Tròn mắt xem mẹ Canada dạy con

Ngày 03/01/2014 04:52 AM (GMT+7)

Có con to không bằng con giỏi, con giỏi cũng chẳng bằng con ngoan. Đó là điều tôi học được từ người bạn Canada .

Có chồng sang Canada làm tiến sỹ 2 năm nên tôi cũng được dịp cùng anh sang đất nước Bắc Mỹ 2 năm làm “nồi cơm điện” cho chồng. Chúng tôi khi sang đấy vẫn còn là một cặp vợ chồng son. Vậy nhưng tôi đã có ao ước mãnh liệt được sinh con và làm mẹ tại Canada. Ao ước đó của tôi càng được củng cố khi tôi thấy được ở đây, cách những người mẹ Canada dạy con mình cư xử, thái độ đối với người lớn khi tôi đến nhà họ chơi. Tôi gặp nhiều trẻ con Việt khi có khách đến nhà, phần lớn đều tỏ ra không quan tâm đến ai và "nghịch như quỷ". Nhất là khi đến nhà người khác, các bé không bao giờ tự giác chào người lớn tuổi. Thường cứ để bố mẹ nhắc con mới lí nhí cất tiếng chào. Thấy nhà có khách thì được thể chạy lăng xăng nghịch ngợm, ai nói cũng không nghe. Điều này thường khiến mẹ Việt ngại dẫn con đi chơi cùng hoặc khi có khách đến nhà thì "đuổi" con về phòng chơi. 

Có con to không bằng con giỏi, có con giỏi cũng chẳng bằng con ngoan. Đó là điều tôi học được từ Julia - người bạn, người hàng xóm, người mẹ Canada tôi vô cùng ngưỡng mộ. Tôi muốn chia sẻ với chị em những bài học tuyệt vời về cách dạy con cư xử khi gặp người lạ “kiểu Canada” tôi học được từ Julia

Con cũng là chủ nhà

Khi có khách đến nhà, trẻ nhỏ thường hay quấy, nghịch ngợm vì chúng không tò mò khi mẹ cấm chúng chạy lại gần nơi mẹ tiếp khách. Julia không làm như vậy. Để con luôn được khen là ngoan khi khách đến chơi nhà, Julia cho bé cảm giác bé cũng là chủ nhà và tham gia vào việc tiếp khách. Ví dụ như để con chỉ cho khách chỗ cất giày hay bê cốc nước ra mời các cô chú. Trẻ sẽ tự động cảm thấy như mình đang là “người lớn” và do đó, cũng cư xử rất “người lớn” khi có khách đến nhà. 

Sửa sai đúng cách

Khi cần chỉ bảo con cách cư xử, tôi để ý thấy Julia không bao giờ nói từ “Không” với con mà luôn chỉ cho con thấy cụ thể cách xử xử đúng thì phải như thế nào. Ví dụ, không nên nói “Đừng chạy” mà nên nói “Con chỉ được đi nhẹ nhàng quanh bàn ăn của mình" hoặc thay vì nói “Con phải xin người lớn thế nào?”  thì Julia nói thẳng “Khi xin người lớn cái gì, con đều phải nói có được không ạ”.

Những câu “luật” nho nhỏ như vậy, nếu được nhắc đi nhắc lại thường xuyên, trẻ sẽ hiểu về tiêu chuẩn cư xử của mẹ để làm theo cho đúng.

Con cắt, em chọn

Nhiều mẹ Việt phát ngượng khi thấy con mình tranh giành đồ chơi, bánh kẹo của con bạn khi đi chơi cùng nhau. Dạy con cách biết chia sẻ và công bằng không khó. Ngay cả với những đứa trẻ đang độ tuổi thích mình là “trung tâm vũ trụ” chỉ bằng qui tắc đơn giản: Con cắt, em chọn. Julia rất hay dùng câu nói đó. Đơn giản, khi mua một miếng bánh về cho hai đứa trẻ, Julia luôn cho con trai mình cắt trước nhưng cậu bé còn lại sẽ là người được chọn trước. Như vậy, bé sẽ học được cách phải công bằng và biết chia sẻ nhờ thấu hiểu cảm giác của người đối diện.

Tròn mắt xem mẹ Canada dạy con - 1
Trẻ biết lịch sự khi có khách đến nhà sẽ khiến bố mẹ "nở mày nở mặt" vì con ngoan (ảnh minh hoạ)

Dấu hiệu bí mật

Dạy trẻ con biết làm thế nào để không chen ngang, ngắt lời người lớn hoặc nói leo là vô cùng quan trọng nhưng lại rất khó bởi chúng luôn hiếu động và khó có thể tỏ ra kiên nhẫn và lịch sự. Mẹo của Julia, đó là dạy con những dấu hiệu bí mật để sử dụng khi cậu bé cần sự chú ý của mẹ. Như vậy, Julia không bao giờ rơi vào tình huống khó xử hoặc cảm thấy xấu hổ vì con chen ngang, nói leo người lớn.

Phạt con không bằng đánh đòn

Biện pháp phạt con của mẹ Canada hay rất nhiều mẹ Tây đều giống nhau nhưng một lần nữa, tôi vẫn muốn nhắc lại. Mẹ Việt hay mắng con, đánh con hoặc đe doạ “Nếu con không tắt tivi, mẹ sẽ cấm con xem tivi một tháng” hay “Nếu con không ăn thì mẹ sẽ mách cô giáo”… Những cách phạt con này không hiệu quả vì nếu đánh mắng con sẽ chỉ khiến bé thêm oán giận mẹ. Nếu doạ nạt con mà không thực hiện đúng như lời doạ, lâu dần sẽ chỉ khiến con “nhờn” thêm. Cách phạt tốt nhất mẹ Canada dành cho trẻ nhỏ, đó là “time-out”. Mỗi khi trẻ hư, Julia  sẽ  yêu cầu con vào phòng đóng cửa hoặc phạt đứng góc tường. Những lúc như vậy, trẻ sẽ có thời gian để bình tĩnh lại sau cơn bực bội của mình và suy ngẫm về hành động đã làm. Sau thời gian time-out, việc trò chuyện và nói cho con biết bé đã sai ở đâu cũng dễ dàng hơn rất nhiều.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ tây dạy con