Những lệnh cấm làm phim khiến fan hâm mộ khóc ròng

Ngày 10/04/2016 07:00 AM (GMT+7)

Các fan Trung Quốc và những ai yêu thích phim và show thực tế của đất nước này đang khóc ròng vì rất nhiều những tác phẩm được yêu thích bị hủy hoặc lâm vào tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Tất cả là vì những lệnh cấm có phần khắt khe của cục điện ảnh Trung Quốc và nhiều cơ quan liên quan.

Cấm trẻ vị thành niên tham gia show thực tế

Tuy chưa chính thức hoặc được ban hành rộng rãi, nhưng theo giới thạo tin, Cục Phát thanh – Điện ảnh – Truyền hìnhTrung Quốc ban lệnh hạn chế trẻ vị thành niên tham gia vào các show thực tế. Đến nay, chưa thấy có văn bản, giấy tờ cụ thể, nhưng đây vẫn là lời giải thích hợp lý nhất cho việc hàng loạt các show thực tế vô cùng ăn khách, có sự tham gia của các em nhỏ bị dừng lại. Điều này khiến nhiều khán giả không khỏi ngỡ ngàng.

Những lệnh cấm làm phim khiến fan hâm mộ khóc ròng - 1
Bố ơi mình đi đâu thế bị ngưng ghi hình dù có rating cao, có tính giáo dục tốt và nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả

Đầu tiên phải kể đến chương trình Bố ơi mình đi đâu thế của đài Hồ Nam. Qua 3 mùa phát sóng, show thực tế này luôn đứng đầu về chỉ số ratings, chứng tỏ sức hút của mình tới khán giả ở Trung Quốc và một số các quốc gia châu Á khác. Khi mà tất cả đang hồ hởi chuẩn bị khởi động cho mùa chiếu thứ 4, khán giả đang hồi hộp đưa ra dự đoán những cặp bố - con nào sẽ lên sóng năm nay, thì đơn vị sản xuất  - đài truyền hình Hồ Nam lại trở nên vô cùng im hơi lặng tiếng. Đến cuối tháng 2 vừa qua, một nguồn tin từ weibo cá nhân có phát ra thông tin: “Do lệnh hạn chế từ cấp trên, chương trình Bố ơi mình đi đâu thế dự kiến phát sóng vào 10 giờ tối thứ 7 hàng tuần từ tháng 7 trở đi dừng lại toàn bộ hoạt động sản xuất”.

Những lệnh cấm làm phim khiến fan hâm mộ khóc ròng - 2
Show Học sinh lớp 1 thay thế bằng Sinh viên năm nhất

Các fan lao xao truyền nhau thông tin này. Đài truyền hình Hồ Nam cũng không đính chính, bào chữa. Các nghệ sĩ từng tham gia show này trước đó cũng không lên tiếng khi được báo giới và các fan hâm mộ hỏi thông tin. Bố ơi mình đi đâu thế- show truyền hình ăn khách nhất Trung Quốc trong 3 năm qua bỗng nhiên rơi vào thinh không như chưa từng tồn tại.

Không chỉ vậy, show diễn đã ghi hình Mẹ là siêu nhân, với sự góp mặt của các ngôi sao như Đổng Khiết, Mai Đình… dự kiến phát sóng vào lúc 10 giờ tối từ 22/3 cũng bặt vô âm tín. Có thông tin cho rằng chương trình thực tế về mẹ - con này sẽ được phát trên mạng thanh vì trên truyền hình, nhưng đến giờ, vẫn chưa có thêm thông tin nào. Đơn vị sản xuất cũng không đưa ra bất cứ lời giải thích, bình luận nào về sự cố ngưng sóng này.

Học sinh lớp 1 (Năm thứ nhất) cũng là một show ăn khách, ghi lại hình ảnh thực tế của các em bé 6 tuổi lần đầu tiên rời xa gia đình theo học ở trường nội trú. Ngoài sự tham gia của 2 ngôi sao Tống Giai và Trần Học Đông với tư cách là thầy cô hướng dẫn, chương trình có sự tham gia của rất nhiều em nhỏ không phải là sao nhí hoặc con của những người nổi tiếng. Chương trình được khán giả khắp nơi đón nhận, và chuẩn bị đón chào mùa thứ 2. Nhưng không hiểu sao, cuối cùng, thay thế vào đó lại lầ chương trình Sinh viên năm nhất, với sự tham gia của các diễn viên như Đồng Đại Vy, Viên San San… khiến người xem không khỏi chưng hửng. Dĩ nhiên, dù cùng một format, nhà sản xuất, Sinh viên năm nhất không được lòng khán giả như show Học sinh lớp 1.

Cấm xuyên không, luân hồi...

Những lệnh cấm làm phim khiến fan hâm mộ khóc ròng - 3
Tam sinh tam thế - thể loại ngôn tình - xuyên không

Từ năm 2010, Trung Quốc rộ lên phong trào làm phim xuyên không. Hàng loạt các tác phẩm như Thần thoại, Bộ bộ kinh tâm, Cung tỏa tâm ngọc… thu hút khán giả và đưa nhiều ngôi sao trẻ trở thành những gương mặt hạng A trong làng giải trí. Tuy nhiên, nhận thấy khán giả - đa phần là thế hệ trẻ dường như bị “lệch lạc” về lịch sử sau những bộ phim ngược về quá khứ, cục Điện Ảnh Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm đối với những bộ phim xuyên không, hoặc có những sự thay đổi quá xa so với lịch sử. Cục trở nên cực kỳ khắt khe từ khâu duyệt kịch bản.

Còn đối với những bộ phim đã sản xuất trước khi lệnh được ban hành, đơn vị kiểm duyệt đã ra tay biên tập và cắt xén không thương tiếc để nội dung không đi quá xa so với yêu cầu của các cơ quan chức năng. Và hậu quả là khán giả có dịp thưởng thức những tác phẩm dở tệ không đầu cuối, nhiều tình tiết vô lý, thiếu logic. Có thể thấy rõ ở các tác phẩm như Bộ bộ kinh tình, bị cắt ghép đến mức nội dung của nó chỉ được đánh giá ở mức độ trung bình.

Không những vậy, các tác phẩm xuyên không không được phép phát sóng vào những khung giờ vàng. Thậm chí, việc đưa những tác phẩm này lên mạng cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, bộ phim web drama đình đám đầu năm 2016 Thái tử phi thăng chức khí cũng bị dỡ xuống khỏi trang online. Tác phẩm Tình yêu vượt nghìn năm (Trịnh Sảng, Tỉnh Bách Nhiên) buộc phải chuyển từ 9 giờ tối sang 10 giờ tối.

Cấm ngôn tình, thần thoại, kiếm hiệp…

Những lệnh cấm làm phim khiến fan hâm mộ khóc ròng - 4
Trọng sinh chi danh lưu cựu tinh sẽ phải khéo léo để tránh bị tuýt còi, vì vừa có đề tài luân hồi, vừa nói về tình yêu nam - nam
 

Khán giả đang vô cùng… hoảng hốt trước lệnh cấm mới liên quan đến nội dung của cục quản lý. Theo đó, tất cả các đề tài ăn khách đều bị hạn chế hoặc cấm. Những tác phẩm ngôn tình như Yêu em từ cái nhìn đầu tiên, Nhất niệm hướng Bắc, Tam sinh tam thế… đều đang trong tầm ngắm. Các nhà quản lý Trung Quốc cho rằng những bộ phim ngôn tình với các soái ca đẹp trai, con nhà giàu, tài giỏi và các nàng “tiểu bạch thỏ” trong sáng, thơ ngây… dễ khiến giới trẻ sa đà với những điều không có thật trong cuộc sống.

Không chỉ dừng lại ở các tác phẩm tình cảm, những bộ phim dã sử cổ trang cũng không được sáng tác quá xa so với các nguyên mẫu lịch sử. Trong khi các nhà làm phim kêu trời, rằng nếu không phóng tác thì sao gọi là phim, thì các nhà quản lý giữ nguyên quan điểm bị coi là cứng nhắc của mình.

Những lệnh cấm làm phim khiến fan hâm mộ khóc ròng - 5
Thượng Ẩn bị gỡ bỏ trên các trang mạng vì có đề tài đồng tính nam - nam

Các bộ phim có đề tài ma mị, luân hồi, mê tín dị đoan cũng phải hạn chế tối đa. Điều này làm các fan hâm mộ của bộ truyện Ma thổi đèn và Trần Kiều Ân phải nhấp nhổm. Bởi Ma thổi đèn không chỉ có đề tài thiên về ma quỷ, mà còn nói về một băng nhóm chuyên trộm những cổ vật quốc gia.

Những đề tài ủy mị, nam nữ yêu đương sớm, yêu đương đồng tính nam – nam (đạm mỹ) hay nữ - nữ đều bị tuýt còi. Bộ phim Thượng ẩn làm điên đảo các nàng hủ nữ đang thu hút rất nhiều khán giả khi phát sóng trên mạng, bỗng bị ngưng bất chợt và gỡ hết khỏi các trang mạng. Nhà sản xuất chỉ còn cách đưa bộ phim lên Youtube, trong khi Youtube lại là một trong mạng không phổ biến và khó truy cập tại Trung Quốc.

Cũng tương tự, bộ phim có cốt truyện về tình yêu của hai soái ca Trọng sinh chi danh lưu cựu tinh đang phải cấp tốc cắt gọt và biên tập lại để cố gắng chuyển thành tình yêu nam – nữ để né lệnh cấm của cơ quan quản lý.

Những lệnh cấm làm phim khiến fan hâm mộ khóc ròng - 6
Trần Kiều Ân với phim trộm báu vật quốc gia đang lọt vào tầm ngắm của các nhà quản lý

Đứng ở góc độ quản lý văn hóa, các lệnh cấm này không phải là không có lý. Nhất là khi màn ảnh đang tràn ngập những điều được thơ mộng, cường điệu hóa và những điều không thật, dễ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc của khán giả, đặc biệt là lớp thanh niên trẻ. Tuy nhiên, nếu cấm một cách triệt để như vậy, các bộ phim sẽ bị gò bó trong những đề tài khá khô cứng, như đề tài yêu nước, xây dựng đời sống mới, chống quân xâm lược, cổ vũ những câu chuyện tử tế trong cuộc sống. Trong khi đó, khán giả thì không mấy hứng thú với những chủ đề này. Bài toán cân bằng giữa những điều cấm, sở thích của khán giả và doanh thu đang đè nặng lên đầu của những nhà sản xuất phim.

Lam Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phim Trung Quốc