Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga: “Tôi không còn lòng tin vào bất cứ ai”

Ngày 25/06/2017 08:12 AM (GMT+7)

Đấy chính là lý do bị cáo Trương Hồ Phương Nga, người bị đại gia Cao Toàn Mỹ tố cáo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 16,5 tỉ đồng nêu ra trước tòa khi từ chối trả lời câu hỏi của HĐXX. Cách ứng xử điềm tĩnh của nữ bị cáo này khiến nhiều người theo dõi phiên tòa cảm thấy bất ngờ.

“Quyền im lặng”

Những ngày qua, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Trương Hồ Phương Nga (SN 1987, trú tại Hà Nội, Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (SN 1987, ngụ tại TPHCM) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 16,5 tỉ đồng của đại gia Cao Toàn Mỹ đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ phía dư luận. Trước khi phiên tòa diễn ra, nhiều người đã có những giả thuyết cho riêng mình. Tuy vậy, thực tế diễn ra trong 2 ngày xét xử (22 - 23/6) đã khiến cho dư luận không khỏi bất ngờ.

Ngay trong phần xét hỏi tại tòa ngày 22/6, bị cáo Phương Nga đã xin chủ tọa được dùng “quyền im lặng” và giữ nguyên lời khai như phiên tòa trước đó (21/9/2016), đồng thời không trình bày thêm. Nói về lý do, thực hiện “quyền im lặng”, Phương Nga nói: “Do không còn lòng tin vào bất cứ ai”. Đồng thời, Phương Nga nhấn mạnh, việc thực hiện “quyền im lặng” là do chủ ý của bị cáo, không bị ai ép buộc gì. Thái độ trên của Phương Nga vẫn được bị cáo áp dụng khi đối đáp với đại diện VKSND.

Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga: “Tôi không còn lòng tin vào bất cứ ai” - 1

Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ tại phiên tòa. Ảnh: TL

Khi công tố viên hỏi bị cáo Phương Nga về các lời khai của người liên quan tại tòa, Phương Nga không ý kiến và nói với công tố: “Sự im lặng không có nghĩa là nhận tội hay không nhận tội, sự im lặng chỉ là sự im lặng”. Đồng thời, Phương Nga cũng cho rằng cô “không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội, bị oan. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Và với những bằng chứng ngụy tạo trong vụ án thì không thể kết tội bị cáo”. Chính thái độ điềm tĩnh cùng những câu trả lời hết sức dứt khoát và rõ ràng của bị cáo Trương Hồ Phương Nga đã khiến cho tất cả những người theo dõi diễn biến phiên tòa tỏ ra vô cùng bất ngờ.

Cũng theo lời của Phương Nga, cô chỉ khai toàn bộ sự thật với duy nhất luật sư Nguyễn Văn Dũ (một trong 5 người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cô lần này). Tuy nhiên, trong cuối ngày làm việc, Phương Nga khai với HĐXX việc ký vào các biên bản nhận tiền mua nhà là hoàn toàn theo hướng dẫn và kịch bản của người phụ nữ tên Mai Phương. Kịch bản mua bán nhà xuất hiện sau khi cô bị ép viết giấy nợ tại quán karaoke và trước khi bị bắt. Thời điểm làm các giấy tờ này, Phương Nga được bà Mai Phương hướng dẫn làm, sau khi ông Cao Toàn Mỹ lần đầu tiên tố cáo cô. Bà Mai Phương nói sẽ đem nộp cho cơ quan điều tra nhưng sau đó lại do ông Mỹ đưa cho công an.

HĐXX yêu cầu luật sư Nguyễn Văn Dũ cung cấp các chứng cứ được cho là "chứng minh Phương Nga bị oan" để xem xét, làm rõ vụ án. Ông Dũ đề nghị tòa không công khai những chứng cứ này vì ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người liên quan.

Nhiều mâu thuẫn trong lời khai của ông Cao Toàn Mỹ

Tại tòa, ông Mỹ cho biết, bản thân quen biết với Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga trong khoảng thời gian từ 2009-2010. Lúc đầu, hai người khá thân thiết, nhưng sau đó do xảy ra nhiều mâu thuẫn nên mối quan hệ không còn như trước. Ông Mỹ cũng phủ nhận mối quan hệ tình cảm với Phương Nga và cho rằng bị cáo hứa hẹn giúp ông mua nhiều căn nhà, sau đó lấy lý do không mua được để trốn tránh khi đã nhận đủ tiền. Ông Mỹ cũng phủ nhận và khẳng định mình không phải là chủ nhân của địa chỉ email chứa nội dung thể hiện tình cảm và trao đổi với Nga về "thỏa thuận tình ái" được lan truyền trên mạng.

Về việc mua bán căn nhà trên đường Nguyễn Trãi (TPHCM), khi được HĐXX đề cập tới việc ông Mỹ cho biết có đi xem, nhưng chỉ quan sát bên ngoài và tìm hiểu giá thị trường là 21 tỷ đồng. Điều đáng nói, khi Chủ tọa phiên tòa hỏi thời điểm nào biết có những giấy tờ giả như di chúc, biên nhận trả cọc… ông Mỹ không trả lời. Phải đến lần thứ ba tòa nhắc lại câu hỏi, ông Mỹ mới nói: "Chỉ biết khi cơ quan điều tra đưa cho". Lý giải về sự chênh lệch số tiền mà ông Mỹ đã chuyển cho Phương Nga, kể cả thông qua tài khoản của bị cáo Dung với lời khai trước đó, ông Mỹ cho rằng, lời khai đầu tiên có sự nhầm lẫn. Bên cạnh đó, ông Mỹ cũng xin lỗi HĐXX khi không khai báo đầy đủ.

Trả lời về mối quan hệ với Phương Nga, ông Mỹ cho biết chỉ là bạn bè hợp tác chuyện làm ăn. Trong thời gian quen biết, hai người đã từng đi công tác nước ngoài. Trong chuyến đi công tác đó, ông Mỹ và Phương Nga ở chung khách sạn chứ không ở chung phòng. Lúc đầu ông Mỹ cho biết, mình là người đứng ra thanh toán tiền khách sạn cho cả hai. Tuy nhiên, sau đó lại thay đổi chỉ thanh toán tiền cho một mình ông.

Giải thích về một số hóa đơn, sổ tử vi… liên quan đến Phương Nga mà cơ quan điều tra thu được trong nhà mình, ông Mỹ nói từng mua hàng giùm Phương Nga và "cô Nga rất rành bói toàn nên xem cho tôi". Khi Chủ tọa truy vấn "lý do lần đầu tố cáo Nga vay mượn tiền" chứ không phải lừa đảo, ông Mỹ cho rằng, vì Hoa hậu Phương Nga cương quyết tố mình vi phạm luật hôn nhân nên mới "chính thức tố Nga lừa đảo".

Ở một diễn biến khác, đại diện VKSND công bố lời khai của bị cáo Nguyễn Đức Thùy Dung trong giai đoạn điều tra, khác với lời khai tại tòa, trong đó có nội dung Phương Nga nhờ luật sư cố vấn trong một số việc đã làm. Đáp lời đại diện VKSND, bị cáo Dung nói "sẽ im lặng" nếu những lời khai của mình bị thành kiến, bởi lời khai trước đó là bị ép buộc.

Liên quan tới thái độ xin được thực hiện “quyền im lặng” của bị cáo Trương Hồ Phương Nga trước tòa, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư Phạm Văn Liêm - Trưởng Văn phòng luật sư Quang Liêm (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: Hiện nay, chưa có quy định cụ thể nào về quyền im lặng của bị can, bị cáo. Tuy nhiên nó nằm rải rác ở các điều luật, quy định một cách “gián tiếp” về “quyền im lặng” trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Cụ thể tại điểm e, khoản 1, điều 58; khoản 2, điều 59,60,61; điểm b, khoản 1 điều 72; khoản 3 điều 309 và điều 15.

Nếu đối chiếu những quy định trên vào trường hợp của Phương Nga thì có thể áp dụng điều 15 là người bị buộc tội không buộc phải chứng minh mình vô tội mà trách nhiệm chứng minh người đó có tội thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng.

Đồng thời, áp dụng khoản 3, điều 309 cho phép tại phiên tòa, trong giai đoạn xét hỏi nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì HĐXX, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án. Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo được đặt câu hỏi với bị cáo khác về các vấn đề có liên quan đến bị cáo.

Theo T.Dung – X.Thắng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự