Ký ức Tết qua những giọt nước mắt của nhà văn Lê Lựu

Ngày 01/02/2014 07:54 AM (GMT+7)

30 Tết năm 1973, trên đường ra Xa-ra-van (Lào), các nữ Thanh niên xung phong bỗng thi nhau khóc vì nhớ nhà. Suốt đêm, 2 thanh niên Lê Lựu và Bằng Việt có nhiệm vụ đi “dỗ dành”.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, nhà văn Lê Lựu liên tục khóc. Ông khóc khi nhớ lại những ký ức về ngày Tết xưa - cái thời ông chưa được biết đến là một nhà văn hiện thực.

Lê Lựu khá già so với tuổi 71 của mình. Nhiều người nói, Lê Lựu sở hữu một số phận cay đắng, bi thương của kiếp người cầm bút cả những khi ở trên đỉnh cao của sự sáng tạo. Ông có một người con với người vợ đầu, và hai con với người đàn bà thứ hai. Nhưng giờ, ông chỉ có thể kể về các con với tâm thức của một người cha già hoài niệm những ký ức đẹp.

Tết vui vì không phải đi chăn bò

Nếu bánh đúc, khoai, sắn là món ăn vặt nhiều người thích thời nay thì với nhà văn Lê Lựu, đó là những thức ăn “đáng sợ” nhất trong cuộc đời.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), nhiều tác phẩm văn học của nhà văn này cũng lấy chất liệu từ quê hương. Nói về “ký ức Tết xưa” với tôi, đôi mắt ông say sưa, ánh lên niềm vui không thể tả bằng lời. Tết với ông là những cuộc chơi rong ruổi suốt buổi mà không phải đi chăn bò. Những trò chơi Tết thường là đánh đu, đánh đáo, cướp pháo, hay đơn giản chỉ là được xem dựng cây nêu. Nhưng điều Lê Lựu sung sướng nhất khi Tết về là được “ăn cơm trắng”. Ông kể, quanh năm suốt tháng, ông cùng gia đình chỉ biết đến ngô, khoai, sắn. Khá hơn, kỳ công hơn cũng chỉ là bánh đúc được làm từ bột ngô xay.

Ký ức Tết qua những giọt nước mắt của nhà văn Lê Lựu - 1

Tết trong ký ức của nhà văn Lê Lựu là những trò đánh khăng, đánh đáo suốt buổi mà không phải đi chăn bò.

Không được ăn cơm trắng trong ngày thường nhưng chí ít, gia đình Lê Lựu cũng cố gắng cho các con ăn vài bữa dịp Tết. "Ấy thế mà, nhà bà cụ Phòng cùng thôn - cạnh bãi nơi tôi hay chăn bò cũng không có nổi vài ba bữa cơm cho các con". Đó là điều khiến ông khóc mãi khi kể với tôi.

Ông kể rằng, chiều 30 Tết năm đó, cậu bé Lựu rong bò về nhà trong tâm trạng háo hức, lâng lâng vì sắp được ăn cơm trắng. Qua nhà bà cụ Phòng (góa chồng, nuôi một bầy con dại), thấy anh con trai lúi húi ngâm ngô, chuẩn bị xay làm bánh đúc. Bao nhiêu háo hức về bữa cơm trắng sắp được ăn bỗng nhiên bay hết, thay vào đó là niềm xót xa, hụt hẫng, dù rằng khi đó, Lê Lựu mới chỉ là một cậu bé “còn cởi truồng”.

Tuy nghèo đói nhưng nhà văn này cảm nhận, Tết xưa rất ấm áp.

Nói đến Tết nay, nhà văn Lê Lựu rất sợ. Ông sợ phải tiêu pha nhiều trong khi kinh tế bản thân eo hẹp. Ông còn sợ, bởi Tết ông không có chỗ đi về, không được đoàn tụ với người thân vì ngôi nhà riêng tại Lý Nam Đế đã bị người nhà bán đứt. Ở quê, ông cũng chẳng còn ai ngoài bà chị dâu (vợ anh trai).

Những cái Tết đẫm nước mắt

28 Tết năm 1973, sau khi ký Hiệp định Paris, nhà văn Lê Lựu cùng nhà thơ Bằng Việt đi từ Nam ra Bắc. Điều thú vị trong chuyến đi này là 2 người đã gặp đoàn pháo binh cả nghìn người, rầm rập kéo vào miền Nam thay quân. Nhà văn Lê Lựu hô hào các chiến sĩ viết thư và tình nguyện làm “người đưa thư”. Cả đội nhất loạt viết thư, râm ran cả một góc đường. Tuy nhiên, chỉ có một anh lính trẻ ngồi ngây ngô, thẫn thờ, không viết thư. Chạy ra hỏi han, ông được người này đưa cho một lá thư đã nhòe vì nước mắt.

Mở lá thư, Lê Lựu đã kịp nhận ra đó là lá thư chia tay của cô người yêu với người lính nọ. Lá thư có đoạn: "Anh ơi, anh đừng oán trách em vì em cũng đã chờ đợi anh lâu rồi. Đến nay, không biết anh sống chết ra sao. Em phải đi xây dựng gia đình".

Cầm lá thư lúc đó, ông đã ứa nước mắt. Sau này, trong tác phẩm “Mở rừng”, ông đã sử dụng lại chi tiết này.

Ký ức Tết qua những giọt nước mắt của nhà văn Lê Lựu - 2

  ...nhưng cũng có những cái Tết khiến ông khóc mãi khi nhớ lại

Cũng năm 1973, ngày 30 Tết, trên đường ra Xa-ra-van (Lào), ông cùng nhà thơ Bằng Việt lại tiếp tục gặp vài Tiểu đoàn Thanh niên xung phong vào ăn Tết. Cả đoàn rộn ràng, đọc thơ, chọc ghẹo nhau vui vẻ. Nhưng, đến 9h tối ngày 30 Tết, các nữ Thanh niên xung phong bỗng thi nhau khóc. Các cô khóc vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Dù sao, các cô cũng chỉ là những cô gái chân yếu tay mềm, mới mười chín đôi mươi. Suốt đêm 30 Tết đó, 2 thanh niên duy nhất trong đoàn có nhiệm vụ đi “dỗ dành” các cô gái “đừng khóc”…

Theo Nguyễn Vũ (Tri thức trực truyến)
Nguồn:

Tin liên quan