Đa thai: Nên mừng hay lo?

Ngày 11/06/2013 08:42 AM (GMT+7)

Đối với nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, mang đa thai sau khi thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là tin vui nhưng đối với ngành y đó lại là một hạn chế.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số do Sở Y tế TP HCM tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, bà Tô Thị Kim Hoa - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP - đã đưa ra một số góp ý sửa đổi, bổ sung nội dung Pháp lệnh Dân số, trong đó có đề xuất bổ sung quy định về số thai trong thụ tinh nhân tạo như một nội dung nhằm nâng cao chất lượng dân số. Hiện nay, trong trường hợp đậu quá nhiều thai sau khi thực hiện hỗ trợ sinh sản (HTSS), giữ lại bao nhiêu thai vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của người mẹ.

Như một biến chứng

Đối với các bác sĩ (BS) của Bệnh viện (BV) Từ Dũ, việc giúp sản phụ L.H.A.T. (SN 1985) vượt cạn thành công với 5 em bé chỉ nặng 1,3 - 2 kg hồi tháng 3 năm nay là cả một phép mầu. Bởi đó là ca mổ đẻ với rất nhiều nguy cơ tai biến cho cả mẹ lẫn con, trong đó việc dưỡng bào thai 5 đứa trẻ “cầm cự” được đến tuần thứ 33,5 cũng là chuyện hy hữu. Sức khỏe 5 đứa trẻ, dù bị suy hô hấp, có yếu ớt, phải nằm nhiều ngày tại khoa sơ sinh nhưng cuối cùng đều khỏe mạnh... Trước đó, chị T. thực hiện thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) tại một phòng khám tư nhân và kiên quyết không thực hiện giảm thai vì một số lý do riêng.   

Đa thai: Nên mừng hay lo? - 1
Một ca đa thai sau thụ tinh nhân tạo, các em bé chỉ nặng 1,3 - 2 kg

Sau ca sinh 5 thành công ấy, số lượng thai phụ đậu tới 3, 4 thai sau khi được HTSS đòi giữ lại toàn bộ thai tăng đến chóng mặt tại BV Từ Dũ. Vậy là các BS lại phải cố gắng thuyết phục, bởi lẽ họ hiểu rằng phép mầu thường chỉ xảy ra 1 lần. “Đa thai trong HTSS có thể coi như một biến chứng trong quá trình kích thích buồng trứng. Nhiều nước đi đầu về HTSS như Mỹ, Pháp, Úc đã phải đối đầu với vấn đề đa thai trong HTSS gia tăng. Đa thai sẽ mang đến rất nhiều nguy cơ cho mẹ và con, làm giảm đi cơ hội đưa được một đứa trẻ khỏe mạnh về nhà sau quá trình điều trị. Vì thế, chiến lược của HTSS là ngoài gia tăng tỉ lệ thành công còn phải giảm tỉ lệ đa thai” - ThS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, cho biết.

Theo BS Tuyết, một ca thụ tinh nhân tạo - thụ tinh trong ống nghiệm thành công nhất vẫn là đậu được một thai khỏe mạnh. Song thai cũng có thể chấp nhận dù đa phần vẫn sinh non nhưng sinh ở tuần thai thứ 34-35, trẻ không quá yếu, tỉ lệ tử vong sơ sinh thấp. Không nên để tam thai vì thời điểm sinh non sẽ bị lùi về tuần thai thứ 28-30, trẻ rất non, nuôi khó, để lại nhiều di chứng… Nếu tứ thai, ngũ thai… thì các mối nguy hiểm này còn cao hơn nữa.

Nên vì con

BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, nhấn mạnh: “Thai kỳ đa thai luôn là một thai kỳ nguy cơ cao. Người mẹ dễ bị cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật; tăng nguy cơ tai biến do diện nhau bám rộng làm đờ tử cung, băng huyết, chảy máu sau sinh… Đa thai cũng thường dẫn đến sinh non, nguy cơ đối với trẻ non tháng là ngạt sau sinh, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, hạ đường huyết, vàng da sơ sinh, nhiễm trùng, bệnh lý võng mạc, chậm tăng trưởng thể chất, trí tuệ, bại não… Chưa kể, đa thai còn khiến nguy cơ sảy thai, thai chết lưu cao hơn”.

Theo BS Thông, ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, việc quyết định giữ lại bao nhiêu thai vẫn thường phụ thuộc vào người mẹ và suy cho cùng đó cũng là quyền chính đáng. Vấn đề ở đây là nhiều người vẫn chưa hiểu rõ các nguy cơ, bị ảnh hưởng bởi tâm lý mong con mà quên đi những vấn đề về sức khỏe, trí tuệ mà đứa trẻ có thể phải gánh chịu.

Nhiều biện pháp dự phòng

BS Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết trong cả 2 phương pháp HTSS phổ biến hiện nay là thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm đều có các biện pháp dự phòng, hạn chế đa thai.

Trong IUI, nếu kiểm tra và phát hiện có nhiều hơn 4 nang noãn trưởng thành sau giai đoạn kích thích buồng trứng, chu kỳ đó sẽ bị hủy. Dù vậy, vẫn có thể xảy ra trường hợp số thai đậu quá nhiều do nhiều nang noãn được thụ tinh; do trứng trưởng thành không đều, trứng rụng thêm trong khi vẫn có giao hợp tự nhiên sau khi bơm tinh trùng… Ở tuần thai thứ 7-8, khi đã thấy phôi và tim thai, nếu có từ 3 thai đậu trở lên thì cặp vợ chồng đó sẽ được tư vấn biện pháp giảm thai.

Đối với thụ tinh trong ống nghiệm, nếu chất lượng phôi, sức khỏe thai phụ tốt, sẽ chỉ có 2 phôi được chuyển, số còn lại được dự trữ. Có thể chuyển 3 phôi nếu chất lượng phôi kém hơn. Nếu đậu cả 3 thai, thai phụ cũng được tư vấn giảm thai. Hiện tỉ lệ tai biến khi giảm thai rất thấp, khoảng dưới 1%.

Theo Anh Thư (Người lao động)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Sinh đôi và đa thai