1 lít xăng sẽ phải gánh 13.000 đồng thuế, phí ?

Ngày 17/01/2017 00:21 AM (GMT+7)

Nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tiếp tục tăng mạnh sẽ tạo ra cú sốc với người tiêu dùng.

Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó đáng chú ý là Bộ Tài chính đề xuất tăng khung thuế BVMT đối với một số mặt hàng xăng, dầu lên gấp 2-3 lần so với hiện hành.

Thu thuế xăng liên tục tăng

Theo dự thảo, khung thuế BVMT đối với mặt hàng xăng (trừ ethanol) ở mức 3.000-8.000 đồng/lít; nhiên liệu bay 3.000-6.000 đồng/lít; dầu diesel 1.500-4.000 đồng/lít. Mặt hàng xăng sinh học E5, E10 chịu mức thuế 2.700-7.200 đồng/lít và 2.500-6.800 đồng/lít. Riêng dầu hỏa giữ như khung thuế hiện hành, tức 300-2.000 đồng/lít.

Như vậy, đối với xăng (trừ xăng ethanol), mức thuế dự kiến sẽ tăng 1.000-4.000 đồng/lít. Đối với dầu diesel, sắc thuế sẽ đánh 3.000-6.000 đồng/lít thay vì 500-2.000 đồng như hiện nay. Dầu mazut cũng có thể sẽ phải chịu thuế tối đa gấp ba lần hiện nay, tức là tăng 900-4.000 đồng/kg.

Theo tờ trình của Bộ Tài chính, số thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm, từ năm 2012 đến 2016. Cụ thể, tổng số thu thuế BVMT năm 2012 là 11.160 tỉ đồng, đến năm 2016 tăng vọt lên khoảng 42.393 tỉ đồng. Con số này chiếm 1,5%-4,1% tổng thu ngân sách nhà nước và 0,3%-0,9% trên GDP hằng năm.

1 lít xăng sẽ phải gánh 13.000 đồng thuế, phí ? - 1

Thuế bảo vệ môi trường tăng sẽ đẩy giá xăng bán lẻ lên rất cao. Ảnh: PHI HÙNG

“Việc thực hiện chính sách thuế BVMT đã góp phần động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước để giải quyết vấn đề môi trường với nhu cầu ngày càng tăng” - Bộ Tài chính lý giải.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc sử dụng hiệu quả công cụ kinh tế, trong đó có thuế BVMT là một trong những giải pháp khả thi để góp phần giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường, từ đó cải thiện chất lượng môi trường.

Khi tiếp nhận thông tin trên, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), khá bất ngờ và cho rằng hiện nay giá xăng, dầu ở mỗi nước phụ thuộc vào chính sách thuế, phí. Giá mỗi lít xăng cao hay thấp tùy vào mức thuế, phí mà quốc gia đó đưa ra. Ở Việt Nam, mỗi lần tăng thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu đều nhận nhiều ý kiến không đồng tình từ dư luận; doanh nghiệp (DN) và người dân kêu rất nhiều. Nếu sắp tới thuế BVMT lại tiếp tục tăng sẽ tạo ra cú sốc với DN và gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Ông Long dẫn chứng: “Trước đây khi thuế BVMT tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít, dư luận đã phản ứng. Lý do là dù Bộ Tài chính giải thích rằng thuế này không ảnh hưởng đến người dân nhưng thực chất lại không như Bộ Tài chính khẳng định”.

Khó chấp nhận

Bà Đặng Thị Kim Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Việt Tân Phát, nói bà thực sự thấy choáng với đề xuất tăngthuế BVMT của Bộ Tài chính. Bởi trong điều kiện nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tăng thuế BVMT đối với xăng, dầu gấp hai, ba lần so với mức hiện tại chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các công ty vận tải. Điều đó buộc DN phải tăng giá cước vận tải để phù hợp với điều kiện thực tế.

“Nhưng nếu cước vận tải tăng, khách hàng sẽ giảm, vận chuyển ế ẩm… thì e rằng các công ty vận tải có nguy cơ phá sản” - bà Thủy nói.

1 lít xăng sẽ phải gánh 13.000 đồng thuế, phí ? - 2

Giá xăng sẽ tăng mạnh?

Lãnh đạo một công ty đầu mối xăng dầu cho rằng theo nguyên tắc, muốn tăng nguồn thu ngân sách, nhà điều hành cần giảm thuế để kích thích sản xuất, tạo điều kiện để DN phát triển, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu chứ không nên tận thu. Nếu cứ tận thu sẽ triệt tiêu sản xuất.

“Giá xăng hiện ở mức trên 17.000 đồng/lít, thuế BVMT đang ở mức 3.000 đồng, tức chiếm gần 20%. Trong khi giá xăng về cảng sau khi tính thuế nhập khẩu cũng khoảng trên dưới 10.000 đồng/lít; nếu thuế BVMT tăng lên 8.000 đồng/lít thì mức thuế này chiếm đến 50% mức giá bán lẻ và gần bằng với mức giá xăng khi về cảng” - vị này nêu thực tế.

TS Ngô Trí Long phân tích thêm hiện nay thuế, phí chiếm hơn 50% trong cơ cấu giá xăng, dầu và đây là mức cao. Nay nếu thuế BVMT tăng gấp ba lần so với trước kia sẽ càng khó chấp nhận.

“Xăng, dầu là nguyên liệu đầu vào của sản xuất, khi một loại thuế trong thành phần giá xăng, dầu tăng lên sẽ kéo theo giá xăng bán lẻ bị đẩy lên rất cao. Từ đó kéo theo tăng chi phí giá thành hàng hóa khác, ảnh hưởng đến cạnh tranh hàng hóa của DN. Hơn nữa khi thu nhập người dân chưa cao, nhà điều hành cứ chăm chăm vào tăng thuế là không ổn” - ông Long phân tích.

Bên cạnh đó, TS Ngô Trí Long cho rằng hiện nay trong BVMT, Nhà nước đang khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhưng Bộ Tài chính lại đề xuất áp thuế BVMT với cả xăng sinh học. Như vậy là đi ngược với chính sách khuyến khích sử dụng xăng sinh học và khiến loại xăng này càng khó tiêu thụ hơn.

Do đó, ông Long đề xuất không nên tăng thuế BVMT. Thay vào đó Bộ Tài chính cần cơ cấu lại thu chi ngân sách, siết chặt kỷ cương tài chính. Không nên cứ đánh thuế vào túi tiền người dân mỗi khi ngân sách khó khăn.

Tán đồng với quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng tăng mạnh thuế BVMT với xăng, dầu sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân. Mặt khác, để tăng thu cho ngân sách hiện nay vẫn còn nhiều dư địa như bao quát các khoản thu đi đôi với việc chống thất thu thuế.

'Còng' lưng gánh thuế, phí

Hiện 1 lít xăng đang phải chịu các loại thuế, phí sau: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế BVMT; chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn.

Như vậy tính ra thuế, phí hiện chiếm hơn 8.500 đồng/lít xăng, tức chiếm 48,3% so với giá bán lẻ hiện hành 17.590 đồng/lít. Nếu thuế BVMT tăng lên 8.000 đồng/lít thì giá cơ sở xăng, dầu sẽ bị đẩy lên mức hơn 23.000 đồng/lít, trong đó riêng thuế và phí chiếm hơn 13.000 đồng.

Chịu ảnh hưởng lớn

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN Logistics Việt Nam, cho rằng chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 30%-35% chi phí vận hành nên DN vận tải chịu ảnh hưởng rất lớn của giá nhiên liệu.

“Thuế BVMT tăng, DN vận tải sẽ bị thu gián tiếp thuế này qua nhiều hình thức như các loại phí cầu cảng, phí tính trên đầu xe, phí kiểm định xe... Như vậy, thuế này tăng sẽ đẻ thêm bộ máy để thu, tốn cả chi phí lẫn thời gian cho người kinh doanh. Hiệp hội đang thu thập ý kiến các DN, từ đó kiến nghị với Bộ Tài chính, Chính phủ về vấn đề này”.

Bộ Tài chính cho biết năm 2015, chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường ở mức 11.400 tỉ đồng. Năm 2016, ngân sách bố trí chi sự nghiệp môi trường 12.290 tỉ đồng, đạt 1% tổng chi ngân sách.

Theo Trà Phương - Quang Huy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h