Chợ tạm lấn át chợ truyền thống

Ngày 22/05/2013 06:01 AM (GMT+7)

Nếu không dẹp bỏ chợ "cóc", chợ tạm sẽ không thể quản lý được các vấn đề như: An toàn vệ sinh thực phẩm, cạnh tranh, nguồn thu ngân sách và ách tắc giao thông...

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện việc phát triển, quản lý chợ (giai đoạn 2003-2012) do Bộ Công Thương tổ chức ngày 20.5, nhiều ý kiến phản ánh các chợ "cóc", chợ tạm mọc lên ngày càng nhiều, lấn át cả chợ truyền thống.

Chợ tạm lấn át chợ truyền thống - 1

Chợ "cóc", chợ tạm đang lấn át chợ truyền thống (ảnh chụp tại khu tập thể Thành Công, Hà Nội. Ảnh: Đặng Tiến

Không kiểm soát được ATVSTP

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, từ năm 2003-2012, cả nước đã nâng cấp, cải tạo được 2.984 chợ các loại, xây mới 2.006 chợ nâng tổng số chợ cả nước lên 8.547 chợ, với tổng vốn đầu tư khoảng 13.267 tỉ đồng. Trên thực tế vẫn còn một số chợ hoạt động kém hiệu quả do đầu tư xây dựng không theo quy hoạch, không có sự thẩm định trước về mật độ dân cư, tập quán tiêu dùng, giao thông đi lại.

Ngoài ra, một số DN bỏ vốn đầu tư xây dựng chợ gắn với siêu thị, trung tâm thương mại nhưng hiệu quả thấp, dẫn đến tình trạng không bán được hàng. Nguyên nhân do chủ đầu tư chưa quan tâm đến các dịch vụ để thu hút và tạo sự hấp dẫn người dân vào mua bán hoặc làm sai lệch thiết kế ảnh hưởng đến kết cấu và giá thuê lại rất cao.

Đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh thừa nhận, tỉnh có 135 chợ và phần lớn hạ tầng các chợ đều xuống cấp, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh chung như: Nguồn nước sạch, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và vệ sinh. Dẫn đến việc thực phẩm đưa vào chợ chưa được quản lý về ATVSTP, khó xác định được nguồn gốc thực phẩm đưa vào chợ.

Còn Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Xuân Chiến cho rằng, chợ truyền thống gắn với siêu thị đang có những bất cập, chưa tạo điều kiện tối đa cho người dân. Đơn cử đi mua một mớ rau 5.000đ nhưng lại phải thêm tiền gửi xe 3.000đ, trong khi đó chỉ cần tấp xe vào lề đường mua mớ rau chỉ 3.000đ-4.000đ. Mặt khác không gian chợ truyền thống chật hẹp, thường nằm dưới các tầng hầm.

Thiếu sức hút đầu tư

Chợ tạm lấn át chợ truyền thống - 2

Chợ "cóc", chợ tạm đang xuất hiện tràn lan. Ảnh: Giang Huy

Theo nhiều ý kiến, việc thực hiện xã hội hóa chợ, DN xây dựng chợ và Nhà nước quy định giá chi phí cao như vậy sẽ không thu hút được DN và các hộ kinh doanh. Cụ thể như PGĐ Sở Công Thương Hậu Giang Nguyễn Văn Thậm cho biết, hậu Giang hiện có trên 80% chợ xuống cấp nhưng khó thu hút được đầu tư vì đầu tư vào lĩnh vực chợ vốn lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, hiệu quả đầu tư không cao, không hấp dẫn được các nhà đầu tư, nhất là các chợ hạng 3. Vì vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình quản lý chợ, cần hỗ trợ về các chính sách. Đồng thời, cũng cần phải có các chợ đầu mối, hiện cả nước chỉ có khoảng 10 chợ đầu mối, bởi chợ đầu mối cực kỳ quan trọng vì nằm xa trung tâm, không gây ách tắc giao thông và quản lý được chất lượng và xuất xứ hàng hóa.

Nhiều ý kiến đề xuất, các cơ quan chức năng cần có những chính sách để chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư. Chẳng hạn, Nhà nước cần có quy định rõ về việc hỗ trợ DN về tài chính, hành chính và nhất là giải tán các chợ cóc, chợ tạm. Vì các DN làm ăn bài bản đã đang bị tư thương làm ăn chộp giật lấn át với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATVSTP và đặc biệt là Nhà nước không kiểm soát được lượng hàng hóa dẫn đến thất thu thuế. TPHCM: Tràn lan chợ cóc, chợ tạm

Hiện TPHCM có khoảng 100 chợ tự phát. Trong các năm qua, tại một số khu vực, chợ tự phát đã được dẹp bỏ dần nhưng bên cạnh đó cũng có một số chợ tự phát phát sinh được mọc lên tại các tuyến đường xung quanh chợ, gần các khu công nghiệp, khu dân cư,...

Tại đường Trường Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khi con đường vừa được cải tạo sạch, đẹp thì chợ tự phát cũng mọc lên, kinh doanh đủ các loại thực phẩm rau - củ - quả, hàng thủy hải sản. Chợ tự phát này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến giao thông, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương ở chợ Thị Nghè.

Tình trạng chợ tự phát gần như xuất hiện tràn lan ở các quận, huyện, chứ không cá biệt ở một quận nào. Ở địa bàn quận 2, mặc dù có chợ An Khánh vừa được xây dựng mới nhưng tại phường Bình An, không ít người dân vẫn đi chợ tự phát - chợ Đo Đạc. Không khí mua - bán của các chợ tự phát thường nhộn nhịp hơn cả các chợ truyền thống được đầu tư xây dựng hàng tỉ đồng. Tại quận 1, xung quanh chợ Tân Định sáng sáng xuất hiện chợ tự phát bày bán dọc các tuyến đường Bà Lê Chân, Nguyễn Hữu Cầu.

Tuy nhiên, điều đáng lo là thực phẩm, hàng hóa kinh doanh tại các chợ tự phát này đa phần là hàng trôi nổi, việc bảo quản an toàn vệ sinh thực phẩm cũng rất lơ là. Mặc dù dịch cúm gia cầm đang xảy ra tại các quận, nhưng ở các chợ tự phát vẫn bày bán gia cầm sống, trứng gia cầm không rõ nguồn gốc. Các loại thịt, cá, hải sản được bày bán giữa trời nắng nóng, không được bảo quản đúng cách. Thậm chí, một số trường hợp không loại trừ việc tẩm ướp các hóa chất để bảo quản thực phẩm.

Theo M.Thoa (Lao Động)
Nguồn:

Tin liên quan