Bất thường lãi suất cho vay của ngân hàng

Ngày 14/12/2013 06:34 AM (GMT+7)

Nhiều ngân hàng công bố lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động, thậm chí có ngân hàng cho vay với lãi suất bằng 0% trong 3 tháng đầu tiên.

Theo Ngân hàng (NH) Nhà nước, gần đây, một số NH thương mại chấp nhận cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động. Đó là biểu hiện kinh doanh không lành mạnh, có thể tạo ra rủi ro cho chính các NH. Để chấn chỉnh tình trạng này, NH Nhà nước đã yêu cầu các NH thương mại giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay phù hợp, không cho vay với lãi suất thấp hơn chi phí huy động vốn.

Cho vay dưới giá vốn

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong ngày 12-12, lãi suất huy động vốn lẫn cho vay tại các NH không biến động. Nhiều NH tiếp tục cho vay với lãi suất cực thấp. Đơn cử, NH Tiên Phong (TPBank) cho vay mua - xây sửa nhà, tiêu dùng lãi suất 8,8%/năm trong 8 tháng đầu hoặc lãi suất 0% trong tháng đầu tiên và 11%/năm trong 11 tháng tiếp theo; còn mức lãi suất 8%/năm trong 8 tháng đầu tiên được TPBank áp dụng cho khách hàng vay tiền mua ô tô, hộ gia đình vay vốn kinh doanh. Riêng khách hàng VIP, TPBank cho vay với lãi suất 5,8%/năm. NH Đại Dương cũng áp dụng lãi suất cho vay 7%/năm trong 3 tháng đầu tiên đối với doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung vốn lưu động…

Bất thường lãi suất cho vay của ngân hàng - 1

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại không cho vay với lãi suất thấp hơn chi phí huy động vốn Ảnh: HỒNG THÚY

Trong khi đó, NH Việt Nam Thịnh Vượng gây sốc khi cho vay mua nhà, mua ô tô, đầu tư kinh doanh và tiêu dùng lãi suất vay 0% cố định trong 3 tháng đầu, đồng thời tặng cho khách hàng được giải ngân sớm nhất từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng.

Đối chiếu với lãi suất đầu vào ở mức 6%-10%/năm, cộng với chi phí kinh doanh 2%-3%, tính ra lãi suất cho vay ở mức 8%-13%/năm NH mới có lời. Như vậy, phải chăng các NH cho vay dưới giá vốn (lãi suất từ 0%-8%/năm) sẽ đối mặt kinh doanh thua lỗ? Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh đầu ra cực hẹp, một số NH cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất đầu vào là chấp nhận thua lỗ trong ngắn hạn. Sau đó, NH sẽ điều chỉnh lãi suất các tháng tiếp theo để bù đắp sao cho có lời.

Tung chiêu dụ khách hàng

Theo giới phân tích, giả sử NH cho khách hàng vay 100 triệu đồng với lãi suất 0% trong 3 tháng đầu để thu hút người vay, thế nhưng, 9 tháng tiếp theo, NH có thể đưa ra lãi suất 11%/năm và tính lãi suất theo dư nợ ban đầu là 100 triệu đồng. Như vậy, lãi suất cho vay của cả 12 tháng vẫn là 11%. Ngoài ra, NH có thể thu phí trả nợ trước hạn, tính ra chi phí vay vốn có thể lên đến 12%-13%/năm. Đây là một trong những chiêu thức được cho là cạnh tranh thiếu lành mạnh bởi lãi suất cho vay cực thấp là yếu tố thu hút khách hàng nhanh nhất.

Một chiêu thức khác cũng đang được nhiều NH áp dụng: “Cứ để khách hàng nhảy vô rồi tính”. Tức là, NH sẽ tung chiêu cho vay dưới giá vốn để doanh nghiệp sớm thiết lập quan hệ tín dụng. Sau đó, NH tăng dần lãi suất, đồng thời thu phí dịch vụ liên quan đến dòng tiền ra vào của doanh nghiệp nhằm bảo đảm kinh doanh không thua lỗ.

Thế nhưng, tổng giám đốc của một NH lớn khi trao đổi với chúng tôi lại cho rằng việc cho vay dưới giá vốn là cạnh tranh bình thường bởi không ít NH huy động được nhiều nguồn vốn giá rẻ, nhất là vốn vay từ NH bạn lãi suất chỉ khoảng 5%/năm. Từ đó, các NH này trộn nguồn vốn giá rẻ vào số vốn huy động từ dân cư để hình thành mức lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiết kiệm.

Còn phó tổng giám đốc của một NH ở TP HCM cho biết nhiều NH đang chào mời doanh nghiệp xuất nhập khẩu mức lãi suất 7%-8%/năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại có nguồn thu ngoại tệ khá lớn nên NH sẽ có được lợi nhuận từ chênh lệch giá mua bán ngoại tệ để bù đắp việc cho vay với lãi suất thấp. Do đó, trong trường hợp này không nói rằng NH cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Sẽ xử lý

Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Mở TP HCM, NH cho vay dưới giá vốn chỉ trong vài tháng đầu, sau đó sẽ tăng mạnh lãi suất sao cho không thua lỗ. Do đó, bản chất của việc lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động phải là lãi suất cho vay bình quân trong suốt thời hạn vay. Vấn đề quan trọng là các NH cạnh tranh nhau về lãi suất có làm thị trường tiền tệ rối loạn hay không?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo của NH Nhà nước khẳng định NH nào cho vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) với lãi suất thấp hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 12 tháng là thiếu lành mạnh. Cơ quan quản lý sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra NH đó để có biện pháp xử lý thích hợp. Cũng theo vị lãnh đạo này, nếu NH cho các khách hàng vay tiền ngắn hạn với lãi suất quá “bèo” có thể phát sinh hiện tượng vay tiền ở NH này rồi gửi vào NH khác có lãi suất huy động vốn cao, làm bất ổn thị trường tiền tệ.

Theo Thy Thơ (Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan