệnh hô hấp (ảnh minh họa)

Vào những ngày thời tiết chuyển lạnh, cơ thể trẻ dễ mắc bệnh về đường hô hấp. Trong đó, trẻ em thường gặp chứng viêm phổi. Dấu hiệu đầu tiên để phụ huynh có thể nhận biết con bị viêm phổi là theo dõi nhịp thở, khi trẻ bị viêm phổi thì nhịp thở sẽ nhanh hơn bình thường.

“Khi nhận thấy nhịp thở trẻ nhanh hơn bình thường kèm sốt thì bắt buộc phải đưa đi đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám. Sau khi khám, tùy theo từng thể bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị ở nhà, ngoại trú hay nằm tại bệnh viện”, bác sĩ Thu nhấn mạnh.

Ngoài ra, sốt là triệu chứng của nhiều bệnh. Với trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng thuốc hạ sốt. Khi trẻ mới sốt không tự tiện dùng thuốc ngay mà phải tham khảo chỉ định, tư vấn, chẩn đoán của bác sĩ.

Sốt virus cũng thường gặp vào thời điểm giao mùa. Với trẻ bị sốt virus, khi chưa có bội nhiễm hay biến chứng cần hỏi ý kiến bác sĩ để dùng thuốc hạ sốt, uống nước và ăn hoa quả để bù điện giải. Phụ huynh theo dõi cẩn thận, nếu sốt cao, cần đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám cụ thể.

Bên cạnh sốt, tiêu chảy mùa đông cũng cần được phụ huynh lưu tâm. Nguyên nhân có thể là do rotavirus. Khi trẻ bị tiêu chảy, phụ huynh cần đưa con đến bác sĩ để kiểm tra xem có bị mất nước không để bù nước kịp thời.

“Để tránh cho trẻ bị tiêu chảy thì cần thực hiện ăn chính uống sôi, tuân thủ vệ sinh sạch sẽ”, bác sĩ Thu chỉ rõ.

Phòng bệnh giao mùa.

Các bác sĩ nhi cho rằng, những ngày thời tiết lạnh. phụ huynh cần lưu ý giữ ấm cho trẻ, nhà tránh gió lùa, không để nhiệt độ điều hòa quá thấp, giữ cổ ấm cho trẻ khi đi ngủ. Khi ra đường quàng khăn ấm, đội mũ che tai, có khẩu trang che mũi nhưng không được đeo quá chặt.

Vào mùa đông, nhiều gia đình chọn giải pháp sưởi cho trẻ bằng quạt sưởi điện, điều này có thể được. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý đến yếu tố an toàn, tránh để xảy ra những tình huống đáng tiếc khiến rò rỉ điện hay bỏng.

Đặc biệt, phụ huynh tuyệt đối không được dùng than để sưởi ấm cho trẻ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.  Mặt khác, tuân thủ chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, đủ các vi chất cần thiết ở từng lứa tuổi, chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thức ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phụ huynh giữ thói quen rửa tay sạch trước khi tiếp xúc với trẻ, tiêm chủng theo lịch đầy đủ, hạn chế cho trẻ ra ngoài trong tiết trời giá lạnh, hạn chế đưa đến nơi đông người.

Khi trẻ bị ốm cần chế độ ăn hợp lý, đảm bảo các chất dinh dưỡng. Thức ăn có thể nấu mềm hay lỏng hơn tùy theo lứa tuổi.

 

Trong trao đổi gần đây với chúng tôi, về vấn đề xông mũi cho trẻ em, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai HN) cho hay, nếu đứa trẻ bình thường, không ốm đau thì tuyệt đối không xông mũi. Và việc xông mũi phải do bác sĩ chỉ định và thực hiện tại bệnh viện chứ không được tự ý làm tại nhà.

Bác sĩ Dũng lưu ý: "Tất cả các nước trên thế giới đều quy định xông tại bệnh viện, không có nước nào chỉ định xông tại nhà. Cho nên phụ huynh tuyệt đối không tự ý xông tại nhà".

Nếu tự xông tại nhà sẽ dẫn đến những nguy hiểm khôn lường với trẻ, theo bác sĩ Dũng, chính vì việc tự xông khiến cho nhiều người nghĩ rằng sẽ có kết quả nhưng như thế lại không đánh giá được mức độ năng của hen phế quản và tiểu phế quản.

"Các phụ huynh không theo dõi được nên có thể dẫn đến tử vong. Và cũng đã có trường hợp tử vong do tự ý xông mũi", bác sĩ Dũng cảnh báo

Việc tự ý dùng giấy để lấy gỉ mũi của trẻ không được tự ý thực hiện. Bởi, những việc làm như vậy nếu không có chỉ định của bác sĩ sẽ khiến niêm mạc mũi bị tổn thương, dẫn đến viêm nhiễm và chảy máu.

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư vấn sức khỏe trẻ em