Bún Phú Đô "chịu trận" vì thông tin bún độc

Ngày 28/07/2013 17:32 PM (GMT+7)

Có hay không bún chứa chất cực độc? Trong khi chờ đợi kết luận từ cơ quan chức năng những thông tin trên đã gây ảnh hưởng xấu đến các hộ sản xuất kinh doanh bún trên thị trường Hà Nội.

Thời gian này người tiêu dùng thực sự hoang mang trước thông tin bún, bánh có chứa chất huỳnh quang . Theo kết quả kiểm tra của một đơn vị các mẫu bún bán tại siêu thị và chợ TP.HCM có đến 80% mẫu bún chứa chất làm trắng huỳnh quang Tinopal cực độc.

Xuất phát từ kết quả được công bố ngày 22/7 của Trung tâm nghiên cứu và Tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) về thức ăn được chế biến từ gạo như bún, bánh canh, bánh phở, bánh hỏi… tại địa bàn TP Hồ Chí Minh.Theo đó, nhóm bánh ướt, bánh canh và bánh hỏi có tỉ lệ sử dụng chất làm trắng huỳnh quang (tinopal) là 100%.

Việc sử dụng Tinopall làm trắng bún, bánh phở…có thể gây hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có nguy cơ dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày, nếu sử dùng lâu dài có thể gây suy gan, thận, thậm chí ung thư.

Bún Phú Đô quot;chịu trậnquot; vì thông tin bún độc - 1

Bún, bánh…là những thực phẩm được sử dụng hằng ngày nên thông tin có chứa chất độc khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo lắng.

PV có mặt tại làng bún Phú Đô (xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) làng nghề làm bún nổi tiếng của Hà Nội, các hộ sản xuất bún cho biết mấy ngày gần đây trước thông tin bún nhiễm độc đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc kinh doanh.

Anh Phúc, chủ cơ sở làm bún Hồng Phúc ở xóm 3, thôn Phú Đô,  cho biết, bình thường mỗi ngày cơ sở cung ứng cho thị trường khoảng 7 tạ bún và tiêu thụ hết, nhưng mấy ngày nay ế ấm, mặc dù đã giảm giá một chút nhưng tiểu thương vẫn đặt mua bún ít hơn. Lượng bún làm ra đã giảm xuống còn 5 tạ bún/ngày.

Anh Phúc cho biết bao nhiêu năm làm bún anh cũng chưa bao giờ biết huỳnh quang là chất gì để mà cho vào bún. Hằng ngày vợ chồng con cái trong gia đình vẫn ăn bún chính mình làm ra, người quen biết thì họ vẫn đến mua bình thường. Nhưng lượng bún bán ra đang bị sụt giảm vì thông tin trên nên mong cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ, có biện pháp để khách hàng và người sản xuất chân chính yên tâm.

Chị Vân bán thịt ở chợ Phú Đô cho biết, chị cũng có nghe nói chất độc hại gì đấy nhưng làng bún này đã có từ lâu đời, làm ăn chân chính nên dân ở đây chẳng ai quay lưng lại với bún.

"Nếu mà có chất độc thì chúng tôi có mà chết trước tiên. Chỉ có một số con sâu làm rầu nồi canh mà thiệt hại trước hết chính là những người sản xuất", chị Vân bức xúc.

Còn tại chợ đầu mối Đền Lừ, một người bán bún cho biết, bao giờ cũng thế, có tin như vậy làm tâm lý người mua hoang mang chứ. Bọn chị thấy không bán được thì làm ít hơn chẳng hạn bình thường bán 3 tạ thì giờ chỉ 2- 2,5 tạ thôi .

“Ăn bún chết đấy, đọc trên mạng đúng là sợ thật”, các tiểu thương tại chợ nói đùa với nhau, tay vẫn bốc bún cho lên miệng ăn ngon lành.

Người bán bún cho hay: “Bún của mình thì yên tâm em ạ, ăn hơi chua chua, màu đục còn bún hóa chất trắng, trong, dai. Ở đây ngày nào bọn chị chẳng ăn, em nhìn xem, bún đậu, bún trộn…kia kìa nên em cứ yên tâm”, để minh chứng cho khách hàng chốc chốc chị lại lấy bún lên ăn.

Bún Phú Đô quot;chịu trậnquot; vì thông tin bún độc - 2

Nhiều tiểu thương phải cắt giảm lượng bún bán ra do ảnh hưởng từ thông tin bún chứa chất cực độc. Ảnh DT

Cũng có cùng hoàn cảnh tương tự chị Liên bán bún ở chợ Hoàng Mai cho biết dù mình làm ăn chân chính nhưng nhưng những thông tin bún có độc như thế vẫn khiến việc buôn bán gặp khó khăn hơn. Hiện tại chị đã phải chủ động giảm lượng bún bán hàng ngày.

Để trấn an khách hàng chị chia sẻ kinh nghiệm mua bún: Em cứ nhìn màu bún là biết ngay. Bún sạch thường có màu đục, ngửi có mùi bột ủ và chỉ cần để qua đêm thôi là ngày mai đã thấy nhớt nhớt tay như cơm thiu. Ở mình bún chứa chất huỳnh quang thì không ai dám làm nhưng khẳng định là vẫn có rất nhiều cơ sở họ sử dựng chất tẩy, chất bảo quản để làm bún trắng, trong, dai, để được lâu hơn. Bún có hóa chất thường có mùi nồng nồng, khó chịu để vài hôm bún vẫn khô như thường.

Chọn mua hai cân bún tươi, chị Quỳnh (Bạch Mai, Hai Bà Trưng) cho biết, chị cũng có biết thông tin nhưng những món ăn từ bún đã trở thành quen thuộc chỉ vì một số thông tin trong thành phố HCM mà từ bỏ được thực phẩm này ngay thì khó lắm. Hơn nữa bây giờ cái gì cũng bảo có độc, thế thì mua gì ăn bây giờ.

Chỉ sau khi thông tin bún chứa chất độc hại được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, dù lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã trấn an người tiêu dùng không phải quá hoang mang nhưng rõ ràng thông tin trên đã gây ảnh hưởng lớn đến thị trường và tâm lý người tiêu dùng.

Chị Trịnh Thị Thoa (Sinh viên Cao Đẳng Kế toán) ở Mỹ Đình cho biết sau khi đọc báo biết được thông tin chị cũng đã gọi điện về quê khuyên người thân hạn chế ăn bún. Bản thân chị sống gần nơi sản xuất bún uy tín nên mới dám mua về chế biến, còn những món ăn vẫn hay ăn ở quán như bún đậu, phở cuốn…không biết nguồn gốc thế nào đành phải hạn chế.

Tuy nhiên bún được bày bán trong thúng, mẹt, không phải ai cũng biết được cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để chọn mua . Trước nguồn thông tin bún chứa chất độc, người tiêu dùng hoang mang, lo lắng không biết thực phẩm mình mua lâu nay có đảm bảo. Không ít người đã quyết định quay lưng với loại thực phẩm phổ biến này trong lúc chờ ý kiến từ phía cơ quan chức năng.

Theo Diệu Thùy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan