Thai nhi 36 tuần tuổi: Sẵn sàng hít thở không khí

Ngày 19/10/2016 00:06 AM (GMT+7)

Thai nhi đã hoàn thiện cơ thể và sẵn sàng để hít thở không khí cũng như tiêu hóa sữa mẹ.

Dưới đây là những thay đổi cụ thể của thai nhi và cơ thể mẹ trong tuần này:

Sự phát triển của thai nhi

Em bé hiện giờ đã tăng 1cm so với tuần trước (48 cm) với cân nặng vẫn xấp xỉ 2,7 kg - nhưng mẹ nên nhớ đây chỉ là số liệu tham khảo bởi không phải em bé nào cũng sinh ra với cùng kích thước. Thai nhi đã hoàn thiện cơ thể và sẵn sàng để hít thở không khí cũng như tiêu hóa sữa mẹ. Bé sẽ tiếp tục tăng cân cho đến khi sinh, khoảng 30g một ngày nhờ lượng chất béo tăng dần.

Từ giờ cho đến ngày vượt cạn, bạn có thể cảm thấy khó chịu bởi những cú huých bằng khuỷu tay hay bàn chân của em bé, thậm chí là đau đớn. Con bạn không có nhiều không gian để di chuyển, do đó bé dường như không lộn được đầu lên hoặc xuống, nhưng bạn vẫn sẽ cảm nhận thấy những chuyển động và đôi khi nhìn thấy chúng ở trên bề mặt bụng mình.

Thai nhi 36 tuần tuổi: Sẵn sàng hít thở không khí - 1

Bé sẽ tiếp tục tăng cân cho đến khi sinh (Ảnh minh họa)

Những thay đổi bên trong cơ thể mẹ

Nếu đây là lần mang thai đầu tiên của bạn, em bé sẽ di chuyển vào vị trí với phần đầu chúc xuống và có thể chui xuống phần khe sinh nở - điều này được gọi là ‘sa bụng’ - thuật ngữ mô tả em bé đang trong một vị trí thấp hơn trong tử cung mẹ. Bạn dường như cảm thấy đầu em bé nhấn xuống phần khung xương chậu của mình, và nếu cảm thấy khó thở, bạn có thể thở dễ dàng hơn khi bé di chuyển ra khỏi lồng ngực của bạn. Mẹ cũng sẽ ít gặp vấn đề hơn với chứng khó tiêu. Các cơ bắp trong tử cung và bụng của bạn cần đủ khỏe để hỗ trợ em bé, tuy nhiên chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy bất tiện khi đi lại và áp lực lên bàng quang khiến bạn khó có thể ở xa nhà vệ sinh.

Nếu trước đó bạn đã từng sinh nở, em bé của bạn sẽ chờ cho đến khi gần ngày sinh rồi mới hướng đầu xuống dưới và ‘sa bụng’.

Bạn sẽ trải qua cơn co thắt Braxton-Hicks (co thắt tử cung giả) thường xuyên hơn.

Những lưu ý cần thiết cho mẹ

Bạn cần phải có một cuộc hẹn khám thai trong tuần này, khi đó nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sẽ đo kích thước tử cung, kiểm tra vị trí em bé, đo huyết áp của bạn và kiểm tra nồng độ protein trong nước tiểu. Bạn cũng nên tìm hiểu các thông tin về chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, vấn đề tiêm cho bé vitamin K khi sinh, xét nghiệm sàng lọc cho trẻ và những chuẩn bị trước về vấn đề sức khỏe của chính mình trong suốt thời điểm sinh nở hoặc sau khi sinh - bao gồm cả bệnh trầm cảm sau sinh.

Trong khi trải nghiệm những cơn co thắt tử cung giả, bạn có thể thực hành các kỹ thuật thở đã được học ở lớp học tiền sản. Chuyển sang một tư thế khác có thể giúp làm giảm bớt các cơn co thắt.

Một khi đã ở nhà trông con, thật tệ nếu phải chạy ra ngoài mua đồ, vì vậy hãy tích trữ một số đồ dùng cơ bản cần thiết như tã lót, giấy vệ sinh và băng vệ sinh bên cạnh những vật dụng hàng ngày. Hãy suy nghĩ đến cả vấn đề ăn uống, bạn có thể tích trữ thức ăn đã chế biến trong ngăn đá, điều này sẽ giúp bạn không tốn nhiều thời gian nấu ăn trong những ngày đầu mới sinh.

Thời gian bạn sinh không thể dự đoán chính xác, vì vậy trong trường hợp không tìm được người lái xe, bạn có thể gọi một chiếc taxi. Ghi lại các số điện thoại quan trọng - như số chồng bạn hay số của người sẽ vào phòng sinh cùng bạn và số điện thoại của bệnh viện hoặc nữ hộ sinh. Bạn cũng nên đưa những bản sao số điện thoại cho chồng và người thân.

Hiện giờ bạn đã sắp xếp ổn thỏa mọi thứ để chờ đón đứa con của mình, hãy dành cho chính mình thời gian nghỉ ngơi. Đặc biệt nếu đây là đứa con đầu tiên của bạn, bạn có thể không nhận ra rằng việc chăm sóc trẻ có thể khiến bạn sẽ không có nhiều cơ hội để thưởng thức bữa tối. Đây là thời điểm tốt để tận hưởng với chồng trước khi có con, vì vậy có lẽ bạn nên đi xem phim hay thưởng thức một bữa ăn tối tại nhà hàng yêu thích.

Thùy Dương (Theo WebMD)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mang thai 6-9 tháng