Thầy giáo viết chữ bằng miệng: "Giờ đây con trai là đôi chân, đôi tay của tôi"

Ngày 20/11/2017 09:54 AM (GMT+7)

Vì không biết mình có thể sống được bao lâu nữa nên người bố này đã dạy cậu con trai bé bỏng 4 tuổi biết tự lập mọi việc trong khả năng có thể...

Dù mới chỉ học hết lớp 8 và chưa bao giờ nhận mình là thầy giáo nhưng anh Phùng Văn Trường (38 tuổi, Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) được người dân trong làng yêu mến gọi bằng cái tên "thầy giáo Trường" hay "thầy giáo viết chữ bằng... miệng". 

Thầy giáo viết chữ bằng miệng: amp;#34;Giờ đây con trai là đôi chân, đôi tay của tôiamp;#34; - 1

Thầy giáo viết chữ bằng miệng Phùng Văn Trường (Chương Mỹ, Hà Nội)

Suốt 7 năm qua, người đàn ông mắc bệnh thoái hóa cơ, gần như liệt tứ chi luôn tìm thấy niềm vui qua tiếng đọc bài ê a của đám trẻ con nghèo tại lớp học miễn phí mà anh mở.

Niềm vui ấy còn nhân lên gấp bội phần khi trong "đám học sinh" giờ đây có cả cậu con trai 4 tuổi - món quà mà ông trời đã ban tặng cho "người đàn ông không bao giờ dám nghĩ đến một gia đình".

Thầy giáo viết chữ bằng miệng: amp;#34;Giờ đây con trai là đôi chân, đôi tay của tôiamp;#34; - 2

Lớp học với những trẻ em nghèo trong làng và chính cậu con trai của anh.

"Khi vợ mang bầu, tôi mừng cho mình 1 thì mừng cho vợ 10"

Anh Trường không bao giờ dám mơ về một mái ấm gia đình. Vì nếu những người đàn ông khác có thể gánh vác mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình, thì với một người gặp khó khăn ngay trong chuyện cử động hàng ngày như anh, liệu có người phụ nữ nào sẵn sàng chọn anh để đổi lấy cuộc hôn nhân có thể nhìn thấy trước vất vả như vậy.

Thế nhưng, có một người phụ nữ đã đến bên anh, đón nhận anh bằng tất cả tình yêu thương, sự trân quý và mang đến niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời cho anh mà như anh nói “ông trời không lấy đi của ai tất cả”.

Người phụ nữ đó là chị Ngô Thị Hường (sinh năm 1974). Chị không chỉ cho anh cảm nhận được hơi ấm gia đình mà còn cho anh được hưởng niềm hạnh phúc làm bố mà anh chưa bao giờ dám mơ đến.

Thầy giáo viết chữ bằng miệng: amp;#34;Giờ đây con trai là đôi chân, đôi tay của tôiamp;#34; - 3

Chị Ngô Thị Hường cảm phục anh và đã đồng ý lấy anh dù biết mình sẽ chịu rất nhiều cực khổ. Thế nhưng chị chấp nhận tất cả. 

"Tôi rất thương vợ nhưng không làm đỡ được gì chỉ biết tìm hiểu sách báo để hiểu tâm lý vợ cũng như động viên vợ bằng lời nói tỏ sự biết ơn của mình để vợ an lòng.

Phùng Văn Trường - Eva.vn 

Kể về quãng thời gian đầu khi mới về chung sống và có thai đứa con đầu lòng, anh Trường hạnh phúc nói: “Cô ấy không chê mà đồng ý lấy nên tôi tôn trọng và thương cô ấy lắm. Sau 3 tháng, vợ tôi có bầu. Nghe tin, tôi mừng mình 1, tôi mừng cho vợ 10. Quá trình mang bầu, vợ tôi bị dọa sẩy thai nhưng ông trời thương cho “mẹ tròn con vuông”.

Tôi bệnh tật sống chết chả biết thế nào nên có con, cô ấy được an ủi, không thì tôi thấy ân hận quá, làm khổ người ta”, anh Trường tâm sự.

Chia sẻ thêm về ca sinh con của vợ, anh Trường cho biết: “Vợ tôi lớn tuổi mới mang thai nên tôi cũng lo lắng. Ngày dự sinh vẫn không có dấu hiệu như những người bình thường nên tôi phải nói với bố nhờ bác sĩ mổ cho, nếu lỡ không may xảy ra chuyện gì tôi ân hận cả đời. Nhận được tin con chào đời lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm và hạnh phúc.

Con đến với gia đình tôi như một giấc mơ vậy vì trước đó tôi nghĩ mình sẽ chẳng thể có con được. Đúng là ông trời thương, giúp giấc mơ bấy lâu nay của tôi thành hiện thực."

Thầy giáo viết chữ bằng miệng: amp;#34;Giờ đây con trai là đôi chân, đôi tay của tôiamp;#34; - 4

Khi con chào đời, anh vẫn ngỡ như là đang trong giấc mơ.

Mặc dù mang số phận không được may mắn, chưa bao giờ anh dám mơ đến hạnh phúc riêng cho bản thân nhưng giờ đây, anh không chỉ có người vợ chịu thương, chịu khó mà còn có cậu con trai khôi ngô, ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ. Đối với anh Trường, đó chính món quà vô giá mà ông trời ban tặng cho mình.

“Giờ đây con là đôi chân, đôi tay của tôi”

Anh Trường kể, từ khi có con, anh quyết định ra ở riêng tự lập và để tự 2 vợ chồng nuôi con. Anh cho biết, việc ra ở riêng của mình không chỉ để bố mẹ bớt khổ, làm gương cho các em mà còn để con "phục" người bố khuyết tật hơn.

 Thầy giáo viết chữ bằng miệng: amp;#34;Giờ đây con trai là đôi chân, đôi tay của tôiamp;#34; - 5

Bé Quảng giống như đôi tay, đôi chân giúp anh mọi công việc. Anh hướng dẫn con sử dụng máy tính để con mở giúp mình.

Không làm gì giúp đỡ được vợ, mọi kinh tế vẫn phải do một tay vợ lo liệu nên anh nhận việc trông con. Đặc biệt, vì vợ anh không biết chữ nên việc dạy con đều do anh định hướng. Hiện nay, mặc dù bé Quảng mới 4 tuổi, nhưng bé không đi lớp mầm non mà vẫn ở nhà với bố hàng ngày.

“Con ngoan nên ở nhà hai bố con trông nhau. Cháu 5 tuổi, tôi sẽ dạy về chữ cho con biết qua, tôi không biết có sống được lâu không nên cố gắng sống tốt ngày nào hay ngày đó cho vợ con, rồi tự mình dạy con trước khi học lớp 1.

Con ở nhà giúp tôi được rất nhiều việc như tôi đánh rơi bút, cháu nhặt cho, đi dọn cơm lấy bát đũa, lấy gạo lấy nước cho bố nấu cháo hay lấy nước để bố cắm siêu. Con như đôi tay, đôi chân của tôi vậy”, anh Trường tâm sự.

Thầy giáo viết chữ bằng miệng: amp;#34;Giờ đây con trai là đôi chân, đôi tay của tôiamp;#34; - 6

Bé còn giúp anh Trường rất nhiều việc như như anh đánh rơi bút thì bé nhặt cho, đi dọn cơm lấy bát đũa, lấy gạo lấy nước cho bố nấu cháo hay lấy nước để bố cắm siêu.

Dạy con tự lập từ nhỏ vì "không biết mình có thể sống được bao lâu"

Dù 4 tuổi nhưng con đã biết tự ăn cơm, tự tắm, rồi tự lấy sữa uống và giúp đỡ bố mẹ nhiều việc vặt trong nhà.

Phùng Văn Trường - Eva.vn

Anh Trường bảo, tuy chân tay anh yếu nhưng anh có cái đầu minh mẫn để hướng dẫn con làm. Mỗi ngày, anh đều dạy con biết tự lập để có thể làm việc nhà, không ỉ lại và để lỡ mai mình không còn, con sẽ lo toan phụ giúp mẹ phần nào trong cuộc sống. "Bởi vậy, dù 4 tuổi nhưng con đã biết tự ăn cơm, tự tắm, rồi tự lấy sữa uống và giúp đỡ bố mẹ nhiều việc vặt trong nhà”. 

Không những vậy, anh luôn huớng con làm từ mọi việc từ nhỏ để trở thành thói quen. Khi ở nhà, điều gì con không đúng, anh dạy dỗ, uốn nắn ngay. Đặc biệt, anh luôn dạy điều tốt, điều xấu để con có "chất đề kháng" mai này nhớ và tiếp thu.

Thầy giáo viết chữ bằng miệng: amp;#34;Giờ đây con trai là đôi chân, đôi tay của tôiamp;#34; - 7

Mỗi ngày, anh đều dạy con biết tự lập để có thể làm việc nhà, không ỉ lại và để lỡ mai mình không còn, con sẽ lo toan phụ giúp mẹ phần nào trong cuộc sống. 

“Nhiều lúc con sang nhà ông bà phải đi qua đường, tôi ngồi ở cửa dặn con trước khi đi, xe chưa đến thì đi còn xe đến nơi thì đứng im. Con nhớ và nghe lời bố, xe cách mấy chục mét, con vẫn đứng im.

Ngoài ra, tôi thường mở chương trình hoạt hình có ý nghĩa giáo dục cao hay chương trình khoảnh khắc kỳ diệu cho con xem. Không thể cho con đi ra ngoài chơi, tôi mở các chương trình bố mẹ đưa con khám phá để con xem hiểu biết thế giới", anh Trường chia sẻ phương pháp dạy con của mình.

Thầy giáo viết chữ bằng miệng: amp;#34;Giờ đây con trai là đôi chân, đôi tay của tôiamp;#34; - 8

Cậu bé ngoan ngoãn ngồi lắng nghe bố giảng bài cho các anh chị. 

Cuộc sống gia đình hiện tại của anh Trường tuy có nhiều khó khăn do kinh tế anh không thể lo được nhưng anh luôn ví mình như dây leo còn vợ và con trai như giàn cây giúp anh đứng vững trước mọi gió bão cuộc đời.

Dẫu không biết ngày mai ra sao, không biết mình còn sống được bao lâu nữa nhưng anh vẫn luôn cố gắng sống ý nghĩa mỗi ngày, mang kiến thức, con chữ đến với các em nhỏ nghèo nơi đây. 

Thầy giáo viết chữ bằng miệng: amp;#34;Giờ đây con trai là đôi chân, đôi tay của tôiamp;#34; - 9

Dẫu không biết ngày mai ra sao, không biết mình còn sống được bao lâu nữa nhưng anh Trường vẫn luôn cố gắng sống ý nghĩa mỗi ngày. 

Trong dịp 20/11 - ngày đặc biệt dành cho các thầy cô giáo, anh Trường chia sẻ: "Mặc dù tôi không phải là nhà giáo đích thực nhưng tôi được "thơm lây" của các thầy cô giáo. Được mọi người tôn trọng gọi là nhà giáo, tôi cảm thấy rất vui và xúc động. Hôm qua, có một bác cựu chiến binh ở xa biết tôi qua báo chí cũng mang lẵng hoa to đến chúc mừng, thực sự tôi rất cảm động tấm lòng của mọi người dành cho mình. 

Mỗi ngày các cháu đến học đều mang cho tôi một niềm vui riêng, hôm nay 20/11, các cháu được nghỉ ở trường nhưng vẫn đến đây học từ sớm. Được dạy các cháu mỗi ngày tôi thấy cuộc sống ý nghĩa hơn nhiều lắm. Tôi chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để cố gắng nối dài hơn những ước mơ của các cháu. Mặc dù tôi không thể đi được nhưng tôi sẽ cố gắng làm bệ phóng cho các cháu được bay xa hơn, thực hiện những giấc mơ của mình và gieo vào lòng các cháu ý chí, nghị lực phải luôn biết vươn lên trong cuộc sống. Đây cũng là điều tôi muốn gửi gắm đến đứa con trai bé bỏng của mình." 

Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11