Nghịch lý cát - xê và nỗi buồn sao Việt

Ngày 02/11/2013 00:42 AM (GMT+7)

Cũng là “sao”, những nghệ sĩ nổi tiếng lại đang cháy hết mình với cát-xê lao bèo bọt.

Rất nhiều người mẫu, ca sĩ đã “thật thà” thổ lộ về thu nhập của mình trong mỗi lần biểu diễn. Người thì bảo “mỗi lần đi tiệc ra mắt phim, giá người ta trả cho tôi gần 2.000 USD, hay có những buổi chụp hình quảng cáo, con số phải gấp 10”, người lại khoe “mỗi tháng kiếm được 300 – 500 triệu đồng”… Những ca sĩ nổi tiếng như Quang Lê, Phi Nhung… cũng không ngại ngần công bố khoản thu nhập kếch xù sau mỗi đêm diễn. Cứ theo như những gì họ nói, thì đúng là câu chuyện Mỹ Tâm hét giá cát - xê 110 triệu đồng cho 2 đêm biểu diễn dẫu có là cả một gia tài với nhiều người khác song vẫn là cái giá quá… “bèo”!

Mới nhất là Phương Mỹ Chi. Dù không chiến thắng trong cuộc thi The Voice Kids nhưng cô bé này vẫn trở thành “hiện tượng” trong showbiz khi liên tục nhận được những lời mời diễn, hợp đồng quảng cáo hay tham dự sự kiện. Nếu chỉ dừng lại ở đấy thì chẳng có gì bàn cãi, vấn đề là ngay khi vừa nổi tiếng, gia đình Mỹ Chi đã hét những mức giá khủng với các bầu show. Những con số như 600 triệu cho 10 ca khúc, 5.000 USD cho 1 sự kiện, 30 triệu đồng cho 1 show diễn của cô bé 10 tuổi khiến người hâm mộ vô cùng kinh ngạc.

Góp tiếng nói bình luận trước những thông tin lùm xùm về cát - xê của nghệ sĩ, diễn viên hài Tự Long cũng đã lên Facebook bộc bạch: “Đúng là người cống hiến sự nghiệp cả đời cho khán giả thì nghèo đến lúc ra đi vẫn nghèo. Nghĩ đến vẫn thấy xót thương cho Anh. Còn các ngôi sao bây giờ thì thu nhập tăng theo giá xăng, khủng khiếp… Hay là mình chuyển sang nghề ca hát nhỉ. Mà mình chỉ có biết hát chèo thôi. Mà chèo hết mốt rồi ai nghe đây?”. Lời tâm sự của anh nghe vừa hài hước, hóm hỉnh mà lại thật xót xa.

Nghịch lý cát - xê và nỗi buồn sao Việt - 1
Phương Mỹ Chi trở thành “hiện tượng” trong showbiz khi liên tục nhận được những lời mời diễn, hợp đồng quảng cáo hay tham dự sự kiện.

Nghệ sĩ Văn Hiệp, Trần Hạnh… là một ví dụ xác đáng nhất cho thấy giữa sân khấu và đời thực của người nghệ sĩ có những khi khác nhau một trời một vực. Có nghệ sĩ, cháy hết mình trên sân khấu biểu diễn, chỉ để mang lại niềm vui cho cuộc đời. Để rồi khi trở về với thực tại, họ lại vất vả, bon chen vật lộn với miếng cơm manh áo mưu sinh. Cũng có người nghệ sĩ, trên sân khấu cố tỏ ra ta là thành phần thượng lưu, nơi cửa miệng cũng cố chứng tỏ mình đẳng cấp, nhưng soi vào đời sống thực tại thì hóa ra đó chỉ là một cách “nổ” để đánh bóng tên tuổi của bản thân.

Một đời nghệ nhân –  một lần nghệ sĩ

Còn những người đang ngày đêm gìn giữ văn hóa dân gian thì sao? Cho đến khi nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời, bà vẫn ra đi trong cơ cực. Khi bà còn sống, người ta nhiều lần tôn vinh bà, nhưng mà thực tế thì “ai về thăm cũng hứa sẽ đề nghị Nhà nước có chế độ trợ cấp, giúp đỡ. Nhưng rồi toàn là người đi không trở lại”. Thiên hạ nhắc đến tên Hà Thị Cầu, thì nhất mực tung hô nào là Nghệ nhân dân gian, nào là “báu vật nhân văn”,… nhưng đấy cũng mãi chỉ là những lời tôn vinh nơi cửa miệng, chứ thực tình cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, bà vẫn chỉ nhận được vỏn vẹn 700.000đ.

Trong liên hoan ca trù năm 2012, giữa rất nhiều quan chức, nhà nghiên cứu, nghệ nhân ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên, Hà Nội), cụ Nguyễn Thị Khướu đã thốt lên đầy trách móc rằng: “Các ông ấy cứ bảo chúng tôi nào là “báu vật nhân văn sống”, rồi nghệ nhân này, nghệ nhân nọ, chứ kỳ thực có tiếng mà chẳng có miếng đâu. Mỗi buổi biểu diễn, các cháu thiếu nhi được 5.000đ, còn già cả, nghệ nhân như tôi được trả thù lao 15.000đ, thế thì báu với bở gì?”.

Nghệ nhân dân gian – danh hiệu ấy mấy ai có được? Song, nhiều khi chỉ cần biết hát mấy câu nhí nhố, nhảy tưng tưng trên sân khấu, phát âm ra những câu ca chẳng rõ lời vẫn được gọi là nghệ sĩ. Ấy vậy mà, nghệ nhân vắt kiệt tinh hoa cả đời mình vào từng nét luyến, nét láy, nốt lảy,… lại chỉ để nhận được 15.000đ ít ỏi còn những cô cậu thanh niên khoe hình thể nhiều hơn giọng hát, có khi lại nhận được những mấy chục triệu đồng cho một lần “hi sinh vì nghệ thuật”!

Nghịch lý cát - xê và nỗi buồn sao Việt - 2
NSƯT Trần Hạnh sống bằng mức thu nhập thấp từ nghề diễn mang lại.

Bằng một phép tính đơn giản cũng có thể thấy, có khi cả đời cống hiến của nghệ nhân, không bằng một lần biểu diễn của nghệ sĩ (sao). Một đêm biểu diễn của ca sĩ đôi khi chỉ là hát mấy bài hát thị trường, nhảy như choi choi trên sân khấu, hay uốn éo thân thể, ca đi ca lại những câu từ dễ nghe, dễ thuộc để rồi cũng dễ quên, để rồi nhận được cát - xê từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Ngược lại, với nghệ nhân, để có được một sản phẩm, họ phải chắt chiu, gìn giữ những nét tinh hoa, tinh túy và mang đặc trưng cá tính của riêng mà không phải ai cũng bắt chước được nhưng chỉ nhận được mấy chục nghìn đồng cho sự cống hiến của mình!

Cứ thử so sánh một cách đơn giản nhất sẽ thấy sự nghịch lý đến mức khó hiểu đang diễn ra. Thử nghe những bài hát thị trường nhan nhản, quanh đi quanh lại vẫn là mấy chuyện “yêu nhau rồi bỏ nhau” và nghe một làn điệu ca trù hay nghe lại bà Hà Thị Cầu ca mấy câu xẩm, xem có gì khác nhau? Chắc chắn có thể nhanh chóng khẳng định, mấy bài hát thị trường kia nhanh chóng đi vào lòng người, nhanh chóng được mọi người đón nhận, rồi tập tành hát theo ca sĩ, nhưng người ta cũng sẽ nhanh chóng lãng quên.

Còn mấy bài hát dân gian kia, có thể rất kén người nghe, nhưng ai đã nghe được thì “ám ảnh” đến suốt đời và cũng mấy ai, nghe xong mà ngân nga theo cho được? Theo lẽ thường, cái gì độc nhất, cái gì khó tìm nhất thì mới được đánh giá giá trị cao, cái gì nhan nhản, cái gì dễ tìm sẽ được cho là giá trị thấp. Thế nhưng, hình như quy luật này không tồn tại trong làng văn hóa, văn nghệ Việt, khi cái đại chúng được tôn vinh, được đãi ngộ còn cái đặc biệt, cá tính, thì đang bị hạ thấp.

Theo An Khánh (Gia đình xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hậu trường showbiz