Mẹ làm gì khi thai nhi “tung chưởng” trong bụng?

Ngày 25/11/2014 20:01 PM (GMT+7)

Những chiêu đơn giản dưới đây sẽ giúp mẹ có cách đối phó với những cú "tung chưởng" của thai nhi.

Mang thai có thể coi là thời gian đặc biệt nhất trong cuộc đời mỗi người phụ nữ. Ngày ngày cảm nhận con lớn lên từng ngày là một cái gì đó thật khó diễn tả nhưng vô cùng thiêng liêng. Tuy nhiên, có lẽ cảm xúc, sự kết nối mạnh mẽ nhất của mẹ với thai nhi phải kể đến 3 tháng cuối khi mà những cú huých, đá của bé đã rất mạnh mẽ.

Dù biết rằng ngay từ tuần thứ 8 thai kỳ, em bé đã nhào lộn trong bụng mẹ nhưng 3 tháng đầu mẹ vẫn chưa thể cảm nhận được, đến 3 tháng tiếp theo những chuyển động này cũng vẫn khá nhẹ nhàng và cho đến 3 tháng cuối thì dù không để ý mẹ cũng dễ dàng nhận thấy những cú đạp vì những chuyển động của bé đã vô cùng mạnh mẽ.

Vậy mỗi khi thấy thai nhi chuyển động, nhào lộn trong bụng, mẹ nên trả lời bé thế nào? Dưới đây là những việc mẹ nên làm khi nhận thấy những cú đá của con yêu:

Đếm số lần con đạp

Khi đã bước vào quý thứ 3 của thai kỳ, việc đứa trẻ đấm đá vào bụng mẹ là chuyện thường tình. Nếu không có bất kỳ chuyển động nào của thai nhi thì mới đáng lo ngại. Mẹ nên đếm số lần con ngọ nguậy trong bụng mình. Tần suất lý tưởng là 10 lần chuyển động trong vòng 1 giờ. Nếu trong vòng 2,3 tiếng liền, bạn chỉ cảm nhận được khoảng 5 chuyển động của bé thì nên tìm đến chuyên gia sức khỏe để xin được tư vấn.

Mẹ làm gì khi thai nhi “tung chưởng” trong bụng? - 1
Khi đã bước vào quý thứ 3 của thai kỳ, việc đứa trẻ đấm đá vào bụng mẹ là chuyện thường tình. (ảnh minh họa)

Cẩn trọng

Nếu không cảm nhận đủ số lần chuyển động trong bụng mẹ của bé, chị em phải hết sức lưu ý. Việc cần làm ngay lúc đó là nạp thêm vào cơ thể vài món ăn điểm tâm và uống nước trái cây đặc biệt là nước có vị chua để kích thích dạ dày hoạt động, sau đó sẽ kích thích cả dạ con, khiến cho thai nhi có phản ứng. Đây là một mẹo hay cho các bà bầu sắp lâm bồn nhất là với những ai có tiền sử mắc bệnh tiểu đường.

Chơi với con yêu

Mỗi khi cảm nhận được chuyển động của con ở trong bụng, mẹ có thể chơi với bé và đừng nghĩ rằng con không cảm nhận được nhé. Lúc bạn cảm thấy đầu gối hoặc cánh tay của bé đang thúc vào bụng mình hãy nhấn lại một cái thật nhẹ nhàng vào đúng chỗ đấy. Nếu đứa trẻ đang có hứng chơi, bé sẽ thúc lại vào bụng bạn. Trò chơi đầu đời kiểu này sẽ kích thích trí thông minh và khả năng phản xạ của bé.

Thay đổi tư thế

Một số tư thế nằm sẽ khiến bạn thấy đau ê ẩm và khó chịu. Vào 3 tháng mang thai cuối, đứa bé có thể to quá khổ so với bụng bầu của mẹ, bé không có đủ không gian để cử động. Đây cũng là thời gian trẻ quay đầu, chân chổng ngược lên trên. Vì vậy chỉ cần một chuyển động nhỏ cũng đủ khiến bạn đau nhói. Để tránh những tình huống khó chịu, mẹ nên thay đổi tư thế nằm để bé có vị trí thoải mái nhất trong bụng và bạn cũng bớt đau đớn hơn.

Mẹ làm gì khi thai nhi “tung chưởng” trong bụng? - 2
Mỗi khi cảm nhận được chuyển động của con ở trong bụng, mẹ có thể chơi với bé. (ảnh minh họa)

Tận hưởng

Đôi khi việc bé chuyển động trong bụng sẽ khiến mẹ thấy đau đớn, nhưng đó là trải nghiệm tuyệt vời. Từng ngày đợi con ra đời và cảm nhận sự lớn lên của con qua những chuyển động tinh nghịch ở trong bụng mình thật thú vị phải không các mẹ. Mỗi khi thấy đau tức, mẹ chỉ cần nghĩ rằng con mình hiếu động như vậy chứng tỏ bé đang khỏe mạnh và phát triển bình thường, bạn sẽ có động lực để vượt qua mọi đớn đau.

Đừng than phiền

Dẫu biết rằng mẹ rất đau nhưng việc than phiền chẳng có ích gì thậm chí còn tạo ra tâm lý khó ở, hay cáu gắt bực mình. Đừng nghĩ rằng đứa trẻ chưa ra đời thì bé chưa cảm nhận được tâm trạng của mẹ đâu nhé. Ngược lại thái độ cằn nhằn của bạn sẽ tác động xấu đến bé yêu và làm những tháng mang thai cuối cùng đáng ra phải háo hức, thiêng liêng thì trở nên khó khăn, căng thẳng. Chắc chắn con yêu không hề thích điều này!

Hạnh Nguyên/ Boldsky
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác