Thói xấu của mẹ dễ tạo ra "thế hệ ăn bám"

Ngày 11/11/2014 09:30 AM (GMT+7)

Theo Sare Imas, một bà mẹ Do Thái, nếu ai trả lời “đúng” cho những dấu hiệu dưới đây chứng tỏ bạn đang có nguy cơ tạo ra một “thế hệ ăn bám”.

Là cha mẹ, đôi khi chúng ta quá dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm của con trẻ. Chúng ta tự lừa dối mình bằng cách nghĩ thói xấu của trẻ thành những ưu điểm. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận ra rằng, duy trì hành vi xấu của con trẻ chẳng mang lại điều gì.

Sare Imas, một bà mẹ Do Thái từng sống nhiều năm ở Trung Quốc, tác giả cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” đã từng nêu quan điểm của mình về vấn đề nuôi dạy con cái. Trong cuốn sách của mình, Sare Imas chỉ ra thực trạng nuôi dạy con ở cha mẹ hiện đại Trung Quốc, và có lẽ cũng không xa lạ với cha mẹ Việt Nam. Dưới đây là một trong số những điều Sare Imas nhận thấy về cách nuôi dạy con sai lầm mà nhiều bà mẹ đang vướng phải.

1. Con ngã, mẹ nâng

Làm cha mẹ ai chẳng xót xa khi con vấp ngã. Nhưng cách ứng xử của mẹ với những khó khăn của con ngay từ những ngày đầu đời hay khi con đã khôn lớn lại quyết định đến tính cách của con sau này. Cha mẹ đừng vội vã xót xa khi con ngã đau vì các cụ có dạy: "Đòn đau nhớ lâu".

Con có vấp ngã thì lần sau con sẽ cẩn thận hơn. Hãy dạy con nguyên nhân làm con ngã, con cần tránh vật cản sẽ làm con ngã để sau này con chắc chắn sẽ đỡ vấp ngã nhiều hơn. Vấp ngã là để con lớn hơn trưởng thành hơn, vấp ngã một lần sẽ giúp con hiểu được giá trị của thành công. Đó là cách để con hiểu rằng “Núi đã cao thì ắt có núi cao hơn”.

Mỗi lần con gặp khó khăn, trước khi bố mẹ can thiệp vào thì hãy để tự con được tự thân vận động. Mẹ nên biết rằng mỗi một công việc được xử lý ngon lành không có sự trợ giúp của người lớn sẽ giúp cho đứa trẻ trưởng thành hơn rất nhiều. Từ đó giúp con biết cần phải nỗ lực và phấn đấu không ngừng, không ỷ nại vào những gì mình đã biết mà tự phụ.

2. Hạn chế cho con tiếp xúc với khó khăn

Trong cuộc sống hiện nay, thực hiện theo kế hoạch hóa gia đình nên số lượng con cái cũng ít đi, mỗi nhà chỉ có tứ 1-2 con, do đó cha mẹ sẽ càng có thói quen bao bọc kĩ lưỡng con cái, không cho con cơ hội được tiếp xúc với những thử thách trong cuộc sống. Chính vì yêu con mù quáng, nhiều mẹ đã vô tình cướp đi khả năng được trải nghiệm của con.

Mẹ nên cho con được cọ xát với khó khăn để từ đó giúp con lớn dần lên. Thực tế đã chứng minh rằng, những khó khăn và thử thách luôn là người bạn đồng hành với con trong suốt cuộc hành trình. Sẽ chẳng nơi đâu con có thể tìm thấy một hướng đi mà hoàn toàn chỉ có những con đường phẳng lì, rải chung quanh là những cánh hoa thơm tươi đẹp. Khó khăn sẽ luôn vây kín, dù con có tài giỏi mấy, có khôn ngoan mấy đi chăng nữa.

Thói xấu của mẹ dễ tạo ra quot;thế hệ ăn bámquot; - 1

Bao bọc con quá cũng là một trong những tội lớn của cha mẹ (Ảnh minh họa)

3. Luôn có tâm lý "làm cố phần con"

Đây là quan điểm các mẹ nên gạt đi khi nuôi dạy con cái. Trong cuộc sống hiện đại khi ba mẹ muốn bù đắp cho con, không muốn con khổ như mình trước kia nên vô tình sinh ra tâm lý “làm cố phần con”. Tuy nhiên, khi chiều con như thế vô hình chung ba mẹ lại “tước” mất của con quyền được lao động và hưởng những lợi ích từ lao động.

Thực tế những điều con học được từ việc nhà quả thực giúp con trưởng thành hơn rất nhiều. Thêm nữa, ba mẹ không thể lúc nào cũng kè kè bên con, không thể trong lúc đi công tác mỗi giờ gọi điện về nhắc nhở con một lần. Vậy  tại sao từ nhỏ ba mẹ không rèn cho con thói quen tự chăm sóc bản thân và giúp đỡ người khác?

Mẹ cho con làm việc nhà sẽ giúp con biết trân trọng những thành quả do chính mình làm ra, giúp con nhận thức sâu sắc một nguyên lý “có làm thì mới có ăn”. Hơn nữa, làm việc nhà là cách đơn giản nhất để con được vận động, rèn luyện chân tay. Tùy theo từng độ tuổi của con, cha mẹ hãy giao những công việc thích hợp để con phụ giúp, đừng chiều con mà hóa hại con.

4. Chưa một lần biết trách mắng con

Theo các chuyên gia giáo dục sớm Nhật Bản, những đứa trẻ không từng bị bố mẹ phê bình trong gia đình, đến khi ra làm việc ngoài xã hội thường dễ rơi vào tình trạng như: vừa gặp phải sự phê bình của cấp trên lập tức cảm thấy tất cả sụp đổ, tư tưởng mất phương hướng, hành động đi vào tiêu cực bằng cách nộp đơn xin thôi việc…

Bố mẹ nên cần phải phê bình con cái bởi phê bình có những tác dụng giáo dục riêng. Thông qua sự phê bình của bố mẹ, trẻ có thể nhận thức đúng sai, hiểu được mặt tích cực hay tiêu cực của vấn đề. Khi trẻ mắc lỗi mà không bị phạt, chúng sẽ không biết sai mà sửa, ngày càng dẫn tới những hành động nguy hiểm hơn khi đi ra ngoài xã hội. Do đó, khi trẻ mắc lỗi, nếu bố mẹ đương nhiên bỏ mặc thì coi như chưa làm tròn trách nhiệm của người bố, người mẹ.

Trách mắng con là một trong những việc mẹ nên làm khi con làm sai bất cứ điều gì. Tuy nhiên, mẹ nên có lời trách mắng có giá trị, tạo được cái uy trước mặt con. Hãy để con cái thật sự tôn trọng và kính phục khi “được” lắng nghe những lời phê bình của bố mẹ. Để có thể vừa giúp con nhận thức ra và sửa chữa những sai lầm, đồng thời không làm tổn thương đến lòng tự trọng của con, đối với tất cả những người làm bố, làm mẹ, đòi hỏi cả một “nghệ thuật” trong phê bình.

5. Ngoài học tập, con đừng dành thời gian cho việc khác

Nhiều mẹ vì muốn bảo vệ tốt nhất cho con nên đã cấm đoán nhiều hoạt động bên ngoài của con, hầu như nơi con có thể xuất hiện chỉ có thể là nhà và trường. Bên cạnh đó, mẹ nào có xu hướng thích đề cao thành tích học tập của con, coi kết quả là trên hết sẽ làm mọi cách để thúc ép con học bài. Và đương nhiên để con có nhiều thời gian học bài, đồng nghĩa với việc không được tham gia bất cứ hoạt động sinh hoạt nào bên ngoài. Nhưng chính việc làm này của mẹ đã vô tình cướp đi quyền được vui chơi, học hỏi, kết bạn với mọi người. Nếu tình trạng này kéo dài, mẹ sẽ là thủ phạm khiến con bị mắc bệnh tự kỉ, thế giới xung quanh của con quá nhỏ hẹp, con sẽ không thể phát triển được.

Để không nhìn thấy con lúc nào cũng một mình thì hãy để những hoạt động ngoại khóa trở thành một phần trong thời gian biểu của con. Mẹ không cần quá lo lắng rằng trẻ sẽ mải chơi mà quên mất việc học tập ở trường. Ngược lại, thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp trẻ trở nên nhanh nhẹn, năng động, phát huy óc sáng tạo, tổ chức và tự lập. Điều quan trọng hơn cả, chúng khiến trẻ vui vẻ và lúc nào cũng tràn đầy năng lượng.

6. Sẵn sàng đáp ứng mọi mong muốn của con

Đây là sai lầm nghiêm trọng trong cách nuôi dạy con cái của nhiều mẹ. Nuông chiều, bao bọc, làm theo mọi ý muốn, đáp ứng mọi nhu cầu của con là làm hại tương lai con. Con thích gì, muốn gì là ba mẹ, ông bà sẵn sàng đáp ứng ngay. Đó là biểu hiện cưng chiều con quá mức của không ít gia đình hiện nay, nhất là các gia đình mới có một con.

Trẻ được nuông chiều chỉ biết có bản thân mình, cho rằng mình có tất cả là điều đương nhiên. Nuông chiều quá sẽ khiến trẻ sẽ có thêm nhiều đòi hỏi hơn, chúng sẽ sinh ra lối “có voi đòi tiên”, không biết quý trọng những gì mình đang có, chúng sẽ chỉ biết đòi hỏi mà không biết cho đi.

Chính vì vậy, cha mẹ nên nói cho trẻ biết giới hạn của những yêu cầu, điều gì có thể đáp ứng, điều gì không, hãy giải thích cho con hiểu vì sao không thể đáp ứng yêu cầu của con một cách rõ ràng, nhẹ nhàng.

Thanh Loan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ tây dạy con