5 vai diễn về mẹ Việt Nam đi cùng năm tháng

Ngày 20/08/2013 06:54 AM (GMT+7)

Nhiều vai diễn đã góp phần khắc họa thành công hình tượng người mẹ trên màn ảnh.

Có những bộ phim về đề tài Người mẹ đã ra đời cách đây hơn hai thập kỷ, nhưng sức sống và giá trị nghệ thuật vẫn còn đọng lại mãi trong lòng khán giả. Lại có những bộ phim khắc họa tình mẫu tử nhưng theo góc nhìn bám sát vào thực tế xã hội, đôi khi chưa trọn vẹn lý tưởng nhưng thật đáng để người xem phải ngẫm nghĩ về những góc khuyết ấy.

Thế nên, nhắc đến màn ảnh Việt, có những nhân vật mà tên tuổi của họ đã gắn liền với hình tượng người mẹ, đi sâu vào tiềm thức khán giả như một nét cá tính điển hình về người phụ nữ thời xưa và nay, trong đó luôn đề cao yếu tố tình mẫu tử.

Hãy cùng điểm lại những diễn viên tên tuổi đã góp phần khắc họa thành công hình tượng người mẹ Việt Nam trên màn ảnh.

NSƯT Thu An - Mẹ chồng tôi

Phim Mẹ chồng tôi được thực hiện từ năm 1994, nhưng NSND Khải Hưng vẫn còn lưu những ấn tượng mạnh về nữ diễn viên chính của bộ phim. Vị đạo diễn nổi tiếng khó tính và khắt khe với diễn viên này luôn dành cho Thu An một sự trân trọng hiếm có.

5 vai diễn về mẹ Việt Nam đi cùng năm tháng - 1
Hình ảnh người mẹ chân chất, hiền lành gắn liền với NSƯT Thu An.

Mẹ chồng tôi (2 tập) là phim phát sóng số đầu tiên của chương trình Văn nghệ chủ nhật. Sau bộ phim này ông không đạo diễn thêm một bộ phim nào có sự tham gia của NSƯT Thu An nhưng dấu ấn với Mẹ chồng tôi vẫn rất lớn. "Đó là bộ phim mở đầu cho chương trình Văn nghệ chủ nhật, mở màn cho dòng phim chính luận và thực ra chương trình Văn nghệ chủ nhật đứng vững được cùng là nhờ Mẹ chồng tôi", NSND Khải Hưng nói.

5 vai diễn về mẹ Việt Nam đi cùng năm tháng - 2
Hình ảnh đẹp về cuộc đời nghệ thuật của nghệ sỹ Thu An.

Nhân vật bà mẹ chồng hiền lành trong phim Mẹ chồng tôi đã làm nên hình ảnh bất tử của NSƯT Thu An trên màn ảnh nhỏ Việt Nam. Trong bộ phim này, bà tạo nên làn sóng hâm mộ cho khán giả mọi lứa tuổi ở nhiều thế hệ. Bằng kỹ năng diễn xuất điêu luyện, diễn như không diễn, NSƯT Thu An đã diễn tả vô cùng chân thực hình ảnh bà mẹ chồng phúc hậu, tảo tần và giàu lòng bao dung. Sau sự hóa thân thành công vai diễn này, người hâm mộ gọi NSƯT Thu An với cái tên thân mật “Mẹ chồng tôi”.

NSND Trà Giang - Huyện thoại về người mẹ

Năm 1987, đạo diễn Bạch Diệp đã làm bộ phim Huyền thoại về người mẹ. Bộ phim do đạo diễn viết kịch bản dựa trên câu chuyện của nhà văn Bích Ngân cùng câu chuyện khác của nhà văn Trần Hoàng Bách. Nguyên mẫu là người mẹ tên là Nguyễn Thị Hường ở Quy Nhơn, Bình Định. Bà có chồng đi tập kết, ở lại quê nhà, với tấm lòng Bồ Tát, bà đã nhận nuôi đến 12 đứa trẻ và bị tù đày đến 6, 7 lần.

5 vai diễn về mẹ Việt Nam đi cùng năm tháng - 3
NSND Trà Giang trong phim Huyền thoại về người mẹ.

5 vai diễn về mẹ Việt Nam đi cùng năm tháng - 4
Hình ảnh sống mãi trong lòng công chúng của NSND Trà Giang.

Nhưng trong phim, người mẹ tên Hương (do Trà Giang thủ vai) - một nữ hộ sinh, đã nhận nuôi ba đứa trẻ, trong đó có cả con lai. Sau chiến tranh, người chồng không trở lại. Những đứa trẻ chị nuôi cũng được những người ruột thịt nhận lại. Nhân vật Hương quyết định sống cuộc đời cô đơn, chất “huyền thoại” trong phim đề cao đức nhân ái, tinh thần vì mọi người của bà mẹ.

Huyền thoại về người mẹ với sự tham gia diễn xuất của NSND Trà Giang đã thực sự chạm đến trái tim người xem, để lại sự xúc động mạnh mẽ về hình ảnh người mẹ Việt Nam điển hình và đưa hình ảnh huyền thoại này đến với công chúng quốc tế.

NSƯT Hoàng Yến - Người mẹ hiền hậu của màn ảnh nhỏ

Nhắc đến NSƯT Hoàng Yến, khán giả ít ai nhớ tên những nhân vật do bà thủ vai nhưng họ luôn cảm thấy thân quen với gương mặt gần gũi này trên sóng truyền hình. Các vai của NSƯT Hoàng Yến thường là những vai người bà, người mẹ, bà hàng xóm không tên, hiền lành và giàu tình thương người. 

5 vai diễn về mẹ Việt Nam đi cùng năm tháng - 5
NSƯT Hoàng Yến và các diễn viên phim "Của để dành".

Khán giả không thể nào quên hình ảnh bà lão tốt bụng và nhiệt tình do NSƯT Hoàng Yến thủ vai trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười và hàng loạt các bộ phim truyền hình khác. Tuy nhiên, vai diễn khiến người ta nhớ nhất về NSƯT Hoàng Yến là nhân vật bà mẹ tên Vi trong phim Của để dành.

Khắc họa sắc nét bà Vi bằng gương mặt mệt mỏi, khắc khổ cùng những cử chỉ chân thực, NSƯT Hoàng Yến đã lột tả thành công chân dung bà mẹ bị liệt chịu nhiều dằn vặt trong lòng. Tuổi già, niềm vui đối với bà là sự quan tâm chân thành, sự chăm sóc của các con dành cho mình. Song cuộc sống hối hả đã đẩy các con bà mải mê chạy theo đồng tiền, công việc… khiến sự hiu hắt, lạc lõng của bà ngày một chất chồng. NSƯT Hoàng Yến đã hoàn thành vai diễn bà Vi một cách xuất sắc, trở thành nhân vật người mẹ được yêu thích nhất trên màn ảnh nhỏ Việt Nam. 

Trương Ngọc Ánh - Rơi nước mắt với vai Cô Dần

Chiếc áo dài lụa của cô Dần là biểu tượng xuyên suốt chiều dài bộ phim Áo lụa Hà Đông, nó gắn liền với ký ức của mọi nhân vật: anh Gù, cô Dần, 2 chị em Hội An và Ngô. Chiếc áo dài ấy cũng là biểu tượng cho tình mẫu tử cao đẹp mà cô Dần dành cho 2 đứa con gái của mình. Nhà nghèo nhưng với mong muốn 2 con có tấm áo dài trắng mặc đến trường nên cô Dần đã nhận đi làm vú nuôi.

Trớ trêu thay, dòng sữa ngọt ngào tình mẫu tử ấy không phải được bán cho một đứa trẻ mà lại cho một lão già Tàu đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy. Hàng ngày, cô Dần lén lút đi làm công việc vú nuôi quái dị ấy để kiếm tiền. Đến khi bị anh Gù phát hiện, cô phải đem chiếc áo dài cưới ra cắt sửa cho vừa, để Hội An và Ngô thay nhau mặc đến trường.

5 vai diễn về mẹ Việt Nam đi cùng năm tháng - 6

5 vai diễn về mẹ Việt Nam đi cùng năm tháng - 7
Diễn xuất của Trương Ngọc Ánh trong phim Áo lụa Hà Đông lay động trái tim người xem.

Thấu hiểu tình yêu bao la của mẹ, cô bé Hội An đã viết nên bài văn được điểm cao nhất, viết về mẹ và chiếc áo dài trắng gắn liền với kỷ niệm của cả gia đình. Nhưng một lần nữa số phận lại trêu ngươi. Giặc Mỹ tràn qua đúng lúc cô bé Hội An đang nghẹn ngào đứng đọc bài văn cho cả lớp nghe, biến cả ngôi trường thành tro bụi. Nghe tin dữ, cô Dần lao đến, kiếm tìm như cuồng loạn, mất trí trong số các thi thể để rồi gào lên thảm thiết khi thấy con mình nằm bất động. Trường đoạn này nữ diễn viên Trương Ngọc Ánh đã diễn xuất rất thăng hoa, là điểm nhấn của cả bộ phim và để lại trong người xem những xúc cảm sâu sắc.

NSƯT Hồng Ánh - Người mẹ bồng bột trong Tâm hồn mẹ

Năm 2012, đạo diễn Nhuệ Giang đã chuyển thể và dàn dựng bộ phim Tâm hồn mẹ theo truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp. Trong tác phẩm của mình, nhà văn kể câu chuyện về một cô bé mồ côi khoảng 7-8 tuổi. Cô bé chơi đùa cùng cậu con trai. Trong giao tiếp, cô bé luôn có cảm giác mình cần che chở cho cậu bé. Bởi nữ tính, bởi thiên chức, bởi linh cảm trong cô như luôn ám ảnh rằng mình như một người mẹ “từ muôn kiếp nào” đối với cậu con trai.

Khi chuyển thể, đạo diễn Nhuệ Giang đã xây dựng nhân vật người mẹ cụ thể (Hồng Ánh) và anh lái xe (Quốc Thái). Thiên tính làm mẹ trong cô con gái tên Thu (Phùng Hoa Hoài Linh) bị giảm nhẹ, câu chuyện nghiêng về chiều hướng hiện thực.

5 vai diễn về mẹ Việt Nam đi cùng năm tháng - 8
Hồng Ánh trong phim Tâm hồn mẹ.

Ngoài 30 tuổi và có một cô con gái nhỏ nhưng nhân vật người mẹ đơn thân của Hồng Ánh trong Tâm hồn mẹ lại như một cô gái trẻ, bồng bột và si mê. Bản năng làm mẹ của người đàn bà đôi khi bị tình cảm riêng tư chi phối khi yêu anh lái xe (Trương Minh Quốc Thái). Trong khi đó, cô con gái Thu (Hoài Linh) lại chín chắn, già dặn, luôn che chở cho người mẹ non dại.

5 vai diễn về mẹ Việt Nam đi cùng năm tháng - 9
Bộ phim với diễn xuất của Hồng Anh đem đến sự xúc động cho khán giả.

5 vai diễn về mẹ Việt Nam đi cùng năm tháng - 10
Diễn viên nhí Phùng Hoa Hoài Linh và Hồng Ánh trong một cảnh phim.

Với Tâm hồn mẹ, Hồng Ánh lại một nữa chứng minh cho đạo diễn Nhuệ Giang thấy cô là lựa chọn phù hợp nhất cho vai diễn này. Còn với người xem, NSƯT Hồng Ánh khiến người xem phải thổn thức theo những chuyển động tâm lý của mình.

H.M
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan