Nhạc sĩ trẻ: Đâu thiếu người tài!

Ngày 03/05/2014 09:05 AM (GMT+7)

Họ có nhiều sáng tạo thể nghiệm, nhạy bén với thị hiếu và gần gũi tâm lý của đại đa số khán giả trẻ yêu nhạc

Sau thế hệ nhạc sĩ trẻ đã định hình được vị thế trên thị trường âm nhạc như Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Hoàng Duy, Nguyễn Dân…, 2 cái tên Đỗ Hiếu và Phạm Toàn Thắng đang nổi như cồn ở thị trường sáng tác. Xét ở khía cạnh ca khúc ăn khách trên thị trường nhạc Việt, mọi người không khó để nhận diện những gương mặt sáng tác trẻ đầy tiềm năng.

Nguồn cung ca khúc cho ca sĩ

Minh chứng cho điều này là tần số xuất hiện của các sáng tác của 2 cây viết trẻ này dày đặc trong album của các ca sĩ, từ ngôi sao như Hồ Ngọc Hà đến những ca sĩ trẻ như Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Thủy Tiên,… Nhiều ca sĩ khác bắt đầu tìm đến đặt bài, giúp tên tuổi của những cây bút viết nhạc này càng thêm đình đám.

Hầu hết các ca khúc của họ đang là ca khúc ăn khách trên thị trường âm nhạc. Trong đó, Đỗ Hiếu có Vắng em, Không hối tiếc, Đừng nhìn lại, Chôn dgiấu giấc mơ (đều do ca sĩ Noo Phước Thịnh thể hiện), Hey boy, Đã mãi cách xa (Đông Nhi thể hiện), Nghe ta hồi sinh (Nguyễn Đình Thanh Tâm thể hiện), Vẫn yêu từng phút giây (Cao Thái Sơn, Hương Tràm thể hiện)… Còn Phạm Toàn Thắng nổi bật với ca khúc Uống trà tạo ấn tượng mạnh trong chương trình Bài hát Việt và được nhiều thí sinh chọn thể hiện trong các chương trình truyền hình thực tế Tìm kiếm tài năng âm nhạc. Bên cạnh đó, Phạm Toàn Thắng còn gây ấn tượng với các ca khúc như Tìm (do Trúc Nhân và Văn Mai Hương thể hiện), Vẽ (Trúc Nhân thể hiện)…

Nhạc sĩ trẻ: Đâu thiếu người tài! - 1

Nhạc sĩ trẻ Đỗ Hiếu cùng ca sĩ Hồ Ngọc Hà thực hiện dự án âm nhạc mới của Hồ Ngọc Hà Ảnh KHOA NGUYỄN

Trong đội ngũ sáng tác trẻ còn có những cái tên nổi bật khác với những ca khúc ăn khách không kém, như Tiên Cookie hay Chi Dân. Trong đó, Tiên Cookie được nhớ tới với những ca khúc như Có khi nào rời xa, Mình yêu nhau đi, Có lẽ em, Khoảng lặng (Bích Phương thể hiện), Chia cách bình yên, Khi anh lặng yên (Quốc Thiên), Vượt qua (Cao Thái Sơn), Một chút quên anh thôi (Bảo Thy)… Còn với Chi Dân, công chúng nhớ đến những ca khúc như Anh muốn em sống sao, Người tôi yêu, Biết không em, Khi em ngủ say… So với Đỗ Hiếu và Phạm Toàn Thắng đầy bản lĩnh, cá tính riêng, sáng tác của Tiên Cookie và Chi Dân thuộc dạng dễ nghe, đơn giản về cấu tứ và cả nội dung. Tuy nhiên, “cả hai đáp ứng được đòi hỏi của bộ phận không nhỏ khán giả: dễ nghe, dễ thuộc và dễ quên cũng không sao. Bởi đơn giản, nghe nhạc đôi khi chỉ để giải trí” - nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận nhận định.

Sáng tạo rất riêng

Hầu như người trong giới đều có ấn tượng đối với sáng tác và khả năng hòa âm của cả Đỗ Hiếu và Phạm Toàn Thắng. Điểm chung của họ trong các sáng tác của mình là đậm màu sắc âm nhạc phương Tây hiện đại. Các ca khúc theo phong cách pop ballad, dance, worldmusic... đều được xây dựng từ nền tảng R&B huyễn hoặc, sôi nổi nhưng đầy chất tự sự. Nét đặc trưng này nhanh chóng thu hút công chúng yêu nhạc, đặc biệt công chúng trẻ - những người tiếp cận khá dễ dàng với âm nhạc thế giới. Những sáng tác của Đỗ Hiếu và Phạm Toàn Thắng nổi bật hơn hẳn còn nhờ “chất” riêng không thể lẫn với ai. “Nếu Đỗ Hiếu nhẹ nhàng, lãng mạn một cách dứt khoát pha chút mạnh mẽ thì Phạm Toàn Thắng thường đánh đố khán giả bằng sự trúc trắc không quy tắc, không theo đường lối đã định hình hoặc nền tảng trong sáng tác” - nhạc sĩ Đằng Phương nhận định.  Mỗi người đều có một kiểu sáng tạo riêng trong sáng tác nhưng tác phẩm của họ chạm được vào cảm xúc của người nghe. Điều này lý giải vì sao cả 2 cây viết này ngày càng “đắt hàng” và lần lượt được các ngôi sao của thị trường nhạc Việt tìm đến hợp tác.

So với thế hệ đàn anh, nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay đủ sức hoàn thiện ca khúc của mình từ khâu sáng tác đến hòa âm phối khí, tạo nên màu sắc âm nhạc đồng nhất. Với khả năng sáng tạo thiên về bản năng, những sáng tác của thế hệ nhạc sĩ trẻ luôn mang đến sự thú vị nhất định cho người nghe bởi yếu tố bất ngờ. “Điểm này, họ ăn đứt thế hệ nhạc sĩ đàn anh, vì nếu tuân thủ theo nguyên tắc thì dễ dẫn đến công thức, khô cứng và nhàm chán” - nhạc sĩ Đằng Phương nói.

Tuy nhiên, công tâm nhận định “đó vẫn là những sáng tác chưa thể xem là xuất sắc bởi còn thiếu quá nhiều thứ. Nhưng không thể đòi hỏi nhiều hơn ở một người viết nhạc chưa có nền tảng bài bản về sáng tác. Để có những sáng tác hay, đòi hỏi họ phải nâng tầm bản thân” - nhạc sĩ Quốc Bảo nói.

Thiếu nền tảng

Vì sáng tác thiên về bản năng nên các cây viết trẻ mắc lỗi là điều hiển nhiên. “Tình trạng cưỡng âm rất dễ tìm thấy trong những ca khúc của những sáng tác trẻ, thậm chí là ca khúc ăn khách. Đó là việc đặt những lời ca không phù hợp vào giai điệu khiến giai điệu và lời ca chỏi nhau, người hát thấy khó hát mà người nghe cũng khó thẩm thấu, thậm chí hiểu sai về ý nghĩa” - nhạc sĩ Quốc An nhận định. Còn theo nhạc sĩ Hoài An: “Việc chạy theo thị trường âm nhạc thế giới khiến ca khúc Việt không có sắc thái của âm nhạc Việt. Nếu người sáng tác thích nhạc Âu, Mỹ thì tác phẩm của họ rất gần với nhạc Tây phương...”. Tất nhiên, về mặt lời ca không thể đòi hỏi độ sâu sắc nhất định ở những sáng tác này khi tuổi đời họ vẫn còn rất trẻ. Sự trải nghiệm cuộc sống sẽ giúp họ hoàn thiện kỹ năng và điều đó cần phải có thời gian.

Theo Thùy Trang (Người Lao Động)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hậu trường showbiz