"Chàng trai năm ấy": Lắm nỗi buồn, nhiều hi vọng

Ngày 19/01/2015 00:08 AM (GMT+7)

Hơn nửa tháng sau ngày công chiếu, "Chàng trai năm ấy" vẫn đang là bộ phim "hút" khách nhất các phòng vé ở Việt Nam suốt thời gian qua.

Được truyền thông rầm rộ với danh nghĩa là bộ phim làm về cuộc đời của nam ca sĩ Wanbi Tuấn Anh, cùng với đó là một hành trình gian nan cho đến khi ra được rạp, Chàng trai năm ấy xứng đáng là cái tên được vinh danh trong tháng phim đầu tiên của năm 2015.

Khán giả khó tính có thể cau mày mà nói về Chàng trai năm ấy như một bước “dậm chân tại chỗ” của đạo diễn Quang Huy và WePro khi đêm bộ phim này so sánh với Thần tượng – một phim khác cũng do Quang Huy đạo diễn, ra mắt năm 2014, thì có nhiều điểm không bằng trong cả nội dung và cách dẫn truyện. Tuy nhiên phần đông khán giả lại đứng về phía ủng hộ bộ phim, với tất cả những điểm mạnh cũng như thiếu sót của nó.

quot;Chàng trai năm ấyquot;:  Lắm nỗi buồn, nhiều hi vọng - 1

"Chàng trai năm ấy" có những thước phim rất đẹp.

Sau khi phim được công chiếu, hẳn người xem còn nhớ đến câu chuyện Lý Minh Tùng đã có những lời nhận xét úp mở, rằng Đình Phong khác hoàn toàn với hình ảnh Wanbi Tuấn Anh. Điều này đúng. Đình Phong không phải Wanbi, cũng không có được những nét tính cách của nguyên mẫu.

Nhưng hãy nhìn bộ phim một cách khách quan hơn, hãy cảm nhận nó là chính nó chứ không phải Bắt đầu từ một kết thúc, hẳn nhiên khán giả vẫn cảm nhận được tinh thần và nghị lực sống của một chàng trai kiên cường, quyết không để bị số phận đánh bại. Dù có đau đớn, dù có gục ngã, anh vẫn đứng lên, vẫn sống với đam mê của mình, vẫn yêu thương cả thế giới xung quanh… Hình ảnh ấy mới là cái chúng ta nên nhớ đến, đúng hơn là nhớ về, chứ không phải một bản liệt kê từng nét nhỏ trong tính cách của hai người. Quang Huy có cái lý của Quang Huy khi xây dựng nên một Đình Phong như thế, và chúng ta cũng nên cảm ơn anh, vì đã kể lại một câu chuyện vừa đẹp đẽ, vừa buồn bã, vừa tràn ngập màu xanh của hi vọng, nhưng cũng nhuốm sắc xanh u buồn.

quot;Chàng trai năm ấyquot;:  Lắm nỗi buồn, nhiều hi vọng - 2

Dàn diễn viên triển vọng của bộ phim.

Nếu ví nội dung của Chàng trai năm ấy giống như một chuyến đi, thì trong đoạn đầu của cuộc hành trình ấy, người lái xe – đạo diễn Quang Huy đã gặp khó khăn khi bắt đầu. Mở đầu bộ phim, khán giả đã liên tục bị chọc cười bằng một chuỗi những sự kiện dồn dập, vừa đủ để giới thiệu các nhân vật và để khán giả làm quen với họ, vừa đủ để tạo ra không khí vui nhộn có chút khùng điên đúng chất tuổi trẻ.

Nhưng tất cả những điều “vừa đủ” ấy không đủ để tạo ra một mạch phim trôi chảy. Mạch phim chỉ thực sự được đẩy lên cao trào khi Đình Phong phát bệnh. Từ sau khoảnh khắc ấy, khán giả mới thực sự được trải nghiệm một câu chuyện đầy ắp cảm xúc, niềm vui xen lẫn nỗi buồn, đớn đau tan nhoà cùng hạnh phúc… đó cũng là cái tài của Quang Huy đã được thể hiện qua bộ phim Thần tượng năm nào.

quot;Chàng trai năm ấyquot;:  Lắm nỗi buồn, nhiều hi vọng - 3

Những mối quan hệ của các nhân vật trong phim mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc.

Khi bạn đang sống trong những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời, xung quanh là những người bạn chí cốt hiểu và yêu bạn như hiểu và yêu chính bản thân mình, bạn được làm công việc mình thích, và yêu cô gái mình yêu… liệu bạn nghĩ câu chuyện cuộc đời mình sẽ ngắn hay dài? Sẽ dừng lại khi ở ngay những chương bắt đầu hay sẽ chỉ khép lại khi đã đi đến những chương cuối cùng? Chàng trai Đình Phong có lẽ sẽ chẳng bao giờ đặt ra câu hỏi ấy. Anh là mẫu người luôn lạc quan, bốc đồng và có cả một chút háo thắng kiểu trẻ con – một đứa trẻ yêu, và được yêu quá nhiều.

Hình ảnh của Đình Phong không giành được thiện cảm của người xem ngay trong những phút phim đầu tiên, nhưng lại làm người xem đau lòng vô cùng vào những khoảnh khắc cuối cùng. Người ta không nỡ nhìn một con người như thế bị tước đoạt từng chút, từng chút, không đơn thuần chỉ là cuộc sống hay sức khoẻ, mà là ước mơ và cả tương lai phía trước. Cảm giác về một cái kết “biết trước” ấy dường như là một điều ám ảnh, để mỗi nụ cười, mỗi bước đi, mỗi cái nhìn thách thức của anh đều khiến người ta đau lòng.

quot;Chàng trai năm ấyquot;:  Lắm nỗi buồn, nhiều hi vọng - 4

Sơn Tùng đã thể hiện rất tốt hình ảnh bệnh tật và tăm tối của Đình Phong

Tuy lần đầu tiên dạm ngõ điện ảnh nhưng Sơn Tùng M-TP đã hoàn thành trọn vẹn vai diễn chàng ca sĩ tài hoa bạc mệnh Đình Phong. Hẳn nhiên thành công ấy một phần có được là nhờ sự tương đồng trong tính cách giữa diễn viên và vai diễn – tính cách của Đình Phong và Sơn Tùng khá giống nhau, và anh chàng chẳng khó khăn gì để “diễn lại mình” trên màn ảnh. Nhưng nếu chỉ có vậy, thì chắc chắn Sơn Tùng sẽ “hụt hơi” ở phần sau của bộ phim, khi khía cạnh tăm tối hơn của Đình Phong ngày càng được bộc lộ rõ.

Những đớn đau, hi vọng rồi thất vọng, cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để rồi cuối cùng bất lực bật thành tiếng khóc… hoặc Sơn Tùng đã từng trải qua những cung bậc cảm xúc ấy trong cuộc đời mình, chí ít thì cũng qua những bài hát cậu thể hiện, hoặc cậu có một bản năng của một diễn viên đầy triển vọng. Thậm chí đoạn clip thử vai của nhân vật Đình Phong trong bộ phim chính là đoạn thử vai có thật của Sơn Tùng M-TP cho vai diễn Đình Phong trước khi phim khởi quay. Sẽ cần rất, rất nhiều thời gian và những bộ phim tiếp sau đây kiểm chứng, nhưng trong khuôn khổ của Chàng trai năm ấy, có thể nói Sơn Tùng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Cậu đã tạo ra một Đình Phong độc nhất, không thể nhầm lẫn hay xoá nhoà.

Bên cạnh Sơn Tùng là một dàn diễn viên – ca sĩ mà phần nhiều trong số họ khán giả đã có cơ hội được kiểm chứng tài năng diễn xuất. Đó là một Hứa Vĩ Văn dày dạn kinh nghiệm diễn xuất lần đầu tiên vào một vai diễn có nét đột phá tính cách so với các vai trước đây, là Ngô Kiến Huy – chàng ca sĩ có khả năng diễn xuất không tồi đang trên đường tìm kiếm một vai diễn thực sự xứng đáng, là Phạm Quỳnh Anh – đã từng góp mặt trong bộ phim Thần tượng hay Hari Won – tuy mới chỉ là vai diễn đầu tiên nhưng đã nhập vai rất tốt. Năm người, mỗi người một màu sắc riêng, một cá tính riêng, đã làm nên những Lâm, Băng, Hà, Sky không thể trộn lẫn, không thể không yêu mến hay thứ tha.

quot;Chàng trai năm ấyquot;:  Lắm nỗi buồn, nhiều hi vọng - 5

Hứa Vĩ Văn lần đầu thử sức với một vai diễn khá phức tạp.

Chàng trai năm ấy đẹp. Câu chuyện đẹp, hẳn nhiên. Hình ảnh của bộ phim đẹp, chính xác. Nhưng bộ phim còn đẹp ở những chi tiết tạo cảm xúc có thể dễ dàng bị bỏ qua. Đó là cảnh quay khi Lâm và Phong gặp mặt nhau ở cửa bệnh viện, khi Phong say mê phác hoạ sân khấu live-show trong mơ của mình, còn Lâm thì ngổn ngang giữa bao lối đi tuyệt vọng. Cảnh quay ấy đã truyền tải được tất cả mọi thứ - khát vọng của Phong, và nỗi đau trong sâu thẳm trái tim Lâm.

Hay như một cảnh phim khác, khi Phong ở trong phòng mổ, đơn độc trong cuộc chiến của riêng mình, còn ở bên ngoài, bạn thân và gia đình của cậu thì cầu nguyện cho cậu bình anh: mỗi người một phách, mỗi người cầu một thánh một thần theo tín ngưỡng của riêng họ, nhưng vượt trên tất cả những bất đồng tín ngưỡng đó, là tình yêu chân thành trong từng lời nguyện ước. Không cần những trường đoạn ẩn dụ phức tạp, không cần phải nghiêm túc hay u buồn, Chàng trai năm ấy vẫn khiến người xem cảm nhận được cảm xúc một cách trọn vẹn nhất ngay cả trong những khoảnh khắc khiến họ bật cười.

Đôi lúc, khi còn mơ mộng, người ta sẽ ước ao có được những mối tình khắc cốt ghi tâm như của Đình Phong và Sky, nhưng cũng có những thời điểm khác, khi đã mỏi gối chùn chân, họ lại mơ về một tình yêu giản đơn như cặp đôi Băng – Hà, hoặc lại có những lúc, đắm chìm trong cô đơn, họ lại muốn có được sự độc lập và tự chủ cuộc đời mình như Lâm. Mỗi cặp nhân vật trong Chàng trai năm ấy đều tượng trưng cho một mơ ước người ta có thể có trong đời. Sống giữa bạn bè, được yêu thương, được mọi người hi sinh vì mình, thì người ta sao nỡ chia tay, nhất lại là sự chia ly mãi mãi, hay như Đình Phong đã nói, đó là sự “dừng chân trên con đường tuổi trẻ”. Tuổi trẻ của anh là thứ “tuổi trẻ để dành”. Để dành cho một kiếp sống khác, một chân trời khác, hoặc có lẽ, để cho một người khác.

quot;Chàng trai năm ấyquot;:  Lắm nỗi buồn, nhiều hi vọng - 6

Cái kết bất ngờ của "Chàng trai năm ấy".

Chàng trai năm ấy là một câu chuyện bi kịch. Nhưng bi kịch ấy không khép lại bằng sự chia ly. Chia ly chỉ là một bước nghỉ, một sự ngắt nhịp. Cuộc sống rồi sẽ tiếp tục, dù có muốn hay không. Vì buồn đau nên người ta mới nuôi hi vọng, và vì có hi vọng, nên những vết thương sẽ được chữa lành. Bộ phim có một kết thúc đặc biệt, đặc biệt không chỉ vì nó không giống với kiểu kết thường thấy của những bộ phim Việt Nam, mà còn bởi thông điệp tích cực mà nó mang đến, như bầu trời xanh rộng mở, như biển xanh tràn đầy sóng vỗ… Khi một trong hai người yêu nhau chết đi, là họ đã sống trọn với nhau một cuộc đời. Người ra đi đã ra đi rồi, và người ở lại cũng thanh thản mà bước tiếp, không ràng buộc, không phán xét – đấy chính là thứ hi vọng được ươm mầm ở những phút cuối cùng của bộ phim.

 

Mọi thứ của Chàng trai năm ấy đều ở đúng chỗ của nó, trọn vẹn cả về nội dung và cảm xúc. Một bộ phim chất chứa tầng tầng lớp lớp nỗi đau và dang dở, nhưng lại mang màu sắc của hi vọng và đam mê.

Anh Phan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Điểm phim hay