Thấy con gái 10 tuổi bụng ngày một to, người bố đau xót nhận tin "ung thư buồng trứng"

Ngày 01/11/2016 00:06 AM (GMT+7)

Thấy con thường xuyên mệt mỏi, sụt cân, bụng càng ngày càng to, đưa con đi khám, anh Phạm Văn Quyền (40 tuổi, Phú Yên) đau lòng khi biết cô con gái mới 10 tuổi của mình mắc căn bệnh ung thư buồng trứng.

Mong muốn khỏi bệnh để được về đi học

Sau những đợt điều trị bằng hóa chất kéo dài, mái tóc đen mượt của bé Kim Anh đã rụng hết. Cơn đau từ căn bệnh ung thư quái ác hành hạ nhưng em vẫn chẳng một lời kêu la. Em bảo “Con sợ ba mẹ lo lắng cho con nhiều mà sinh bệnh. Giờ con khỏe rồi, chỉ còn hơi đau ở chỗ vết mổ thôi''. Mới 10 tuổi, nhưng cô bé ấy mạnh mẽ hơn so với lứa tuổi của mình.

Nhìn cô con gái một mình chống chọi với căn bệnh ung thư, anh Phạm Văn Quyền (bố của bé Kim Anh) không khỏi xót xa. Anh bảo: “Hồi đó thấy con thường xuyên kêu mệt, cân nặng cũng sụt nhanh chóng, bụng càng ngày càng to. Gia đình đưa con đi khám ở Bệnh viện Đa khoa Bình Định thì các bác sĩ cho biết con có khối u trong ổ bụng, nhưng nó là u lành nên gia đình cũng bớt lo lắng”.

Tuy nhiên sau khi nhận kết quả sinh thiết, anh Quyền đau xót khi biết con bị ung thư buồng trứng giai đoạn ba. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt tử cung và buồng trứng rồi chuyển vào TP.HCM hóa trị tiếp. Anh cũng cho biết, dòng họ nội ngoại chưa có ai bị bệnh này.

Thấy con gái 10 tuổi bụng ngày một to, người bố đau xót nhận tin quot;ung thư buồng trứngquot; - 1

Những bác sĩ, những chú gấu bông chính là những người bạn của em trong những tháng ngày nằm viện.

Kể từ ngày đó, bệnh viện chính là ngôi nhà thứ 2 của bé Kim Anh. Còn bạn bè của em là những bác sĩ, bệnh nhân cùng phòng, là những chú gấu bông nhỏ xinh. Sau mỗi lần điều trị bằng hóa chất xong, Kim Anh lại ôm chú gấu bông và thủ thỉ trò chuyện “Hôm nay chị phải điều trị đấy gấu bông ạ, chị đau lắm nhưng chị không khóc đâu. Khóc là mẹ sẽ buồn đấy…” nghe những lời trò chuyện của cô bé ấy nhiều người không cầm được những giọt nước mắt.

Những lúc nhớ trường, nhớ lớp cô gái bé nhỏ ấy lại lấy sách vở ra vẽ vẽ, tô tô. Kể về 3 tháng phải nghỉ học để vào Sài Gòn điều trị bệnh, giọng cô bé nhẹ nhàng: “Ở bệnh viện buồn lắm cô ạ, con nhớ nhà, nhớ các bạn. Con muốn điều trị xong bệnh sớm để được về đi học”.

Trực tiếp điều trị cho Kim Anh, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết, đây là một trong những bệnh nhân trẻ nhất bị ung thư buồng trứng tại đây.

Kim Anh đã hoàn thành liệu trình hóa trị vào tháng 9. Tuy nhiên tái khám gần đây, kết quả chụp CT, MRI và siêu âm vùng chậu phát hiện có khối bướu tái phát kích thước khoảng 6 đến 8 cm ở hố chậu. Dự kiến Kim Anh được chuyển sang khoa Nội để tiếp tục điều trị theo đúng phác đồ.

Căn bệnh khó phát hiện

Theo bác sĩ Tiến, ung thư buồng trứng là bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hoặc những người bước vào thời kỳ mãn kinh, song cũng có ghi nhận ở trẻ em với tỷ lệ thấp. Hiện nay, sự tác động tiêu cực từ môi trường bị ô nhiễm, thức ăn chứa hóa chất độc hại, chế độ sinh hoạt, biến đổi gene khiến cho tỷ lệ người mắc bệnh này ngày càng tăng.

Triệu chứng của ung thư buồng trứng thường không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua, đặc biệt là ở trẻ em. Theo thống kê hầu hết các bé gái được phát hiện ung thư khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, khối u lớn gây chèn ép đến các bộ phận khác trong cơ thể. Thậm chí có trường hợp khối u bị vỡ gây chảy máu đe dọa tính mạng người bệnh.

Ung thư buồn trứng trong phụ khoa là bệnh khó phát hiện nhất, thậm chí là khó điều trị nhất và để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Đối với những ca phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu thì cơ hội chữa khỏi là 5 năm, còn những người phát hiện bệnh khi đã di căn thì nguy cơ duy trì sự sống là rất thấp.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Tiến khuyên phụ huynh nên quan tâm nhiều hơn đến các bé gái. Khi thấy có những thay đổi bất thường về chu kỳ kinh, đại tiện và tiểu tiện, đau bụng... cần đưa bé đi khám chuyên khoa ngay.

Bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm khả năng điều trị khỏi càng cao, đồng thời giảm biến chứng, di căn. Điều này đặc biệt quan trọng với những bé gái bị ung thư chưa lan rộng được điều trị bằng phương pháp bảo tồn tối ưu, không phải cắt bỏ tử cung, buồng trứng.

Kim Oanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ nhỏ và bệnh thường gặp