Xóm trọ tình người của cô Dung “vé số”

Ngày 17/09/2015 00:06 AM (GMT+7)

Sau buổi mưu sinh, một nhóm người bán vé số xa nhà lại hối hả trở về xóm trọ nhỏ nằm gần một khu đường tàu cũ.

Ở đó, họ được cô chủ trọ Phan Thị Dung (56 tuổi, trú tại P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) miễn phí toàn bộ chi phí ăn ở, sinh hoạt và đối đãi như người nhà.

Xóm trọ của những người bán vé số

Những người dân ở khu đường tàu phường Xuân Hà hay gọi cô Dung là “cô Dung vé số” hoặc “cô Dung tốt bụng”. Năm 1988, chồng cô Dung qua đời sau một cơn bệnh nặng. Rồi sau đó vài năm, hai trong số bốn đứa con cũng theo chân người cha về cõi vĩnh hằng. Vượt qua nỗi đau, cô tiếp tục lặn lội hàng chục cây số đi bán vé số dạo. Trời không phụ lòng người, đến năm 2000, cô dùng số vốn tích cóp được mở một đại lý vé số ngay tại nhà.

Những ngày tháng bươn chải bên xấp vé số, cô Dung hiểu được nỗi cực nhọc của những người “đi bán ước mơ giàu sang cho thiên hạ”, hiểu được trăn trở của những người mưu sinh xa nhà. “Họ đều là những người cực khổ, nghèo khó, có người còn bị khuyết tật.  Đi bán vé số thì bữa đắt bữa ế, làm sao mà xoay xở tiền trọ được”, cô Dung tâm sự.

Xóm trọ tình người của cô Dung “vé số” - 1

Cô Dung bên những người bán vé số trong xóm trọ

Nghĩ là làm, cô dành tiền xây một dãy trọ 20 phòng cho những người bán vé số dạo xa nhà. Những người được cô giúp đỡ phần lớn là người cao tuổi, khuyết tật, không có khả năng làm việc nặng nhọc. Cứ vào sáng sớm, họ lại sang đại lý của cô Dung lấy vé đi bán, buổi chiều thì trở về trọ, có người còn tranh thủ lấy thêm vé đi bán buổi tối. Không chỉ được miễn phí tiền sinh hoạt, họ còn được cô “miễn” luôn tiền đặt cọc khi lấy vé số từ đại lý.

“Có người hỏi làm vậy không sợ người ta cầm vé số của mình đi luôn sao, tôi chỉ biết đã làm ăn lâu dài thì cần phải tin tưởng họ, huống hồ gì lòng tin con người đâu phải là thứ để thế chấp hay đặt cọc. Cũng có trường hợp người ta lấy vé số của mình rồi đi không về, giận lắm mà cho qua vì nghĩ người ta cực quá mới làm vậy”, cô Dung cười cho biết.

Xóm trọ tình người của cô Dung “vé số” - 2

Xóm trọ tình người của cô Dung “vé số” - 3

Cô Dung bên đại lý vé số của mình

Xóm trọ tình người của cô Dung “vé số” - 4

Nụ cười của những người bán vé số xa nhà

Như một gia đình

Bước vào dãy trọ của cô Dung, chúng tôi gặp anh Dương Tấn Kiểm (47 tuổi, quê Quảng Ngãi), một người bán vé số khuyết tật. Anh Kiểm kể: “Ngày trước gia đình tôi khó khăn, chị Dung cho tôi vay nóng 15 triệu mà không cần bất kỳ giấy tờ thế chấp nào. Đến giờ đã trả hết tiền cho chị rồi nhưng vẫn thấy còn nợ người ta nhiều lắm”.

Xóm trọ tình người của cô Dung “vé số” - 5

Cụ ông Hồ Hải (70 tuổi, quê Quảng Ngãi) đếm những xấp vé số để bán cho ngày hôm sau.

Cùng quê với anh Kiểm trong xóm trọ còn có cụ ông Hồ Hải (70 tuổi). Cầm trên tay xấp vé số vừa lấy cho ngày hôm sau, cụ Hải tâm sự: “Cô Dung quan tâm tới đời sống tụi tôi lắm. Dịp Tết nhất còn mang quà Tết qua cho cả xóm trọ, ai bệnh tật đau ốm gì cứ gọi là cổ chạy qua liền”. Những ngày rảnh rỗi, cô Dung tìm về gia đình của những người bán vé số ở quê để hỏi thăm, giúp đỡ. Rồi cô lại liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng để xin tài trợ xe lăn cho những người bán vé số khuyết tật.

Không chỉ tạo việc làm cho những người xa nhà, cô Dung còn quan tâm giúp đỡ cuộc sống của họ. Những chai nước mắm, bao gạo, viên thuốc, lọ dầu… của cô Dung tuy không lớn về giá trị vật chất, nhưng lại có giá trị lớn lao về tình thương giữa người với người. Nhờ thế mà không khí ở xóm trọ lúc nào cũng vui vẻ, hòa đồng như trong một gia đình. Những người bán vé số xem cô Dung như ân nhân, xem cô như người nhà, xem những người cùng cảnh ngộ như anh em, xem xóm trọ đầy tình thương này như mái nhà thứ hai của mình.

Cứ thế, đã hơn một thập kỷ trôi qua, tình người dưới xóm trọ ấy vẫn ấm áp như những ngày đầu. Có những người đến rồi đi khỏi xóm trọ, mang ước mơ làm giàu đến với người đời. Dù đường mưu sinh có vất vả đến đâu, họ vẫn biết sau lưng có một mái ấm tình thương để trở về.

Đoàn Lê
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Việc tử tế