Trẻ bị sốt xuất huyết: Biểu hiện và cách phòng tránh bệnh bố mẹ cần biết

Ngày 26/07/2017 15:12 PM (GMT+7)

Trẻ em là đối tượng dễ bị sốt xuất huyết nhất bởi sức đề kháng của các con còn yếu. Nếu cha mẹ không phát hiện sớm các triệu chứng sẽ khiến bệnh trở nên nặng hơn.

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút Dengue gây ra và muỗi vằn Aedes Aegypti là trung gian truyền bệnh. Muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó sang đốt người lành và mang bệnh. Bệnh này rất nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch.

Đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 58.246 ca mắc, 17 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Đặc biệt, tại miền Bắc, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh và diễn biến bất thường do khí hậu thay đổi, mưa nhiều, sản sinh ra ổ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng, do thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh.

Trẻ bị sốt xuất huyết: Biểu hiện và cách phòng tránh bệnh bố mẹ cần biết - 1

Sức đề kháng cơ thể trẻ thường yếu nên dễ nhiễm bệnh. Ảnh minh họa

Trẻ em là đối tượng dễ bị sốt xuất huyết nhất bởi sức đề kháng của các con còn yếu. Nếu cha mẹ không phát hiện sớm các triệu chứng sẽ khiến bệnh trở nên nặng hơn, gây ra những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng của trẻ.

Để bảo vệ trẻ trước sự hoành hành của loại bệnh dịch nguy hiểm này, các bậc phụ huynh cần trang bị cho bản thân mình những kiến thức cực kỳ quan trọng dưới đây:

Biểu hiện trẻ bị sốt xuất huyết

Mức độ nhẹ Mức độ nặng

- Sốt cao đột ngột trên 38 độ C, kéo dài trong 2 - 7 ngày

- Khó hạ sốt, đau đầu dữ dội vùng trán

- Đau mỏi cơ, khớp

- Đau sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban

- Trẻ sơ sinh thường bỏ bú, quấy khóc nhiều

- Các nốt ban (nốt xuất huyết) thường xuất hiện sau sốt 3 ngày

- Sốt cao đột ngột trên 38 độ C, có khi đến 40 độ C

- Đau đầu dữ dội vùng trán, đau nhãn cầu

- Xuất huyết ngoài da

- Mất nước

- Khó thở, tay chân mát lạnh

- Đau bụng nhiều, buồn nôn, nôn 3 lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày

- Chảy máu cam, chảy máu chân răng

- Dễ bị bầm tím

- Co giật...

Đôi khi những triệu chứng của trẻ có thể bị nhầm lẫn với các bệnh nhiễm virus khác. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát như hiện nay, khi nhận thấy trẻ sốt cao 2 ngày trở lên kèm theo hiện tượng phát ban và đau mỏi khớp, bố mẹ phải nghĩ đến sốt xuất huyết và nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết không được điều trị đúng cách hoặc điều trị muộn có thể gặp phải biến chứng như sốc, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp, suy gan, suy thận, rối loạn tri giác, tổn thương đa cơ quan. Những trường hợp biến chứng nặng như vậy, nếu không phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Hạ sốt đúng cách cho trẻ

Khi trẻ sốt từ 38,5-39 độ C, bố mẹ hãy cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol loại đơn chất, với liều 10-15 mg/kg cân nặng, 4-6 giờ một lần. Tuyệt đối không dùng các thuốc nhóm aspirin vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Người lớn cũng không được tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh vì chúng không có tác dụng gì với bệnh SXH mà chỉ làm trẻ mệt thêm. Trường hợp trẻ sốt cao, có thể áp dụng thêm phương pháp vật lý như lau nước ấm.

Trẻ bị sốt xuất huyết: Biểu hiện và cách phòng tránh bệnh bố mẹ cần biết - 2

Bố mẹ cần hạ sốt đúng cách cho trẻ (Ảnh minh họa)

Khuyến khích trẻ uống thật nhiều nước

Khi sốt trẻ dễ bị mất nước, cùng với triệu chứng mệt mỏi, kém ăn làm cho trẻ dễ thiếu nước thêm, vì vậy bố mẹ nên chú ý cho trẻ uống thật nhiều nước. Lượng nước dùng đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 500-1.500ml trong ngày, trẻ trên 5 tuổi khoảng 2.000 đến 2.500ml trong ngày.

Các loại nước mà trẻ có thể dùng được như nước cam, nước dừa, nước chanh, nước lọc. Nên thay đổi các loại nước khác nhau để trẻ không thấy chán. Không nên cho trẻ uống những loại nước có màu đỏ, nâu, đen hoặc có ga như nước xá xị, nước trái cây sậm màu, nước củ dền, dưa hấu.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ

Khi bị sốt kèm theo những triệu chứng khó chịu trên, trẻ thường sẽ quấy khóc và không chịu ăn. Lúc đó, bố mẹ hãy cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo dinh dưỡng, súp rau củ, sữa uống các loại… kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp trẻ mau lành bệnh.

Bố mẹ cần tránh cho con ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ trẻ sẽ thấy đầy bụng khó tiêu. Không ăn huyết heo, huyết vịt vì trẻ sẽ đi tiêu phân có màu đen, dễ lầm tưởng bị xuất huyết tiêu hoá.

Trẻ bị sốt xuất huyết: Biểu hiện và cách phòng tránh bệnh bố mẹ cần biết - 3

Khi bị sốt kèm theo những triệu chứng khó chịu trên, trẻ thường sẽ quấy khóc và không chịu ăn.  (Ảnh minh họa)

Cách phòng tránh sốt xuất huyết cho trẻ

- Cho trẻ mặc những trang phục dài tay bởi chúng sẽ như một lớp bảo vệ mỏng cho làn da của con trước sự tấn công của muỗi. Đặc biệt, hãy tránh mặc những gam màu sặc sỡ để không thu hút sự chú ý của muỗi.

- Bố mẹ hãy loại bỏ môi trường phát triển của chúng bằng cách dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để tránh cho muỗi sinh sôi và phát triển trong nhà. Đặc biệt chú ý dọn sạch sẽ ở những nơi muỗi dễ trú ngụ như vườn, thùng rác, các góc nhà, góc tủ...

- Không quên mắc màn khi cho bé đi ngủ

- Hạn chế cho trẻ ra ngoài vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn vì đó là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất.

- Phun thuốc diệt muỗi trong và xung quanh nhà

Thanh Loan (TH)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sốt xuất huyết