Buôn làng ôm nợ vì “con ma” đa cấp

Ngày 21/05/2017 00:24 AM (GMT+7)

Cuộc sống buôn làng đang bình yên, bỗng cơn bão đa cấp ập đến lôi kéo nhiều người nhẹ dạ, cả tin khiến họ phải gồng lưng trả nợ, có người phải bỏ nhà tha hương.

Bố mẹ trốn, con ở nhà trả nợ

Đến buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) gợi chuyện đa cấp, người dân ai cũng dè dặt đề phòng. Dường như họ chưa quên được nỗi đau mà hai từ “đa cấp” gây ra năm 2016.

Buôn làng ôm nợ vì “con ma” đa cấp - 1

Y Lep Knul - người đầu tiên “rước” đa cấp về buôn Tơng Ju.

Anh Y Lep Knul (SN 1972), người đầu tiên “rước” đa cấp về buôn nói trong ân hận: “Nếu không tham gia đa cấp thì giờ đây tôi đã giàu to chứ không phải như bây giờ. Tiền mất, xóm làng dị nghị coi mình là kẻ lừa đảo. Dù họ không đến nhà mắng nhiếc nhưng cách im lặng của họ càng làm tôi buồn hơn”. 

Anh kể: Tháng 8/2015, anh được bà H’Xuân Mlô - Giám đốc Công ty Cà phê Linh Chi (địa chỉ tại số 2 Mai Xuân Thưởng, thành phố Buôn Ma Thuột) mời tham gia góp vốn kinh doanh với mức lãi hấp dẫn. Công ty đưa ra 4 gói hợp đồng góp vốn, gồm: 12,6 triệu; 24,6 triệu; 36,6 triệu và 72,6 triệu đồng. Mức góp càng cao thì lãi càng khủng. Ví dụ nếu góp 72,6 triệu đồng, tháng thứ nhất người tham gia sẽ nhận được 9 triệu đồng tiền lãi; tháng thứ hai: 12 triệu đồng; tháng thứ ba: 24 triệu đồng; tháng thứ tư đến tháng thứ chín: 27 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, đến tháng thứ mười thì sẽ nhận được 500 triệu đồng. Điều kiện để nhận lãi là phải lôi kéo thêm người góp vốn vào công ty.

Thấy việc kiếm tiền quá dễ dàng, Y Lep đồng ý tham gia góp mức 12,6 triệu đồng. Sau đó, anh trở thành “cánh tay đắc lực” cho công ty, liên tục mời gọi được 20 người thân hai bên nội ngoại cùng hàng xóm láng giềng tham gia góp vốn để hưởng hoa hồng.

Người góp vốn nhiều nhất trong buôn là vợ chồng anh Y Lep Niê (SN 1975), với số tiền là 402 triệu đồng (gồm 1 mã 72,6 triệu và 9 mã 36,6 triệu đồng) nhưng mới thu lời được 16 triệu đồng thì công ty chây ì không trả lãi, sau đó đóng cửa. Túng quẫn vì không có tiền trả nợ, vợ chồng anh Niê cho đứa con út đang học lớp 6 nghỉ học giữa chừng rồi cao chạy xa bay từ tháng 7/2016, để lại cô con gái đầu là H’Mlô Êban (SN 1997) quán xuyến việc nhà và gồng gánh trả nợ. H’Mlô cho hay: “Trước lúc đi, ba mẹ chỉ nói vào thành phố Hồ Chí Minh thăm ông nội bị ốm, nhưng từ đó đến nay gần 1 năm không về nhà. Việc ba mẹ góp tiền vào đa cấp, em không nắm rõ, cũng không biết ba mẹ vay bên ngoài bao nhiêu. Giờ chủ nợ gọi điện đòi tiền mượn và lãi em mới tá hỏa. Mùa thu hoạch cà phê vừa rồi em có bán trả được cho họ một ít, hiện còn nợ hơn 70 triệu chưa tính lãi nữa. Em sẽ cố gắng làm trả dần. Em chỉ mong ba mẹ và em bình an, sớm trở về sum họp”.

Buôn làng ôm nợ vì “con ma” đa cấp - 2

Nhà chị H’Mer rơi vào cảnh túng quẫn vì đa cấp.

Phớt lờ cảnh báo

Cũng vì ôm mộng làm giàu từ đa cấp đã đẩy gia đình chị H’mer Bkrông (SN 1981) vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhà H’mer thuộc diện hộ cận nghèo, ít nương rẫy, hai vợ chồng quanh năm đi làm thuê kiếm ăn nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn học. Đầu năm 2016, thấy người dân trong buôn ai cũng diện quần áo đẹp chạy xe lên phố ngồi uống cà phê miễn phí (trụ sở của công ty Cà phê Linh Chi thực chất chỉ là một quán cà phê), chị lân la hỏi chuyện mới biết chỉ cần nộp tiền vào, không phải làm gì, tới tháng công ty sẽ trả lãi cao. Tin lời, H’mer về nhà gom hết tiền của, vay nóng bên ngoài cho đủ 12,6 triệu để tham gia. Nào ngờ chưa thu được đồng lời nào, công ty đã sụp đổ, chị H’Mer trắng tay. Bây giờ, chị cho hai đứa con đầu ở nghỉ học ở nhà, hai vợ chồng tiếp tục đi làm thuê để trả nợ.

Ông Y Pum Bkrông - phó buôn Tơng Jú cho biết: Năm 2016 khi hay tin người dân góp tiền vào công ty đa cấp, ban tự quản buôn đã tổ chức họp, tuyên truyền, khuyên người dân nên thận trọng khi tham gia vào đa cấp nhưng họ phớt lờ không nghe, thậm chí còn cho rằng “mình ghen ăn tức ở”, không muốn để họ giàu có. “Họ có tiền, tham gia hay không là quyền của họ. Đến khi sự việc vỡ lở, mất tiền họ mới hối hận, tìm đến chính quyền nhờ giúp đỡ thì đã muộn. Đa cấp như “con ma” gieo điều xấu khiến buôn làng đang bình yên trở nên náo loạn”, ông Y Pum nói.

Theo số liệu từ Công an xã Ea Kao (thành phố Buôn Ma Thuột), trong xã có 7 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, có tới 3 buôn tham gia góp vốn vào Công ty đa cấp Cà phê Linh Chi, 42 người tham gia. Tổng số tiền góp vào đa cấp lên đến hơn 2,1 tỷ đồng.

Theo Huỳnh Thủy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h