Sự đối lập kỳ lạ của phim truyền hình châu Á và Âu - Mỹ

Ngày 24/05/2015 00:05 AM (GMT+7)

Phim truyền hình các nước có những khác biệt gây bất ngờ khi đặt lên bàn cân so sánh.

Âm nhạc

Sự đối lập kỳ lạ của phim truyền hình châu Á và Âu - Mỹ - 1
Những hình ảnh trong đoạn giới thiệu của "bom tấn" Breaking Bad hoàn toàn không có sự xuất hiện của các diễn viên chính.

Nếu theo dõi cả phim truyền hình châu Á và phim Âu – Mỹ, bạn sẽ thấy điều khác biệt đầu tiên ở hai mảng phim này là nhạc chủ đề (themesong). Trong phim châu Á, từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Phillipines… đều đầu tư cho những bài hát có lời để làm nhạc chủ đề, thì phương trời Âu đại đa phần là nhạc không lời, hoặc những ca khúc ngắn khá ít ca từ.

Xem lại nhạc phim chủ đề của Bộ bộ kinh tâm của Trung Quốc:

Ở các bộ phim dài tập, hoặc chia làm 2 phần phát sóng, các nhà làm nhạc châu Á bao giờ cũng ưu ái tặng cho bộ phim ít nhất 2 bài hát chủ đề để thay đổi, trong khi phim Âu Mỹ, dù có kéo dài đến 10 mùa chiếu, qua 10 năm thời gian, nhạc themesong vẫn luôn là duy nhất. Điều này tạo cảm giác khá khác biệt cho người xem. Những khán giả phim châu Á thường chỉ so sánh ca khúc này hay hơn ca khúc kia, nhưng với những ai đã nghiền phim Âu – Mỹ, thì ca khúc chủ đề của một bộ phim thật khó thay thế, trở thành một phần biểu tượng của bộ phim. Tất cả tựa như “nghe nhạc hiệu, đoán chương trình”, và dù giai điệu chỉ kéo dài khoảng 1 phút thì nó cũng tốn tiền tỷ của nhà sản xuất để hoàn thành các câu sáng tác, phối khí, ghi âm…

Xem lại nhạc phim Phép thuật không thay đổi sau 8 mùa chiếu:

Không những vậy, ở các bộ phim châu Á, gắn kèm với themesong luôn là hình ảnh của các nhân vật chính, những tình huống gay cấn hay những cảnh quay ấn tượng nhất để giới thiệu với khán giả. Qua đó, người xem sẽ phần nào nắm bắt được nội dung chính của phim, biết ai sẽ yêu ai, hận thù ra sao… Ngược lại, các nhà làm phim Âu Mỹ cực kỳ tiết kiệm trong khoản này. Phần giới thiệu đầu của phim chỉ có các nhân vật chính, hoặc những chi tiết rất tượng hình mà không đi vào các tình huống cụ thể. Tùy vào thể loại phim tâm lý, hình sự, kinh dị, hài, bí ẩn… mà các nhà làm phim đưa vào những hình ảnh tượng trưng để người xem phần nào thấy được chủ đề khái quát, bao trùm nhất của cả tác phẩm.

Nội dung, nhân vật

Sự đối lập kỳ lạ của phim truyền hình châu Á và Âu - Mỹ - 2

Vượt ngục đã có tập Pilot xuất sắc và được làm tiếp ngay sau đó.

Một khi đã lên sóng, các bộ phim châu Á thường sẽ chiếu hết bộ. Trong khi, ở trời Tây, mọi bộ phim đều phải trải qua giai đoạn “thăm dò” qua tập đầu tiên có tên là pilot. Pilot thường là tập các nhà làm phim tự bỏ tiền ra để làm và mời chào các nhà đầu tư. Nếu tập đầu tiên thu hút được khán giả, bộ phim sẽ tiếp tục được sản xuất. Các khán giả chăm xem phim Hàn, phim Hoa ngữ, phim Thái Lan không khó để có thể đoán được tình tiết, nội dung của toàn bộ phim, cho dù nó có kéo dài đến cả gần 100 tập. Nhân vật phụ sẽ vẫn là phụ, nhân vật chính sẽ vẫn là chính.

Trong khi đó, với đặc tính mùa chiếu kéo dài từ năm này qua năm khác, không dễ để đoán được nội dung của các phim Âu – Mỹ. Nhân vật phụ nếu được khán giả yêu thích đều có cơ hội để trở thành dàn cast chính, trong khi nhân vật chính nếu không vừa mắt có thể sẽ bị loại ra khỏi phim. Những điều này hoàn toàn ảnh hưởng đến nội dung cơ bản của toàn tác phẩm.

Lịch chiếu

Sự đối lập kỳ lạ của phim truyền hình châu Á và Âu - Mỹ - 3
Võ Mị Nương truyền kỳ dài đến cả trăm tập được chiếu trong vòng hơn 2 tháng, trong khi với thời lượng này, một bộ phim dạng dài sẽ được chiếu trong khoảng 5 năm.

Các fan phim Âu – Mỹ hẳn sẽ ngưỡng mộ các khán giả của phim châu Á bởi sự khác biệt hoàn toàn trong lịch chiếu phim. Mỗi ngày một tập, thậm chí là 2 tập một ngày, xem liền một mạch, chưa đầy 2 tháng là hết mấy chục tập phim, khoảng thời gian thấp thỏm, hồi hộp chỉ là con số nhỏ nếu so với lòng kiên nhẫn chờ đợi trong hàng năm trời của phim phương Tây.

Các bộ phim Âu Mỹ thường chiếu theo mùa (season). Các bộ phim dài và hay của các nhà đài thường được chiếu vào fall season (khoảng tháng 9), và với thường lượng từ 20 – 25 tập, sẽ kết thúc vào tháng 5 năm sau. Trong tầm 4 tháng các bộ phim dài “nghỉ ngơi”, các bộ phim ngắn tập, như Game of thrones, Orang is the new black…  sẽ “vào cuộc” lấp chỗ trống. Trong khoảng thời gian công chiếu, rất có thể các bộ phim sẽ phải ngưng phát sóng trong khoảng 1 tháng, vì vướng vào lịch thi đấu bóng rổ nhà nghề, nghỉ lễ quốc khánh hay nhiều lý do mà ở châu Á, khán giả hiếm khi nào gặp phải.

Sự đối lập kỳ lạ của phim truyền hình châu Á và Âu - Mỹ - 4
Trò chơi vương quyền có sẵn dàn diễn viên, kịch bản... nhưng một năm chỉ chiếu có 10 tập.

Một điều đặc biệt gắn liền với lịch chiếu của phim Âu – Mỹ, đó là các kỳ nghỉ lễ. Vào các dịp như Halloween, lễ Giáng Sinh, lễ Tạ Ơn… bạn sẽ thấy các tập phim của mọi bộ phim đều cùng xoay quanh chủ đề này, và dù có chuyển kênh chán chê thì khán giả cũng hiếm khi bắt gặp một tập phim “lệch pha” khi được chiếu vào các lễ hội tương ứng.

Dàn diễn viên

Với một bộ phim truyền hình châu Á, dàn diễn viên luôn cố định. Trường hợp đổi diễn viên hoặc loại trừ diễn viên ra khỏi phim là việc đặng chẳng đừng. Trong trường hợp có sự cố, đoàn làm phim sẽ sắp xếp lại lịch làm việc để không phải thay đổi dàn diễn viên. Đơn cử như bộ phim Bạch phát ma nữ, Huỳnh Hiểu Minh bị tai nạn trong một cảnh quay, buộc phải nghỉ ngơi. Đoàn làm phim đã phải sắp xếp lại toàn bộ các phân cảnh và thứ tự quay để Huỳnh Hiểu Minh có thời gian phục hồi theo yêu cầu của bác sĩ. Trong khi đó, nếu xảy ra trên phim trường Âu – Mỹ, rất có thể các nhà làm phim sẽ tìm cách cắt ngắn đất diễn của anh để đảm bảo tiến độ.

Sự đối lập kỳ lạ của phim truyền hình châu Á và Âu - Mỹ - 5
McDreamy - chàng bác sĩ nổi tiếng và điển trai của Grey's Anatomy đã chết một cách lãng xẹt sau khi gắn bó gần 11 mùa chiếu, do nam diễn viên đã quá chán phải sống với nhân vật này sau hơn 10 năm.

Ngược lại, dàn cast của phim phương Tây không mấy khi cố định. Việc làm dàn trải và quay theo từng phần qua mỗi năm khiến việc phối hợp đồng bộ lịch làm việc của các diễn viên là vô cùng khó khăn. Thị trường Anh – Mỹ quy định tối đa các nhà làm phim chỉ được ký hợp đồng liên tục với các diễn viên trong 3 mùa chiếu liên tiếp, còn sau đó đi hay ở tùy thuộc vào… tình nghĩa và catse.

Khán giả Việt Nam từng rất buồn khi nhân vật Prue trong phim Charmed bị chết tức tưởi, nhưng thực tế là do nữ diễn viên Shannen Doherty có một số xích mích với đoàn làm phim và quyết định rời đi. Người yêu mến Downton Abbey “ngã ngửa” khi nam nhân vật chính Matthew Crawley được mến mộ nhất phim bỗng dưng chết sau một tai nạn lãng xẹt. Thực tế nguyên nhân là nam diễn viên Dan Stevens muốn phát triển ở mảng điện ảnh nên đã chấm dứt hợp đồng sau 3 mùa chiếu dù nhà sản xuất đã cố gắng thuyết phục anh ở lại. Mới đây nhất, anh chàng bác sĩ điển trai Mc Dreamy Derek Sherperd cũng đã tử nạn trong một tai nạn hết sức ngu ngốc, mà lý do thực sự đằng sau là nam chính Patrick Dempsey đã quá chán nhân vật này sau 10 năm gắn bó.

Tuy nhiên, dù có khác biệt thế nào, xét cho cùng, phim châu Á hay phim Âu – Mỹ đều có những đặc tính riêng, thu hút theo một cách riêng và đem đến cho khán giả những món ăn tinh thần không thể thiếu.

L.N
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hậu trường showbiz