Tranh cãi về bài thơ “Tiếng Việt”: Bản nào là chuẩn, bản nào hay?

Ngày 03/07/2016 14:49 PM (GMT+7)

“Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” mới thể hiện đúng chất thơ của Lưu Quang Vũ” - đó là ý kiến của một nhà thơ.

"Câu thơ của Lưu Quang Vũ là "Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa" và nếu nói Phạm Tiến Duật sửa thơ của Lưu Quang Vũ như vậy thì đó là sự xúc phạm - một nhà thơ thông tin.

Trích đoạn thứ 5 trong tác phẩm Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ (in trong tập Thơ Việt Nam, NXB Giáo dục ấn hành, 1985) được đưa vào đề thi môn Ngữ văn THPT ngày 2/7. Thực tế, đã có sự tồn tại song song của hai bản khác nhau với nội dung “đất cày” và “bùn”.

Bản nào hay hơn?

Từ chiều qua, trên báo chí và mạng xã hội xảy ra nhiều tranh cãi xoay quanh nội dung: Câu thơ nào mới là nguyên gốc của tác giả Lưu Quang Vũ và “đất cày” hay “bùn” mới là hay.

Sáng nay (3/7), đưa thông tin trên báo điện tử Dân Việt, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ có đưa ra những hình ảnh về bản thảo gốc chép tay bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ với bút tích là: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”.

Tranh cãi về bài thơ “Tiếng Việt”: Bản nào là chuẩn, bản nào hay? - 1

Đoạn thơ từ bản thảo được cho là nguyên gốc của nhà thơ Lưu Quang vũ. Ảnh: Dân Việt

Theo bà Thơ, câu thơ đã được tác giả sửa lại thành “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” để đăng trên báo Văn nghệ và nhận được lời khen của rất nhiều độc giả và giới phê bình văn học.

Vì thế, đã xuất hiện hai bản lưu hành khác nhau. Trong quyển “Ôn tập môn Ngữ Văn” chuẩn bị cho kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia (Tập một, NXB Giáo dục) thì câu thơ này là “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Còn câu thơ dẫn trong đề thi (cũng là do NXB Giáo dục ấn hành) lại là “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về ý tứ câu thơ, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) phân tích:

“Việc nhà thơ sửa bài rồi được biên tập là chuyện vẫn thường xảy ra, nhưng theo tôi biết, đề thi được trích từ sách do NXB Giáo dục ấn hành, và câu thơ được nhiều người ủng hộ là “đất cày, như lụa”. Theo tôi, câu “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” hay hơn rất nhiều và lẽ ra là người ra đề nên chọn theo bản nào hay hơn.

Hãy đọc câu thứ 3 và thứ 4, hai hình ảnh thô ráp, rắn rỏi được đặt bên cạnh cái mềm mại, mượt mà: “Đất cày” – “lụa”, “tre ngà” – “tơ”. Điều này thể hiện đúng logic của tác giả, tiếng Việt vừa đa thanh, thô ráp, cứng rắn nhưng cũng mềm mại, tinh tế như tính cách con người Việt Nam vậy”. Trong đó, “đất cày” còn có sự lao động, giọt mồ hôi của người nông dân rơi trên mảnh đất. Những hình ảnh gần gũi của đời sống lao động, đó cũng là sự trong sáng của tiếng Việt. Nếu như là “bùn” thì khó có thể gợi cảm như vậy.

Trước đó, chúng tôi trao đổi với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và ông cũng không đồng tình với bản "Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa", đồng thời đánh giá bản "đất cày" hàm chứa nội dung hay hơn.

Bản nào mới là chuẩn?

Chính trong tuyển thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” (do chính PGS.TS Lưu Khánh Thơ biên soạn), nội dung câu thơ được dẫn là: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”.

Tranh cãi về bài thơ “Tiếng Việt”: Bản nào là chuẩn, bản nào hay? - 2

Tranh cãi về bài thơ “Tiếng Việt”: Bản nào là chuẩn, bản nào hay? - 3

Bài thơ Tiếng Việt trong tuyển “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Theo nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, “như đất cày, như lụa” mới là bản hay hơn và thể hiện đúng chất trữ tình, lãng mạn của thơ Lưu Quang Vũ. "Chỉ có người trong cuộc mới có thể khẳng định, trường hợp này là nhà thơ Lưu Khánh Thơ. Nhưng bản gốc hay không bản gốc thì khi anh đã xuất bản thì luôn có sự can thiệp của biên tập viên”. Đồng thời, bản đã qua biên tập, chỉnh sửa về sau thì thường sẽ chỉn chu hơn – nhà thơ này nhận định.

Về sự không thống nhất ở NXB Giáo dục, ông Quý cũng cho rằng:“Trong sách giáo khoa ôn tập cho học sinh thì lấy là “như đất cày, như lụa”, còn khi ra đề lại là theo một văn bản với hình ảnh khác. Xét về nguyên tắc, đều là của Lưu Quang Vũ cả, việc Bộ Giáo dục & Đào tạo dẫn đoạn thơ như vậy là không sai nhưng vẫn nên chọn cho học sinh văn bản nào hay hơn”. Theo ông, vẫn nên chọn câu “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”.

Tranh cãi về bài thơ “Tiếng Việt”: Bản nào là chuẩn, bản nào hay? - 4

Tranh cãi về bài thơ “Tiếng Việt”: Bản nào là chuẩn, bản nào hay? - 5

Cuốn "Ôn tập môn Ngữ văn" của NXB Giáo dục trích dẫn bài thơ của Lưu Quang Vũ theo nội dung "đất cày". Ảnh: Infonet

Cũng theo đánh giá của nhà thơ này, khó mà khẳng định nhà thơ Phạm Tiến Duật đã sửa tác phẩm của Lưu Quang Vũ như vậy.

Một số nhà thơ khác mà chúng tôi có trao đổi, họ đều nhận định bản “đất cày” hay hơn. Nhưng họ cũng đánh giá “bùn” cũng không phải là không đẹp. Bởi xưa nay, người nông dân chân tay lấm bùn vốn quá quen thuộc với người Việt Nam và đó cũng là hình ảnh đẹp đẽ.

Việc nhà thơ, nhà văn nhiều lần phải sửa tác phẩm của chính mình, sai sót hay nhầm lẫn một vài từ ngữ là chuyện bình thường. Khó là, có sự tồn tại cả hai phương án như vậy thì chỉ người trong cuộc mới tường tận. Nhưng hiển nhiên, vẫn cần đưa ra sự thống nhất, mặc dù nét đẹp giữa “bùn” và “đất cày” còn phụ thuộc sự cảm thụ khác nhau của mỗi người.

Một nhà thơ khác có trao đổi với chúng tôi: “Người có thẩm quyền nhất về văn bản là gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ. Cá nhân tôi thấy “bùn” cũng đẹp chứ không nên hiểu “bùn” gắn liền với sự bẩn thỉu, hôi hám nên không thể dùng để so sánh với tiếng Việt”.

Tác giả phải chỉnh sửa tác phẩm của mình nhiều lần là chuyện bình thường, khó tránh khỏi những bản viết lệch nhau. Về bản thảo của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ được đưa ra (được cho là bản gốc) cũng khó mà khẳng định chắc chắn đó là bản chuẩn. Nhưng điều quan trọng hơn chính là sự thống nhất cần phải có trong việc lưu hành. Việc sách ôn thi “một đằng” nhưng đề thi lại “một nẻo” và sự không thống nhất giữa hai cuốn sách của cùng một nhà xuất bản nên được chỉnh lý lại.

Như thế, học sinh sẽ không phải bất ngờ khi nhận ra, sách ôn "một đằng" nhưng đề thi lại "một nẻo" khác.

Tra cứu GỢI Ý GIẢI CÁC MÔN THI THPT QUỐC GIA 2016 nhanh nhất tại http://diemthi.24h.com.vn/

Nhắn tin để nhận Gợi ý giải đề thi Quốc Gia môn Hóa năm 2016 sau khi kết thúc giờ thi,

soạn tin: DA [MãMôn] [MãĐề] gửi 6722

Ví dụ: Bạn vừa thi xong môn Hóa mã đề 123 ,

soạn tin:DA HOA 123 gửi 6722

(Để xem chi tiết bấm đây)

Theo Nông Thuyết
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục