Làm sao chấm dứt cảnh “đòi nợ” tác quyền âm nhạc?

Ngày 11/08/2014 14:04 PM (GMT+7)

Sau khi cam kết thực hiện vấn đề bản quyền, một số BTC đã lên tiếng “phản đòn”.

Những tranh cãi bất tận

Trước khi đêm nhạc Khánh Ly được tổ chức tại Đà Nẵng tối 8/8, UBND TP Đà Nẵng đã ra công văn gửi Sở VH,TT&DL Đà Nẵng “yêu cầu đơn vị tổ chức Live concert - Khánh Ly liên hệ văn phòng đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại TP Đà Nẵng để thực hiện nghĩa vụ pháp luật quyền tác giả âm nhạc cho các bài hát được sử dụng trong chương trình trên”. Tuy nhiên, bất chấp yêu cầu này, thậm chí đích thân nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã vào Đà Nẵng để làm việc với đơn vị tổ chức nhưng một bản thỏa thuận tương tự như ở Hà Nội đã không diễn ra. Thay vào đó, đơn vị tổ chức vẫn tiếp chuyện nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhưng có đòi hỏi ngược lại Trung tâm phải chứng minh được sự ủy quyền của đầy đủ 5 thành viên trong gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ Phó Đức Phương sau đó còn bị mời ra khỏi khu vực tổ chức theo yêu cầu của phía nhà sản xuất.

Thái độ ứng xử này của hai bên đều được đánh giá là “chưa từng có trong tiền lệ”. NSND Trần Bình - Giám đốc Nhà hát Đương đại Việt Nam cho rằng, nếu đơn vị tổ chức làm sai thì cách hành xử đúng mực nhất là đưa ra pháp luật để kiện. Còn đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau đó biết chuyện cũng khẳng định, đó chỉ là kế hoãn binh của chương trình thôi, còn các văn bản ủy quyền hợp pháp cho Trịnh Vĩnh Trinh đều có đầy đủ.

Nhiều khán giả cũng cho rằng, sự đòi hỏi của phía đơn vị tổ chức là ngược lại so với thông lệ. Nếu cho rằng Trịnh Vĩnh Trinh không đủ quyền thừa kế các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì đơn vị tổ chức phải đợi đến khi có xác nhận đầy đủ thì mới sử dụng tác phẩm, chứ có lý đâu cho rằng chưa đủ quyền hợp pháp, chưa được đồng ý mà vẫn cứ sử dụng rồi chất vấn ngược lại gia đình và Trung tâm như thế? Có người còn ví von, nếu không được đơn vị tổ chức cho phép (bằng tấm vé) thì khán giả có vào xem chương trình được không, vậy thì tại sao khi chưa được nhạc sĩ đồng ý mà vẫn hát? Có nên tính lại cách thu phí hiện nay? Làm thế nào chấm dứt cảnh “đòi nợ” tác quyền âm nhạc? 2

Làm sao chấm dứt cảnh “đòi nợ” tác quyền âm nhạc? - 1

NSND Trần Bình: Với các đơn vị tổ chức nhà nước thì xưa nay Trung tâm đều tính thu phí theo bài. Nhưng chương trình nào có giá cao là chuyển sang cách tính thu phí theo doanh thu.

NSND Trần Bình lý giải câu chuyện tranh cãi tác quyền này là do cả hai bên không thống nhất được cách thu phí. Đơn vị tổ chức cho rằng như thế là quá cao, còn phía Trung tâm lại bảo vệ quan điểm, điều đó được quy định trong Nghị định 61 của Chính phủ. Theo đó, các đơn vị tổ chức biểu diễn phải trích khoảng 15% tới 21% doanh thu của 65%-70% tổng số tiền bán vé để trả cho tất cả tác giả. Nếu làm đúng luật, các tác giả (người sáng tác ca khúc) có thể đòi tới 10% trong tổng tiền tác quyền từ ban tổ chức.

“Từ trước tới nay, Trung tâm luôn tồn tại hai cách tính tác quyền. Với các đơn vị tổ chức nhà nước như nhà hát chúng tôi, Trung tâm xưa nay đều tính theo bài. Ví dụ, trong chương trình “Dư âm” diễn tại Nhà hát Lớn năm 2013, Trung tâm ký với Nhà hát của tôi là 500.000 đồng/bài cho 17 ca khúc sử dụng trong chương trình. Phương Nam film- đơn vị giữ bản quyền ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy cũng trả theo bài chứ không tính như ông Phương (nhạc sĩ Phó Đức Phương). Nhưng hễ đến chương trình nào có giá cao là ông ấy lập tức chuyển sang cách tính thu phí theo doanh thu như ở chương trình Khánh Ly vừa rồi. Điều này thường hay xảy đến với các đơn vị tư nhân, vì họ ngại va chạm nên thường “nghiến răng” để nộp cho xong việc. Còn với đơn vị nhà nước thì trước nay không có chuyện tính theo doanh thu và để khỏi “rắc rối”, chúng tôi thường ký trực tiếp với các nhạc sĩ. Vừa nhanh gọn lại vừa theo giá thỏa thuận, 500.000 đồng/ca khúc. Nhiều đơn vị nhà nước hiện nay đều làm như thế”, NSND Trần Bình nói.

Ngoài ra, theo NSND Trần Bình, ngay cả cách tính theo doanh thu cũng chưa được chuẩn. Nếu muốn tính theo thực thu của chương trình thì cũng phải là sau khi trừ đi tiền thuê địa điểm, chi phí quảng cáo... Nhưng hiện nay, phía Trung tâm không làm điều này mà căn cứ vào tổng thu nên số tiền bản quyền hiện nay mới quá sức cho các đơn vị tổ chức.

Trong khi đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương lập luận rằng: “Tôi thấy khá buồn cười là người ta cứ so sánh một bài hát thu mấy triệu, còn những chương trình khác thì chỉ có mấy trăm nghìn. Một chương trình có doanh thu ít đương nhiên phải khác với chương trình có doanh thu nhiều, chứ không ai đi cào bằng một giá chung như thế cả. Nó cũng giống như anh thu nhập cao thì đóng thuế cao, thu nhập thấp thì đóng thuế ít hơn. Bán vé mấy triệu đồng thì có vì người nghe nhạc không? Kinh doanh là phải tính đến các chi phí bỏ ra, trong đó có cả chi phí quyền tác giả. Tại sao hễ bán được ít vé thì tìm cách hạ tiền bản quyền tác giả xuống, còn các chi phí khác như cat-sê ca sĩ cao ngất ngưởng thì có hạ đâu? Rồi giá vé, thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất là 4 triệu đồng thì khán giả có kêu đắt mà đòi hạ xuống không? Vậy thì sao anh lại đi mặc cả với người sáng tạo cái quyền mà họ được hưởng? Nếu anh không đồng ý thì đừng sử dụng nữa, chúng tôi cũng đỡ vất vả để đi đòi”.

Làm sao chấm dứt cảnh “đòi nợ” tác quyền âm nhạc? - 2

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Chương trình có doanh thu ít khác với chương trình có doanh thu nhiều, cũng giống như thu nhập cao thì đóng thuế cao, thu nhập thấp thì đóng thuế ít hơn.

Đại diện Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng so sánh rằng, với hơn 3.000 tác giả ủy quyền, những người không đồng ý với cách tính hoặc nghi ngờ cách làm việc của Trung tâm đều là các nhạc sĩ kiêm “bầu sô”. Còn lại, phần lớn nhạc sĩ đều tin tưởng ủy thác cho Trung tâm cũng như khó chịu với cách ứng xử thiếu công bằng và sòng phẳng với công sức mà các nhạc sĩ bỏ ra.

Có một nguyên nhân sâu xa khác để đơn vị tổ chức Live concert - Khánh Ly có phản ứng mạnh mẽ với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là bởi, tính pháp lý để Trung tâm viện dẫn trong Nghị định 61 hiện nay đã trở nên lỗi thời. Theo đó, Nghị định này được ban hành căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 1995, trong khi bộ luật này đã hết hiệu lực gần 10 năm và đã được thay thế bởi Bộ luật Dân sự năm 2005. Nhưng vì chưa có văn bản nào thay thế hoặc bãi bỏ Nghị định này nên trên thực tế, nó vẫn được áp dụng. Chính vì vậy, giải pháp được cho là cấp thiết nhất hiện nay theo các đơn vị tổ chức là các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện một Nghị định mới. NSND Trần Bình đưa ra quan điểm: “Khi đó, sẽ có một hội đồng tham gia đóng góp ý kiến về cách tính nhuận bút hiện nay với người sáng tạo nghệ thuật hài hòa giữa các bên. Nghị định mới sẽ là căn cứ hợp lý để mọi người cùng tuân thủ, chứ không phải mất công đi tranh cãi như hiện nay”. 

Theo Thanh Hà (Gia đình xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hậu trường showbiz