Trẻ nhỏ khóc nhiều về đêm: Bình thường hay bất thường?

Ngày 18/08/2017 15:56 PM (GMT+7)

Nguyên nhân khiến trẻ nhỏ khóc nhiều về đêm không chỉ dừng lại ở việc bé đói hay "thèm mẹ" mà còn bắt nguồn từ nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Việc trẻ nhỏ khóc đêm là chuyện rất phổ biến. Thông thường nguyên nhân có thể do con bị đói, quá nóng hay quá lạnh... nhưng đôi khi mọi chuyện không dừng lại ở đó. Hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân dẫn tới việc bé quấy về đêm và khi nào thì mẹ nên lo lắng qua bài viết dưới đây.

Bé khóc vì cần được chăm sóc

Nguyên nhân đầu tiên khiến trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 3 tuổi hay quấy khóc về đêm đó là bé muốn dùng tiếng khóc của mình để nói với bố mẹ rằng "con cần giúp đỡ, cha mẹ hãy chăm sóc con". Những nhu cầu khác mà các bé muốn thể hiện qua tiếng khóc có thể là muốn ăn, bé đang quá lạnh hay quá nóng hoặc chỉ đơn thuần là muốn báo cho người lớn biết "đã đến lúc thay tã mới cho con rồi".

Vậy việc mẹ nên làm lúc này là gì? Đó là Kiểm tra xem có đúng con cần giúp đỡ những việc này hay không và nếu đúng thì chiều theo nhu cầu của con. 

Trẻ nhỏ khóc nhiều về đêm: Bình thường hay bất thường? - 1

Bé khóc vì cần sự yêu thương, che chở

Trẻ nhỏ có nhu cầu được yêu, được quan tâm về mặt tinh thần rất lớn. Đôi khi những vẫn đề cảm xúc là nguyên nhân khiến các bé khóc vào ban đêm. 

Bé có thể giật mình tỉnh dậy vào nửa đêm và nhận ra xung quanh chỉ là bóng tối, im lặng và không cảm nhận được cha mẹ - tình yêu lớn nhất của bé ở đó. Và điều này làm bé cảm thấy cô đơn, sợ hãi.

Và tất cả những gì bé có thể làm là khóc để thu hút sự chú ý của mẹ, mong mẹ "chiều" theo nhu cầu của mình.

Không nên để bé tiếp xúc với một môi trường quá ồn, náo nhiệt hay xem những chương trình ti-vi có xu hướng bạo lực.

Mặc dù bé có thể chưa hiểu được nhưng lại dễ bị tác động dẫn tới việc không ngủ được và giật mình thức giấc vào ban đêm.

Có nhiều cha mẹ thường ôm con khi ngủ để hạn chế việc con khóc. Đây cũng là một cách nhưng chắc chắn sẽ tạo cho bé thói quen không tốt, bé sẽ không thể ngủ nếu thiếu đi "cái ôm yên bình" ấy của mẹ. 

Vì thế, mẹ chỉ nên dỗ dành, ôm khi con khóc, giúp bé an tâm và giữ như vậy cho đến khi bé ngủ trở lại chứ không nên thường xuyên ôm và ru con ngủ.

Bé khóc vì những vấn đề sức khỏe

Có khá nhiều trường hợp bé khóc đêm vì cảm thấy khó chịu, mệt mỏi hoặc cảm thấy đau ở đâu đó. Với mỗi vấn đề sức khỏe sẽ có cách nhận biết khác nhau và có thể bé sẽ khóc dữ dội và khó dỗ hơn bình thường.

Có một số bệnh lý thường gặp có thể là nguyên nhân khiến bé "thổn thức" về đêm như sau:

- Bé bị rối loạn tiêu hóa: Trong trường hợp này bé sẽ khóc không lớn lắm, nửa thức, nửa ngủ vì bé cảm thấy khó chịu nên khi mẹ cố cho bé ăn, bé sẽ một mực từ chối. Đôi khi bé còn bị đổ mồ hôi, trằn trọc, xoay người liên tục khi ngủ. Mẹ nên chú ý xem bé ăn có tốt không, đi vệ sinh có bình thường không, có quấy khóc vào ngày hôm sau không để xác định rõ ràng hơn.

Trẻ nhỏ khóc nhiều về đêm: Bình thường hay bất thường? - 2

Khó chịu trong người cũng khiến trẻ hay quấy khóc về đêm. Ảnh minh họa

- Bé bị rối loạn thần kinh: Trường hợp này, bé khóc rất lớn và nhiều khi ba mẹ không thể dỗ được.

- Bé bị đau dạ dày: Đây cũng là một nguyên nhân phổ biến khiến trẻ khóc đêm. Đặc điểm nhận dạng của loại rối loạn này là bé sẽ khóc lâu, tiếng khóc kéo dài, lớn và chói tai. Tư thế khóc của bé như muốn "cuộn tròn" người lại để giảm bớt đau đớn. Bên cạnh đó những trẻ mắc loại bệnh này khá nhạy cảm về tinh thần, dễ lo lắng, thường gặp ác mộng, khó ngủ và thèm ăn một số loại đồ ăn nhất định.

- Bé bị mỏi cơ, xương vì đang lớn: Trường hợp này không quá đáng ngại. Bé cảm thấy mỏi hơn khi ngủ vì đây là thời gian xương khớp phát triển mạnh. Tuy nhiên sự phát triển này cũng gây nên việc bé thức dậy và khóc.

- Bé bị nghẹt mũi: Sau khi cảm cúm có thể vẫn còn những "dịch" kẹt lại trong mũi khiến bé khó thở và gây đau đầu dẫn tới mất ngủ. Nếu bé của bạn mới khỏi ốm, hãy kiểm tra kĩ càng đường thở cho bé. Tốt nhất nên sử dụng các cách "thông" mũi phù hợp với trẻ nhỏ để giúp con ngủ ngon hơn.

Có thể nói việc trẻ nhỏ khóc đêm là bình thường vì các con vẫn chưa phát triển đầy đủ nên còn nhiều vấn đề dẫn đến việc này. Tuy nhiên mẹ nên quan tâm, chú ý đến bé để phát hiện những "hiện tượng lạ" có thể xảy ra để có hướng xử trí kịp thời.

Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ.

Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia. 

Ngọc Quỳnh (dịch theo Pingminghealth)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giấc ngủ của bé